Họa hổ họa bì nan họa cốt

Thử phác họa chân dung một ông Hổ qua ba câu chuyện về quảng cáo của Mercedes, bản mệnh Nguyễn Vĩnh Tiến- KTS sinh năm Giáp Dần và cách làm giai phẩm xuân của các Báo.

Hổ xem đá cầu-- điêu khắc gỗ- đình Thổ Tang- Vĩnh Yên-TK 17

Săn hổ- chạm gỗ- đình Tây Đằng Ha Tay TK 16

Đánh Hổ-tranh khac go phuc che- đình Chảy- xa Liem Thuan- Thanh Liem- Nam Ha- Hậu Lê (1428 - 1788)

Gạch xây tháp- đất nung thời Trần


&

Mượn oai cọp, Mẹc bán xe cho… hổ?

Trong những sản phẩm tiếp thị mới đây của Mercedes, tôi rất thích những dòng giới thiệu xe GLK 4Matic: tên khoa học X240; Năm sinh 2009; Nơi sinh sống: phân bổ rộng, thích hợp nhiều địa bàn, môi trường; Đặc tính: linh hoạt, dễ thích nghi; Thức ăn: xăng cao cấp không pha chì; Tốc độ… Khả năng leo trèo… Tiếng gầm của Chúa sơn lâm đột khởi từ những âm thanh của núi rừng cũng khá ấn tượng.

Việc vẽ vằn hổ lên thân xe còn có thể tạm chấp nhận được. Nhưng quả thật tôi không hiểu nổi vì sao hãng xe Mercedes danh tiếng lại “nhốt” chiếc GLK 4Matic- kỳ vọng lớn của họ vào trong một chiếc cũi sắt xấu xí, vô cảm cùng với những trang trí giả sơn rất, rất rẻ tiền? Trên cũi sắt gắn biển “Đừng cho thú dữ ăn” hay “Coi chừng hổ dữ”. Đây là một quảng cáo góp phần làm gia tăng sự xô bồ, nhốn nháo trong không gian đô thị đang xuống cấp thê thảm từng ngày.

Hổ có bao nhiêu Đức tính, tại sao Mercedes lại nhắm chọn cái ác, xấu, dở và thứ yếu làm nền hay đích hướng đến của một ý tưởng quảng cáo?
Đó là nhận thức của Mercedes về tâm lý, nhu cầu khách hàng? Với giá bán gần 80.000 USD, đối tượng tìm mua dòng xe này chắc hẳn không thể là những thanh niên mới … vỡ giọng, lúc nào cũng thèm trở thành “tổ lái”?!
Đã là người từng trải thì chẳng khách hàng nào lại muốn mình biến thành diễn viên xiếc, người thuần dưỡng dã thú hay một dạng Võ Tòng. Nếu đã là một người thành đạt thì e rằng không ai lại liều mình “cưỡi lên lưng hổ”. Một nhân vật danh giá sẽ cân nhắc thận trọng hơn khi mua dòng xe này bởi sẽ có người nhắc họ câu: hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn….

Hay là Mercedes “đánh hơi” thấy khách hàng của họ ở Việt Nam phần nhiều là những tay cự phú mới nổi, những cậu ấm, cô chiêu của bọn Giặc Đỏ. Những kẻ quá dư thừa tiền lại rất ưa choàng khoác, đắp điếm, đánh bóng cho thân phận nên đã được Mẹc mạnh dạn “gán” cho mỹ từ “kẻ chinh phục”?

Chắc hẳn Tổng Giám đốc, Tiến sĩ Udo Loersch và Giám đốc Kinh doanh Tiếp thị Mercedes-Benz Việt Nam Martin Schulz không thể quên rằng bản thân Mercedes đã là một biểu tượng oai hùng. Ai từng một lần tới Đức đều nhận thấy phần lớn những chiếc xe Mercedes sang trọng nhất đang lăn bánh trên Autobahn đều không gắn vá bất kỳ trang sức nào ( ký hiệu loại xe, thông số kỹ thuật) ngoài biểu tượng ngôi sao ba cánh.

Hơn 100 năm trước, một phần lịch sử hãng xe hàng đầu thế giới này được mở ra từ việc mượn danh xưng Mercedes của con gái Emil Jellineck, một thương gia thành đạt người Áo đam mê xe hơi, một tay đua thượng thặng. Đó như là cơ duyên lớn.

