Tôi lại mơ trên Thái Bình Dương

Nha trang ngày 5-6- 2011

Me and you... Tôi, em và ...?

Hai năm nay, lần nào trở lại Nha Trang tôi cũng ngồi một mình trên tầng 30 của khách sạn Sheraton vào lúc sáng sớm. Từ công trình cao nhất bên bờ biển Đông, trên đỉnh kiến trúc mô phỏng hình con tàu, trước khoảng sân dài và lan can kính trong vắt người ta có cảm giác không bị bất kỳ điều gì ngáng chắn. Tất cả mọi cảm xúc đều chuyển động, lướt tới rất gần đường chân trời.

Lên cao. Tôi không thể phân định đó là dấu vết từ ký ức của những trò chơi thời trẻ con hay là thói quen được định hình sau các chuyến đi Fanxifang, Kinabalu, Everest… Khi đứng trên một tầm cao nhất định, điều kỳ diệu nhất mà ta có thể cảm nhận là mọi chi tiết chung quanh đều được thu nhỏ lại. Có chút ảo giác bay. Phối cảnh rộng lớn làm cho con người ta nhỏ bé đi nhưng lại giúp họ thích hát ca và tới gần hơn với giấc mơ .

Nhiều năm qua, từ những điểm cao, tôi luôn lắng nghe tiếng gọi, lời khuyên nhủ, đôi khi là thứ mệnh lệnh rất lạ lùng. Đừng rúc mãi trong một không gian chật hẹp. Mau kiếm tìm một khoảng nhìn thoáng rộng, bao quát. Cố gìn giữ chút cảm xúc lãng mạn trước những nhu cầu trần tục. Tiếp thêm năng lượng cho những ý tưởng mới mẻ, sáng tạo. Hãy làm tất cả dẫu chỉ để bản thân có sức mạnh cường tráng và tầm vóc cao lớn hơn…

Mặt trời bắt đầu ló rạng. Bình minh đẹp đến xao lòng. Xanh núi. Xanh sông. Xanh đồng. Xanh biển. Xanh cuộc đời và xanh cả những giấc mơ… Mỗi khi trở về với biển, tôi vẫn luôn bị ám ảnh bởi bài ca TỔ QUỐC TÔI CHƯA ĐẸP THẾ BAO GIỜ.

Và mỗi khi cất tiếng hát, lại có điều gì khiến tôi cứ nghèn ngẹn? Giấc mơ bay trong ca từ nhấc tôi lên cao hơn cái ghế đang ngồi và xa hơn những nghịch lý vẫn đối diện hàng ngày? Giai điệu ngọt ngào của Nguyễn văn Thương có làm dịu đi những suy tư trắc ẩn về sự bình yên của đất nước? Đâu là hình ảnh thực của biển Đông những ngày không lặng sóng? Đâu là cảm xúc thực của con dân một đất nước vẫn chưa qua thuở âm u bóng giặc?

Để viết bài ca này tác giả đã bay hết “tầm thấp, tầm cao, chiều dài chiều rộng” đất nước. Vậy từ một điểm cao hôm nay, tôi đo được phối cảnh nào của Nha Trang và biển Đông?

“Bỗng dưng” thèm muốn gặp gỡ những người quen, những quan chức đường bệ, những nhà hoạch định chiến lược biển có khẩu khí, các giáo sư khả kính, những doanh nhân quá thành đạt, những nhà báo sống chết gắn bó với các… hội thảo. Chính tại khách sạn sang trọng này đã và sẽ tiếp tục diễn ra Hội thảo “Khánh Hòa – Vận hội đầu tư và phát triển”.
Nhân dịp Fesstival biển, hội thảo năm nay đề cập đến những vấn đề rất to tát như Tổng quan cơ chế, chính sách môi trường đầu tư tỉnh Khánh Hòa; Quy hoạch và định hướng phát triển Cơ sở hạ tầng; Quy hoạch tổng thể khu kinh tế và cảng nước sâu Vân Phong; Mô hình thành phố du thuyền trong tương lai …
Đằng sau những cái tít, tựa rổn rảng ấy, có thông điệp gì khác hội thảo ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình, Đà Nẵng hay Quy Nhơn…? Sao vẫn còn đó khẩu hiệu kiểu: Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm du lịch biển của thế giới. Nha Trang sẽ là một thiên đường du lịch biển không hề thua kém những thương hiệu du lịch của các quốc gia khác? Lại điệp khúc “làm biển theo tư duy nông nghiệp”? Vẫn là những cụm từ, câu chuyện cũ về tiềm năng phong phú, đa dạng của biển miền Trung. Tiếp tục những thống kê tẻ nhạt về các dự án đầu tư. Ngôn từ, văn bản, báo cáo có góp phần làm chuyển động mạnh mẽ hơn chiến lược Biển đến 2020?

Có lẽ lúc này vẫn còn là quá sớm. Sheraton vẫn hoàn toàn yên ắng. Chỉ có những điêu khắc trang trí nội thất, một vài chi tiết deco, những tấm thảm được design bởi cảm hứng về sóng là đang thao thức và xao động. Làm sao, làm thế nào để có thể gặp gỡ, giao tiếp hay cảm nhận được gì từ những người đang… ngủ?

Thử thoát ra khỏi khách sạn, nhìn từ trên cao, bãi biển đã đen đặc bóng người. Các lớp sóng bạc đầu đã được đổi màu. Những đoàn người già trẻ, gái trai vẫn dắt díu, lôi kéo nhau xuống biển vầy sóng. Như thường lệ, phần nhiều người dân chỉ nhúng nước, một thói quen có trước ngày họ lọt lòng rất xa. Phần còn lại túm tụm bên nhau … hóng gió. Vài chục học viên Học viện Hải quân đang khá vất vả, mệt mỏi với bài tập bơi và chạy rèn thể lực. Bài tập có độ dài bằng 1/1000 chiều dài bờ biển đất nước. Tranh thủ sự lơ là của chỉ huy, thay vì bơi, nhiều học viên hoàn tất bài tập bằng… lội.

Vẫn từ trên cao, không cần phải lắng tai vẫn nghe thấy những hợp âm rất đặc trưng Nha Trang. Tiếng gọi ời ời. Tiếng cười rổn rảng. Tiếng la, hét thất thanh. Và cả tiếng hú.

Nha Trang là chốn nghỉ ngơi và thư giãn. Bãi biển đẹp là nơi xả bỏ và vô lo. Thay vì nỗ lực là sự hài lòng, dễ chấp nhận. Tất cả các nhu cầu, thái độ ứng xử đến tính cách Nha Trang đều giản đơn hơn mức cần có.

Những lúc như thế này, tôi có thể nhìn Nha Trang, biển Đông và đất nước với đôi mắt trẻ thơ? Tôi sẽ tiếp tục ước mơ Tổ quốc mình trở thành một thiên đường của muôn triệu anh hùng, của tự do và hy vọng?

Bài viết trên TBSG http://www.thesaigontimes.vn/Home/giaitri/tanvan/56233/Toi-lai-mo-tren-Thai-Binh-Duong.html

2 responses to “Tôi lại mơ trên Thái Bình Dương

  1. tai sao chi thay khau hieu ve truong sa ma khong thay hoang sa ho ban /

  2. Với các nãnh tụ thì tạm hiểu nà Hoàng rùi. Nhưng mọi thứ và của nợ của họ đều quá ngắn nên ai cũng bám lấy cái Trường, dài dài kakakakak báo cấu hết

Bình luận về bài viết này