TS PHÓ ĐỨC TÙNG PHẢN BIỆN HỒ SƠ QUY HOẠCH HN

Phản biện hồ sơ trình duyệt, đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội

TS. KTS Phó Đức Tùng

Nhìn chung, so với những bản thuyết minh giữa kỳ, bộ hồ sơ này đã được diễn đạt rõ ràng, hành văn mạch lạc, ngắn gọn, không có nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp. Tuy nhiên, nội dung đồ án không phải vì thế mà được cải thiện một cách đáng kể. Không những thế, bản chất của một đồ án duy ý chí càng được bộc lộ rõ ràng.

Sau đây là những phản biện chi tiết từng chương của hồ sơ trình duyệt.

I – Chương 1 – Phần mở đầu:
1.4. Phạm vi, ranh giới quy hoạch:

Đã đành là ranh giới hành chính của Hà Nội đã được quyết định, tuy nhiên dưới góc độ quy hoạch chung cho một thủ đô lớn, với vị thế không những trong nước mà còn khu vực thì thiết tưởng cũng nên phân tích kỹ lưỡng về ý nghĩa và vai trò của ranh giới này. Có khi nào mối liên quan hữu cơ nội tại giữa Hà Nội với Bắc Ninh, Hưng Yên còn chặt chẽ hơn giữa Hà Nội và Ba Vì, Miếu Môn, Xuân Mai hay không?

1.7. Mục tiêu, nhiệm vụ:

Ngay từ đầu, trước khi phân tích mọi điều kiện hiện trạng và định hướng mô hình tương lai, đồ án đã áp đặt một loạt chỉ tiêu chi tiết về mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, hạ tầng, chính xác tới từng giai đoạn 10 năm. Đây là phương pháp tiếp cận hoàn toàn duy ý chí và kế hoạch hóa.

II – Chương 2- Hiện trạng

So với các báo cáo trước, phần này ngắn gọn, rõ ràng hơn. Nhưng dù sao vẫn chỉ thuần tuý là mô tả hiện trạng, gần như không có đánh giá, kết luận. Đặc biệt là tất cả các điều kiện hiện trạng, ngoại trừ hiện trạng phân vùng sử dụng đất, đều không được bản đồ hóa. Không có mối liên hệ rõ ràng nào bằng bản đồ giữa phần phân tích hiện trạng và giải pháp quy hoạch. Như vậy thì làm sao có thể đánh giá được là phương án quy hoạch đã quan tâm tới những điều kiện hiện trạng này hay chưa.

III – Chương 3 – Kinh nghiệm quốc tế:

Một khi việc phân tích hiện trạng đã không hiệu quả thì các bài học kinh nghiệm quốc tế cũng ít giá trị. 17 bài học quốc tế rút ra đều là hợp lý, nhưng vì quá chung chung và hiển nhiên, chúng giống như những mục lục cần quan tâm trong một hồ sơ đồ án quy hoạch chung hơn là những kinh nghiệm thực sự.

IV – Chương 4 – Liên Kết vùng:

4.1. Bối cảnh vùng

Tương tự như phần hiện trạng, phần này không có một kiến giải gì cụ thể, thuyết phục khả dĩ áp dụng cho giải pháp quy hoạch. Thay vì hình dung ra vai trò tương lai của Hà Nội trong vùng, Hà nội sẽ đảm đương công đoạn nào, quan hệ thế nào với các thủ đô khác, thế mạnh thế yếu ở đâu thì đồ án chỉ nói việc mở rộng địa giới hành chính đã tạo nên lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các vùng đô thị lớn như Nam Trung Hoa, Gia Các Ta, Băng Cốc, thật là hết sức hoang đường.

4.2. Vùng thủ đô:

Định hướng về liên kết và chia sẻ chức năng trong vùng ở phần này đã được nêu rõ hơn phần trên. Và khác với phần trên, do toàn bộ vùng thủ đô vẫn nằm trong một hệ thống quốc gia nên những định hướng này có khả năng được thực hiện. Tuy nhiên lập luận chủ yếu của phần này mới dựa trên việc nơi nào có đất thì làm công nghiệp, có tài nguyên thiên nhiên thì làm du lịch, chưa thực sự là một chiến lược phát triển vùng có sức thuyết phục.

V – Dự báo phát triển

Chương này đa số là những chỉ tiêu mang tính kế hoạch được rút ra từ định hướng phát triển kinh tế xã hội chứ chưa thực sự là một dự báo phát triển. Những dự báo số lượng và phân bố dân cư ở đây, chẳng hạn giữa khu đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh không phải là cơ sở để đưa ra giải pháp quy hoạch, mà là hệ quả quy hoạch.