Hổ trong rừng trúc - Kano Tanyu (1602- 1674) trang trí cửa lụa- giấy cao 170,2 cm- chùa Nanzen Kyoto Nhật thời kỳ Edo

Gối hình Hổ cầu an-Tây An 2006

hoa văn Hổ trên ngọc đời nhà Thương 1766–1122 TCN

Trang tri Ho tren ngoc-Nha Thuong- (1300 - 1046 tr CN)

Tuy nhiên việc mượn hình ảnh Hổ để quảng cáo nhân dịp tết Canh Dần lần này thì quá bất cẩn. Thái độ ấy chỉ gợi cho người hiểu sử Tàu nhớ lại tích Hồ giả Hổ uy- cáo mượn oai hùm để chê cười Chiêu Hề Tuất mượn oai Vua Tuyên Vương nước Sở để hù dọa người đời. Quảng cáo này cũng chỉ nhắc người Việt liên tưởng tới những kết cục bi hài, oan khuất của Thái sư Lê Văn Thịnh với huyền sử hóa hổ giết vua Lý Nhân Tông. Bọn trẻ con xem quảng cáo này thì nhớ lại con hổ hiền lành, dại dột, bị người lừa trong truyện cổ tích “Trí khôn ta đây”.

Ước gì quảng cáo của Mercedes có được cái hồn nhiên (Naïve art) của Henri Roussseau trong tác phẩm “Cơn bão nhiệt đới với một con hổ”. Giá mà GLK 4Matic như bước ra từ tác phẩm “Hổ trong rừng trúc” của Kano Tanyu thời kỳ Edo (1602- 1674) trang trí trên cửa chùa Nanzen Kyoto Nhật Bản. Hy vọng Mercedes hãy dùng một phần chi phí quảng cáo để thiết kế những bùa ngọc nhỏ có điêu khắc hổ (trấn những điều dữ) để làm quà tặng cho khách hàng! Người xưa quan niệm ngọc không chỉ là đồ trang sức: Cổ chi quân tử tất bội ngọc- Người quân tử nhất định phải mang ngọc. Từ đời nhà Thương cách đây hơn 3600 năm người Trung Quốc đã từng chế tác bùa hổ thành những tác phẩm nghệ thuật rất tinh khéo. Thông điệp của họ là: có thân phận nào, nhất là những bậc giàu sang, quyền quý, đang lưu hành trên cõi đời mà chẳng mong muốn điều Lành đâu!

Xin gửi Mercedes bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ như một “ghi nhận” về những tâm tư của GLK 4Matic:

Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẳm
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.

Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối:
Hoa chăm, cỏ sén, lối phẳng, cây trồng;
Giải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém;
Dăm vừng lá hiền lành không bí hiểm
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu

Thêm chữ Vương, Hổ thời mọc cánh!

Chúa sơn lâm

Môn thần

mặt nạ bằng gốm ở Tây An

Bùa Hổ của người dân tộc Nùng

Bạch Hổ - gạch Hán- quận Quang Bình- Thiểm Tây- TQ

Trang trí Hổ trên diềm ngói chùa Đại Nhạn Tây An

Nguyễn Vĩnh Tiến cầm tinh ông Hổ. Tiến đa tài, mang danh KTS nhưng anh nổi danh bởi âm nhạc và thi ca. Không gian Nguyễn Vĩnh Tiến được nhạc cảm của những ca khúc “Bà tôi”, “Giọt sương bay lên” đột hứng dựng lên thành điểm nhấn khó quên ngay mặt tiền của những giao lộ văn hóa đương đại.

Trong công trình đó, thơ, ca từ của Nguyễn Vĩnh Tiến là một dạng kết cấu lạ và bền vững. Chỉ hơi tiếc phần kiến trúc trong một hiện tượng Nguyễn Vĩnh Tiến lại khá khiêm tốn. Nó là nơi chất chứa lo toan hay giữ nhịp cho một cuộc sống vật chất, thường nhật. Đó mới chỉ là cửa sổ để chủ nhân khát khao hơn những khoảng không lớn rộng.

Lần đầu tiên tôi biết đến Nguyễn Vĩnh Tiến qua dự định làm đồ án tốt nghiệp bằng thiết kế một lăng mộ đá cho bản thân. Ý tưởng “điên rồ” đó dĩ nhiên không được dung chứa ở giảng đường đại học- một mộ phần có khối tích lớn hơn. Các giảng viên cũng không đủ bình thản hay vô tư như tờ giấy trắng để Nguyễn Vĩnh Tiến có thể thả chữ và luận về cái chết giống như bao thi sỹ lừng danh từng giáng bút.

