Everest- điểm dừng hay khởi đầu?

 

 

 

 

 

Phật giáo Tây Tạng và Everest đều là hai đỉnh cao của một giao động cảm xúc và nhận thức!

 

Rongbuk- tu viện mồ côi.

 

 

Có sách cổ nói rằng loài người đã tìm ra và khám phá dãy núi Hymalaya cùng Everest từ những năm 20 đầu công lịch. Kể từ đó đến nay, dấu tích vật chất đáng kể nhất của sự nghiệp ấy còn lưu đọng lại ở phía Bắc Everest chính là tu viện Rongbuk. Tu viện được xây trong một thung lũng nhỏ, một điểm tụ cư của số ít người Tạng và cũng là điểm dừng chân tốt nhất trước khi lên Basecamp chiêm ngưỡng đỉnh Everest huyền thoại.  Nếu đã chót đọc những lời cảm thán của John Noel một người Anh cũng là người phương Tây đầu tiên khám phá ra Rongbuk từ đầu thế kỷ 20 thì bạn đã mua cho bản thân môt sự thất vọng. Và nếu đã đi qua tu viện Potala, Gandan, Drengpung, gyantse…mới thấy Rongbuk nhỏ bé và tàn tạ làm sao. Các tu viện kể trên đều được dáng sông, thế núi nâng niu, tôn vinh còn với Rongbuk hình như nó khá nép vế trước một Everest rò rỡ uy linh của trời đất. Thân trạng ấy của Rongbuk càng khổ não hơn khi còn chịu chung  tình trang bị các “tôn giáo” khác xâm lấn, chèn ép và tàn phá. Cách mạng văn hoá cũng đã thò những cánh tay tàn bạo nhất đến chốn tu thiền heo hút này. Biết bao tranh thangka, tượng Thích Ca, Bồ Tát, linh tháp, kinh sách và cả các Lạt ma, ẩn sỹ… đã bị hoá kiếp không thương sót

Trong ánh ngày đang dần tắt, không một cánh cửa mở, không một làn khói mỏng, không một tiếng kèn siêu trầm giữ nhịp cho những lời kinh kệ, tôi không nhận thấy bất kỳ một tín hiệu sống nào từ trong cái tu viện đã có tuổi đời hơn 400 năm kia. Điều đáng kể nhất của tu viện Rongbuk bởi nó là một trong những tu viện cao nhất thế giới được đặt nằm ở một cuộc đất cao 4980m so với mặt nước biển. Tu viện Gandan chỉ cao 3800m, Potala cao 3600m…Dù sức tưởng tượng có phong phú đến đâu tôi cũng khó hình dung ra cái giai đoạn hoàng kim nhất của Rongbuk khi còn  dưới thời trị vì của Lạt ma Zatul Rinpoche. Trong khi nhà Phật lấy Tudu và đỉnh Ngân Sơn là núi thánh, biểu tượng thông nối con người và đất trời, vũ trụ thì Rongbuk chỉ đảm nhiệm vai trò sứ giả của một tôn giáo trước một Everest biểu tượng của trời đất. Nhiều năm qua, dòng người đổ về Everest phần lớn là tín đồ của giáo phái leo núi, tín ngưỡng chinh phục độ cao, họ tìm đến tu viện như thưởng thức một món lạ rồi để lại một thảm trạng ô nhiễm văn hoá. Những ẩn sỹ xưa kia đã không còn nhiều cơ hội để tìm cho mình những hang đá cô tịch, những động tuyết huyền ảo làm chốn tu thiền. Hình như chỉ còn rất ít Lạt Ma cố trụ lại trong tu viện để lo phần hương lửa cho ngôi nhà của Đức Thích Ca bớt đi một chút cái giá lạnh vốn đã dư thừa.

 

 

Điểm chết

Con ngựa oằn hai mông gầy để kéo giật chiếc xe cà khổ mui trần, bánh lốp xiêu vẹo và thân xác tôi dời khỏi Rongbuk bắt đầu lên đường tới Basecamp. Buổi sớm những sợi gió li ti,  lạnh buốt đã len qua tất cả những lớp áo quần che chắn. Tất cả những chỗ hở của da thịt bất đầu buốt rồi tê dại. Mỗi khi bánh xe chèn qua một hòn cuội nhỏ thì cả xe và người lại lắc giật. Dường như cám cảnh du khách phải gồng mình trên xe, anh chàng nài ngựa bất ngờ…hát. Không biết tiếng, không hiểu lời ca, tôi chỉ nghe và cảm thấy sự biến đổi âm sắc, tiếng ngân ngắt ngắn dài và sự lan toả của âm Ê  tựa như tiếng sáo Mèo Tây Bắc nhưng day dứt hơn, tựa như tiếng thở dài của cải lương nhưng buồn bã hơn và thật giống tiếng mẹ ru tôi trên những chuyến xe ngựa dời xa thành phố trên những con đường chiến tranh năm xưa. Đó là hát bài Chang Hogmun từng được ca sỹ người Tạng rất nổi tiếng Kelsang Chukie Tethong thể hiện nhưng sự chinh phục chỉ có thể thuộc về tiếng hát nơi đỉnh núi hoang. Chỉ có nhạc đệm của gió lạnh trên cao, có tiếng lách tách của băng tan, có tiếng móng ngựa gõ nhịp đều đều trên con đường chỏng lỏn sỏi đá… Tôi thấy mình rơi vào điểm chết của những xúc cảm mơ hồ. Tiếng hát hoang như đeo tôi vào một cái đu dây. đu đưa, chao qua, lắc lại giữa một bên là đỉnh linh tháp của tu viện Rongbuk và một bên là đỉnh Everest cao hơn 8000m. Quá khứ đau thương gọi về từ tiếng mẹ, hiện tại nở nụ cười chào đón những đam mê chinh phục và tương lai như được đặt cược, gửi gắm niềm tin về những giáo lý tốt đẹp đã nhập vào làm một nơi thần thức. Một đỉnh núi hơn 40 triệu năm, một tu viện hơn 400 năm và một kẻ lãng tử đã vào tuổi bất hoặc cùng nhập vào nhau làm một trong cái vô cùng của vũ trụ không sinh-diệt, không khởi đầu và kết thúc…

 

Gửi  Tây Tạng một lời hẹn

 

 

Everest lại là điểm cuối cùng trong hành trình khám phá Tây Tạng, một điểm chia ly thật tuyệt vời.

Được tận mắt chiêm ngưỡng Everest, đỉnh núi cao nhất thế giới, được du ngoạn đất Phật Tây Tạng  cũng là miền đất của các chư thiên là ước mơ lớn của tất cả mọi người. Đến hai chốn đó, thật tuyệt vời như khi thấy mình học được những  tuyệt chiêu của phép du già để có khả năng chiêm ngắm giấc mơ của  chính mình. Chưa kịp trở về mà lại thấy khát khao hơn những chuyến đi xa hơn. Đã tới Tây Tạng mùa xuân, vậy là còn Tây Tạng ba mùa, còn phía Tây Bắc Tây Tạng với những núi thánh Ngân Sơn cùng hồ thánh Manasarova. Cũng còn đó lộ trình chinh phục phía Nam Everest từ đất nước Nepal, nơi có ngôi chùa thiêng thờ thần Mẹ Núi vỹ đại…

 

 

 

 

 

Bình luận về bài viết này