VI – Chương 6: Định hướng phát triển không gian

Mô hình định hướng phát triển không gian với một lõi trung tâm, 5 đô thị vệ tinh đã được triển khai chi tiết, thành một hệ thống có logic, với những phân công cụ thể về công năng, hình thức cho từng phần. Nhưng tại sao lại là mô hình này thì lý do lại chỉ đơn giản là kế thừa mô hình đã được phê duyệt. Trong khi đó, bản thân mô hình đã được duyệt trước đây là một mô hình mang tính kinh tế kế hoạch, chưa thực sự dựa trên những phân tích và dự báo sâu sắc và việc thực hiện mô hình này trong hơn 10 năm qua tỏ ra có rất nhiều vấn đề. Có phải những vấn đề trước đây là bản chất chưa hợp lý của mô hình, hay chỉ là sai sót nhất thời trong việc thực thi, điều này chưa được đồ án phân tích rõ. Một mô hình bản thân không đúng sai nên không thể phản biện, nhưng khi vào một điều kiện cụ thể về quản lý, tài lực vật lực, di sản v.v. thì có thể phù hợp hay không. Đồ án mô tả mô hình rất kỹ, nhưng lý do tại sao mô hình này lại phù hợp và khả thi đối với Hà Nội chưa được làm cho sáng rõ. Nói chung những mong muốn của mô hình này như giải toả sức ép vào lõi trung tâm, hạn chế phát triển đô thị tràn lan, giữ lại vành đai xanh, hành lang xanh v.v. đều là hợp lý và cần thiết, nhưng không phải vì thế mà chỉ có một giải pháp là mô hình như đề xuất. Giữ lại được hành lang xanh là một nỗ lực quan trọng trong điều kiện thực tế hiện nay, nhưng không phải vì thế mà Hà Nội có thể vươn lên tầm cao mới. Vấn đề là chiến lược phát triển cụ thể của hành lang xanh này như thế nào để có thể đạt chất lượng mới thì chưa rõ. Chỉ có khái niệm “Giải pháp kiểm soát trong khu vực vành đai xanh” là còn tương đối rõ ràng. Chuỗi đô thị vệ tinh phía tây có thể là giải pháp để giữ lại hành lang xanh, nhưng bản thân sức sống nội tại của các đô thị này lại chưa có sức thuyết phục. Việc áp đặt một số công năng như giáo dục đào tạo, công nghiệp, dịch vụ cho các đô thị này tuy có thể đảm bảo một nội dung kinh tế xã hội tối thiểu cho chúng, nhưng không chứng minh được là phân bố này là tối ưu đối với tổng thể thủ đô cũng như tổng thể vùng, bởi vì chúng không dựa trên những tiềm năng nội tại của các vùng này. Không có lý do khách quan nào cho thấy những vùng Hoà Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn, Sơn Tây lại có tiềm lực phát triển hơn là Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh cả.

Đối với dự án hai bên bờ sông Hồng, vấn đề lớn nhất của dự án này trước đây là thiếu một concept tổng thể đối với toàn thành phố, thứ hai là vấn đề bản sắc. Nay hai vấn đề này vẫn chưa được nghiên cứu lại thỏa đáng, chỉ mới là chỉnh sửa một số chỗ như khu vực Tứ Liên, Bát Tràng, Thượng Cát là chưa đủ. Mặt khác, bản chất của dự án này là làm một loạt khu đô thị cao tầng để kinh doanh, lại tốn tương đối ít chi phí giải toả. Nay lại xác định ưu tiên quỹ đất này cho phát triển công cộng và tái định cư tại chỗ chứ không tăng mật độ thì hiển nhiên bài toán kinh tế thay đổi hẳn. Nói cách khác đã là hủy bỏ đồ án này và xem xét cấp đất khác, nhưng đất khác này ở đâu và làm gì với hai bên bờ sông Hồng thì như vậy vẫn là bỏ ngỏ.