Nguyễn Vĩnh Tiến viết:

Tôi gặp cái chết của tôi
Đó là cái que dài vô tận
Giữa một khu rừng trồng toàn những cánh tay người
Khi mặt trăng nhe ra một nụ cười
( Bãi cỏ xanh 1995)

Những ý nghĩ không thể đùn lên thành một ngọn núi, một nấm mồ
Chúng uyển chuyển hoài nghi vô biên giới

Những ý nghĩ bay ra mọi đường biên
Sẽ cay đắng nhận ra sự sống
Nhưng rồi lâm vào thói quen
Chúng bay tới đoạn kết của mọi chuyển động.

(Những con chữ trên đại lộ tư duy- 2000)

Những câu thơ trên có lẽ chỉ đi theo nhưng sẽ chẳng bao giờ bắt kịp “Một mùa địa ngục” của Arthur Rimbaud, nó không thể siêu hình như “ Hồn là ai” của Hàn Mặc Tử và cũng chưa đến độ “ngộ năng” như “Trở về với mẹ ta thôi” của Đồng Đức Bốn…

Cũng như thơ, kiến trúc của Nguyễn Vĩnh Tiến tuy có nhiều đam mê, tìm tòi nhưng chưa thực sự tìm được chỗ đứng riêng.

Sau sự thành công của “Bà tôi”, tôi tiếp tục đặt ra những câu hỏi về sự khác biệt giữa âm nhạc- thơ và kiến trúc để “khảo cứu” kỹ lưỡng hơn về một KTS Nguyễn Vĩnh Tiến.

Kiến trúc- Thơ- Nhạc đều là những con đường nghệ thuật nhưng chất liệu, hướng và cách thức chuyển động thì lại rất khác nhau.

Thơ- nhạc có thể đi từ chi tiết câu chữ tới cảm xúc siêu hình, từ nốt nhạc bất động tới những lan tỏa không thể dừng lặng. Rất thích những câu chữ đầy hình tượng: Đêm chui trở lại hơi thở Mải miết tô cho giấc ngủ đen sì (Bàn tay múa). Xin được ngả mũ khi Nguyễn Vĩnh Tiến chuyển dịch từ “héo mòn một xâu” đến “bà tôi” và anh thành công ngoài trông đợi, hy vọng.

Kiến trúc thì ngược lại. Nó phải là một khối vật liệu đặc biệt được cô đúc từ nhu cầu đa dạng, đầy biến động của người tiêu dùng, dự cảm khả năng sinh lời của chủ đầu tư và cả sự tinh quái của KTS khi sử dụng hai yếu tố trên để phác thảo, định vị ý tưởng sáng tạo. Vậy mà nhiều năm qua Nguyễn Vĩnh Tiến lại chỉ cố đi tìm và xây cất những khối biểu trưng hay vóc dáng biểu tượng nào đó cho công trình.

Chủ nghĩa biểu hiện đi qua thời đỉnh cao đã ngót một thế kỷ. Hiện tại, những tác phẩm theo phong cách này thì rất kén chủ đầu tư và người thiết kế. Kể cả những hãng thiết kế hàng đầu thế giới cũng đã phải gắn thêm chữ neo trước chữ Expressionism. Vậy mà “con chồn hoang” Nguyễn Vĩnh Tiến cứ nằng nặc đi ngược chiều theo dẫn dụ của ánh trăng lãng mạn, một cái Tôi mơ hồ?

Điều đó có đủ lý giải vì sao anh đặt biểu tượng kim cương lên nóc công trình Diamon Plaza, đưa cánh buồm vào khách sạn ở biển Thiên Cầm hay phóng chiếu hoa lan ra ôm phủ mặt tiền của một quán cà phê…

Có phải Nàng thơ hay người tình âm nhạc đã cuốn hút hết thời gian, tinh lực của KTS mà một vài dự án không có được cái thao thiết, tìm tòi như khi viết:

Tôi chạy xa rồi cái bến đợi chuyến đò định mệnh
Nhưng Sông Thao lẽo đẽo chảy trong người
Trung du thở những cánh cung căng cứng.

Muốn cõng về cho em một quả núi Rồi nằm thật dài như đường ray.
(Trung du- 2003)

Tôi “rỗng mặt” sau khi xem xét bản thiết kế một khu resort trên Đồng Mô của KTS. Đó không phải là phương án tối ưu cho bài toán kinh doanh của chủ đầu tư. Sinh ra từ trung du, rất biết khi nào thì đưa những âm thanh chắt lọc nhất từ đời sống nông thôn truyền thống vào sáng tác đương đại, âm nhạc Nguyễn Vĩnh Tiến làm thổn thức rất nhiều con tim phố thị đã quá chai mòn. Vậy mà khi thiết kế không gian nghỉ dưỡng sinh thái, vì sao KTS lại quên đi sự mách bảo, dẫn dụ ấy.

Sao lại quên nhịp điệu núi đồi. Hãy nhanh tay ký hiệu lại những bước lưu chuyển của gió. Đừng bỏ qua những khoảng cách mùa còn đọng lại trên từng ngấn nước. Nên chầm chậm áp tai xuống đất nghe tiếng thở của đá ong. Thử tiến lại gần, đụng tay vào một cây xấu hổ. Rất có thể tỷ lệ vàng của cành và sự chuyển động của lá sẽ mách bảo đâu là chìa khóa vàng để mở ra một kiến trúc lạ!

Long Hổ- ngọc- thời Chiến Quốc- TK 5 - 221 TCN

Hoa văn thú- Long Hổ - trên gương đông f- đời nhà Đường

Long Hổ- chạm gỗ- thời Lê trung Hưng TK 17

Nhiều năm qua tôi luôn tự vấn vì sao bản mệnh kiến trúc của Nguyễn Vĩnh Tiến chưa được chòm “Bạch Hổ” chiếu sáng? Bước sang năm Canh Dần, mỗi khi mở web của văn phòng KTS, chỉ ngắm nhìn logo công ty thôi cũng đã thấy nóng ruột.

Ngoài T group, hình như tôi chưa nhìn thấy logo công ty kiến trúc nào lấy biểu tượng Hổ.

Bản tính Hổ cô độc và không bầy đàn như phần còn lại của thế giới động vật (kể cả con người). Trong đền Khổng Tử bên Trung Hoa, đền thờ Trần Thủ Độ ở Việt Nam và bên giếng cổ trong đền thờ bà Âu Cơ ở Phú Thọ quê hương KTS… bao giờ cũng chỉ có một điêu khắc Hổ. Tại sao lại để con hổ Nguyễn Vĩnh Tiến để “quây” một con Hổ khác.

Mong KTS đặc biệt lưu tâm một chi tiết nhỏ: hãy chọn cái Thần của ông Hổ thần dũng mãnh, oai linh chứ đừng chọn vẻ mặt một con Hổ thường. Để phân biệt hai loại hổ này, người xưa viết, khắc lên trán ông Hổ một chữ Vương. Đó là Chúa sơn lâm- Vua, biểu tượng cho quyền lực thông nối Trời- Đất- Con Người.

Vậy là logo Tgroup tuy có hình Hổ nhưng lý chưa tới, ý chưa sáng rõ và hình thì cần được tiết chế. Vẽ ra được một logo chuẩn là một quá trình tự nhận thức và cũng là cơ duyên. Nó khác nào người phàm hiểu được mệnh, thầy phong thủy tìm thấy một huyệt đạo tốt hay vương quyền gặp được vận hội. Canh Dần, mong Nguyễn Vĩnh tiến cùng Tgroup theo gương Zaha Hadid (1950, Giáp Dần) định hình, vững thế Long bão Hổ.

“Báo” khắc tinh, hổ cụp tai mèo

Năm Canh Dần là năm Hổ trắng

Điêu khắc hổ trong hang 257 ở Đôn Hoàng thời Lương Võ Đế ( 502- 557)

Điêu khắc hổ trên phù điêu Thích Ca nhập Niết Bàn trong tu viện thờ Ban Thiền Lạt Ma 6 ở Tây Tạng

Hình Hổ trong tranh Cây Thiêng ở Vạt Xiêng Thoong- Luong Pha Bang Lào

Tranh cắt giấy Hổ vọng nguyệt

Trang trí Hổ trên thạp gốm hoa nâu - Lý- Trần TK 13-14

Điêu khắc Hổ- hòm đựng tiền- chất liệu đồng- Đông Hán (25 - 220)

Bình tế lễ- đồng- 31,3cm- đời nhà Thương- phong trung bay my thuat Freer – Vien Smithsonia- Washington. DC

Không chỉ một Hãng xe danh tiếng, một nghệ sỹ danh tiếng đã xao nhãng, lãng quên những giá trị căn cốt của biểu tượng Hổ trong đời sống.

Nếu giở mấy chục báo tết Canh Dần, có lẽ ta sẽ thấy rất “Hổ thẹn”, “xấu Hổ”…

Mượn oai hùm, trên nhiều trang quảng cáo người ta chỉ thấy các “ông chủ” còn “nhờn gớm” hơn cả cáo. Họ trả những khoản tiền rất lớn để đạo mạo “dắt hổ du xuân” như…chó cảnh.