VII – Chương 7- Quy hoạch sử dụng đất:

Chương này thực ra là hệ quả của việc định hướng phát triển không gian. Có hai nghi vấn chính:

– Thứ nhất là diện tích đất xây dựng đô thị, tổng thể cũng như tại các đô thị cụ thể, được xác định một cách duy ý chí và không dựa trên phân tích hiện trạng rõ ràng. Chỉ tiêu đất đô thị trên đầu người tăng hơn gấp đôi hiện trạng, không vì lý do gì ngoài việc ranh giới hành chính rộng hơn là không thỏa đáng. Con số 30% đất đô thị là không đáng tin, vì theo như bản đồ định hướng phát triển không gian, còn rất nhiều diện tích đất làng xóm trong hành lang xanh đang và sẽ có mật độ đô thị thì chưa thấy thể hiện là đô thị. Nhưng ngay cả khi chấp nhận con số 30% này thì câu hỏi đặt ra vẫn là nếu trong 40 năm tới, Hà Nội lấp đầy 30% diện tích tự nhiên thì trong 400 năm sau, diện tích đô thị sẽ là bao nhiêu. Dù sao thì việc phân tán đầu tư ra một diện tích rộng như vậy trong điều kiện kinh tế còn yếu như nước ta trước mắt cũng là không hiệu quả.

– Thứ hai là diện tích Nông nghiệp. Quan điểm chung là bảo tồn đất nông nghiệp là đúng, nhưng việc lựa chọn vùng bảo tồn chỉ dựa vào năng suất lúa là không hợp lý. Trong tương lai, vai trò nông nghiệp của Hà nội là gì, có nhất thiết là trồng lúa hay không. Nếu không phải trồng lúa thì năng suất lúa không phải là tiêu chí chủ đạo.

Nhận định chung:

Đồ án đề ra 3 mục tiêu: Xanh, Văn hiến – Văn Minh, Hiện đại, với mong muốn nâng Hà Nội lên một tầng cao mới. Tuy nhiên trong toàn bộ đồ án, giải pháp để thực hiện 3 mục tiêu này chưa được thuyết phục:

1- Xanh: Nếu nói về xanh thì hiện nay Hà Nội đang còn xanh hơn như vậy. Có thể nói đồ án đã cố gắng giữ lại một số vùng xanh hiện tại, để tình hình không xấu đi nhiều, chứ chưa tạo ra được chất lượng mới, ngoại trừ một khu vực vành đai xanh sông Nhuệ, trong trường hợp những đề xuất giải tỏa ở đây có thể trở thành hiện thực. Nói chung giữa các vùng hiện nay tuy có sự phân chia ranh giới rõ ràng nhưng chưa thực sự ăn nhập một cách hữu cơ trong một cơ thể đô thị mới, để có thể nói là cải thiện cơ bản chất lượng môi trường sống đô thị.

2- Văn Hiến, Văn Minh: Đồ án có thể đã chú trọng tới việc bảo tồn một số khu di tích, di sản, nhưng nói là sáng tạo ra những giá trị đặc trưng mới thì chưa thể công nhận. Còn việc là trung tâm chính trị, văn hóa, là nơi hội tụ và đào tạo nhân tài cho đất nước thì hiện nay đang là như vậy, giải pháp cũng không có gì đặc sắc khả dĩ thay đổi về chất quan hệ này.

3- Hiện đại: Tuy đồ án đã đề xuất một số chi tiết cải tạo hệ thống hạ tầng nhưng về tổng thể chưa có gì thực sự là hiện đại. Nền tảng của hiện đại này là một nền kinh tế tri thức, không đơn giản là dành ra một vùng đất trống ở Hòa Lạc mà có thể đạt được. Hệ thống giao thông không thể nhờ nâng cấp một số tuyến và làm thêm trục Hồ Tây – Ba Vì mà thực sự trở nên hiện đại.

Đánh giá chung, đây có thể coi là một đồ án chỉnh trang, nâng cấp đô thị và chỉnh sửa quy hoạch cũ. Trong phạm vi này, đồ án có những đóng góp tích cực nhất định, đặc biệt là trong nỗ lực giảm thiểu việc phát triển đô thị tràn lan, bảo tồn những vùng đất xanh, vùng di tích cũng như xét lại dự án ven sông Hồng và cải tạo hệ thống hạ tầng, hợp lý hóa một số không gian đô thị. Tuy nhiên, nếu để nói là đạt đựơc 3 tiêu chí mà đồ án đề ra, tạo cơ sở cho việc phát triển Hà Nội bền vững trong những thế kỷ tới thì đồ án này chưa đủ tầm cỡ. Có lẽ đây là một trong những ví dụ điển hình cuối cùng về một đồ án quy hoạch hoàn toàn theo phương pháp kinh tế kế hoạch trên thế giới.

Hà Nội, ngày 30.10.2010.

TS.KTS Phó Đức Tùng.

1 responses to “TS PHÓ ĐỨC TÙNG PHẢN BIỆN HỒ SƠ QUY HOẠCH HN

  1. Tôi hoàn toàn ủng hộ những ý kiến của Thầy Tùng…

Gửi phản hồi cho Ngọc Hà Hủy trả lời