Về phần nội dung, trong nhiều năm, nhiều tờ báo lớn, có ảnh hưởng nhất định trong đời sống thì luôn gầm lên: can chi mà năm con gì bàn chuyện con ấy. Cảm giác như họ khó thở khi năm Mão có ai định viết về mèo gầy; Thật dung tục khi năm tý viết về Thử- Tý- Chuột; Chỉ là đồ gà què khi năm Dậu bàn về những tiếng gáy trước bình minh… Cạo đạo thế thôi nhưng tôi dám cá rằng không tòa soạn nào đủ vốn liếng thời gian, tiền bạc và cả tri thức để khai thác một cách tử tế và chuyên nghiệp về đề tài này. Làm sao thể hiện được Thần Khí của Hổ trên từng câu chữ, bài viết trong khi tất cả các báo đều “tập hợp” trong “hổ quyền” để Nhớ Rừng?

Vậy là báo chí – kênh truyền thông lớn nhất đã tiếp tục từ chối cung cấp thông tin đầy đủ hay luận giải sâu sắc về những vận động vũ trụ cho bạn đọc. Đó chính là nguyên do của hoạt cảnh Xuân qua, Đông tới, mười hai con giáp, một dãy linh vật cùng hàng chuỗi biểu tượng văn hóa từng được tiền nhân công phu gây đắp cứ ngơ ngác trôi đi trước những cặp mắt vô tình hôm nay.

Tôi không tin:“Họa hổ họa bì nan họa cốt- rồi chỉ còn mang ý nghĩa giáo khoa thư” như một tác giả đã viết trên báo Tuổi Trẻ xuân Canh Dần. Người xưa thì nói đầy đủ rằng: vẽ hổ, vẽ được da, đâu dễ vẽ xương cốt bên trong. Tìm người, thấy mặt, chứ không thể hiểu tâm can họ. (Họa hổ, họa bì nan họa cốt. Tri nhân, tri diện, bất tri tâm).

Theo đó, con người không bao giờ hiểu được bản thân. Vậy thì cơn cớ gì mà họ phải đi tới cùng suy ngẫm: Hổ cũng chính là Người? Tiếc!
Cuối bài mong mọi người tìm đọc những câu đối của Hà Sỹ Phu đã viết tặng những nhà BÁO còn đau đáu một niềm HỔ thẹn.

4 responses to “Họa hổ họa bì nan họa cốt

  1. Nguyễn Xuân Diện

    Cảm ơn Xuân Bình tiên sinh! Đây là bài viết hay nhất về Hổ và Năm Con hổ Canh Dần 2010 mà tôi đọc được.
    Bài viết này đã đăng báo giấy (hoặc báo điện tử) nào chưa, thưa tiên sinh?

  2. anh ba sàm ơi, nếu chưa đọc thì đừng “điểm báo”. Nếu có “điểm” thì tránh cách làm của báo chí Vô… Sản. Tôi viết bài để chia sẻ cùng anh và những người cùng cảnh ngộ “làm báo trong hổ quyền”. Tôi đây tuy có ít chữ, thô lậu nhưng quyết không viết để “vui mắt” hay mua vui cho ai à nha

  3. KTS. Bùi Văn Hoàn

    Vui được biết anh,
    Sướng nhất là thấy nhiều thông tin, chứ phân tích nhốt xe của bác cũng ko hay lắm. Chuyện là lúc làm ý tưởng quảng cáo, 9 người 10 ý rồi cũng phải chọn 1, xong thì làm ra, đơn giản thế thôi.
    Nhưng rõ ràng làm cho anh phải để ý và viết bài, và nhờ bài mà tôi biết nó. Tuy anh không thích nhưng tôi lại thấy thú vị đấy. Vậy suy ra QC này cũng hiệu quả đấy.

  4. KTS. Bùi Văn Hoàn

    Vui được biết anh,
    Sướng nhất là thấy nhiều thông tin, chứ phân tích nhốt xe của bác cũng ko hay lắm. Chuyện là lúc làm ý tưởng quảng cáo, 9 người 10 ý rồi cũng phải chọn 1, xong thì làm ra, đơn giản thế thôi.
    Nhưng rõ ràng làm cho anh phải để ý và viết bài, và nhờ bài mà tôi biết nó. Tuy anh không thích nhưng tôi lại thấy thú vị đấy.
    Vậy suy ra QC này cũng hiệu quả đấy.

Gửi phản hồi cho KTS. Bùi Văn Hoàn Hủy trả lời