KIẾN TRÚC XANH có… tanh?

 Cách đây một tháng, qua điện thoại, KTS Hòa Hiệp hỏi tôi: em có nên dự thi kiến trúc xanh không? Tôi nói: tại sao không? Chẳng lẽ cứ để cho những công trình bậy bạ ẵm giải thưởng mãi sao? Không ngoài dự đoán, trong danh sách giải thưởng có công trình của Hiệp và nó nằm bên cạnh cái gọi là kiến trúc của Hoàng Thúc Hào và Võ Trọng Nghĩa. Lại thấy thương cho Hiệp.

 

 

 

 

Trong năm 2012, Ngày KTVN 27-4  và Lễ công bố giải thưởng quốc gia thường niên sẽ là hai sự kiện lớn của Hội KTSVN. Tại tâm điểm của sự kiện này, các tác phẩm KIẾN TRÚC XANH sẽ được xã hội, những người yêu kiến trúc và giới nghề vinh danh.

 

Chưa khi nào khái niệm KTX lại được xã hội quan tâm hơn thế? Có phải trong một thực tại mà rất nhiều giá trị đang khủng hoảng, Hội KTSVN cố tìm một con đường riêng để kiến tạo những dấu ấn khác biệt? Hành trình đó sẽ không không ùn tắc như giao thông; không đóng băng như bất động sản; không rệu rã, uể oải, vọng ngoại như mỹ thuật; có hình mà vô hồn như điêu khắc; không cờ đèn kèn trống như nhiếp ảnh; không mòn mỏi, hẫng hụt như văn học; không quá tải như y tế; không là vấn nạn làm suy kiệt nguyên khí quốc gia như giáo dục…?

 

Với những người yêu kiến trúc Việt, chắc hẳn đây chính là cơ hội để họ có thể đặt cược trọn vẹn NIỀM TIN XANH vào những thay đổi, biến động theo chiều hướng tích cực của đời sống kiến trúc.

 

Còn với “Đàn Kiến Việt”, có lẽ rất nhiều người kỳ vọng đây sẽ không chỉ là tập hợp của những tiếng vỗ tay hay tiếng kẻng điểm danh của một cuộc hoan hỷ. Không nghi ngờ gì nữa đã đến lúc giới KTS nhận thấy rõ nhất những hối thúc quyết liệt từ thực trạng quá đỏ – đen của không gian sống Việt.

 

Khác với bột coban, acrylic, sơn hay các chất liệu tạo nên những mảng màu nhẹ, mỏng, bắt mắt trong hội họa, chất Xanh của kiến trúc được tạo nên từ khá nhiều điều kiện, nguyên tắc, quy chuẩn nghiêm cẩn.

 

Báo chí, truyền thông đã nói rất nhiều đến việc sử dụng tài nguyên một cách có hiệu quả, ít tiêu thụ năng lượng trong thi công và vận hành; giảm phát khí thải, hiệu ứng nhà kính, các tác động dẫn đến biến đổi khí hậu; có giải pháp thích hợp để phát triển bền vững vv và vv. Nhưng ở bất kỳ xó xỉnh nào trên thế giới, những gạch đầu dòng hay liệt kê có dáng vẻ hoành tráng như thế này đã được người ta nghĩ, viết và làm tốt hơn chúng ta rất, rất nhiều.

 

Vậy giá trị khác biệt, sáng tạo nào sẽ được KTSVN tìm kiếm, xuất lộ? Những tinh thần, giá trị cốt lõi của một nền kiến trúc đều ẩn khuất đâu đó trong các công trình truyền thống từ Bắc chí Nam, từ miền biển lên mạn ngược, từ đô thị gần tới bản làng xa. Thái độ khôn ngoan trong cách sử dụng chất liệu, vật liệu như đất, đá, gỗ, tre, rơm, gạch không nung…đều có thể tìm thấy từ những người nông dân chưa một lần qua đào tạo đại học đang sống ở những ngôi làng cổ Đường Lâm, Cổ Am, Hành Thiện…  Kinh nghiệm chống nắng, nóng mùa hạ, rét lạnh mùa đông đều đã từng ẩn khuất trong mỗi ngôi nhà Việt, nhà sàn Tây Bắc, nhà đất Hà Nhì… Muốn tìm kỹ thuật chống nồm ẩm trong những ngày mùa xuân thì chỉ cần bóc sâu xuống móng các biệt thực của người Pháp chừng vài gang tay là lộ diện… Dấu ấn XANH trong kiến trúc của người Việt chẳng phải kiếm tìm ở đâu xa lạ.

 

Để có tác phẩm dự thi tốt, chỉ cần ở mỗi tác giả những con mắt đủ XANH để cảm thụ thấu đáo triết lý kiến trúc chứ không phải là những động thái xăm soi, cóp nhặt rồi tái chế những vỏ xác mỗi ngôi nhà, công trình. Tín hiệu XANH trước hết phải là những cảm xúc tươi mới, đầy sức sống. Đôi khi chỉ là những nụ mầm của một thái độ sống mộc mạc, chân thành, vừa đủ bình thản, không vội vã, huyếnh hoáng. Chỉ tự tại đến độ ấy may chăng người ta mới có thể khởi tạo nên những tác phẩm có tầm vóc lớn, kết nối những giá trị truyền thống vốn có với thành tựu luôn biến đổi của thời đại.

 

Tại sao những người tin yêu kiến trúc Việt lại phải đặt ra với giới KTS những vấn đề giản đơn, giản dị đến vậy? Thật buồn là từ đâu đó khá nhiều cuộc thi ( trong nước và trên thế giới) vẫn có những giải thưởng không hoàn toàn thuyết phục, chẳng thể học tập, chỉ đáng tự trào nếu không muốn nói là phải cúi gằm mặt mà tủi hổ.

 

Còn chình ình ra đó một công trình dịch vụ nhưng rất thiếu tiện nghi. Khi nắng nóng nhất không ai tính chuyện dừng chân uống cốc nước giải khát và khi lạnh nhất chẳng một người muốn lưu trú để sưởi ấm rồi vượt qua cái khắc nghiệt của mùa đông. Vậy mà “người thiết kế” vẫn gửi đi thi hết nơi này cuộc khác để săn giải thưởng, để báo chí tung hô, để đánh bóng tên tuổi? Có những vật liệu xanh thật, tự nhiên thật nhưng phải chuyên chở hơn 1000 km mới tới chân công trình mà vẫn được ra rả thuyết minh trên báo chí rằng đó là vật liệu… bản địa? Có những công trình bịt kín bằng kính, chạy điều hòa mà sao vẫn không ngớt quảng bá là tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường và chống biến đổi khí hậu.

 

Mới đây, một công trình công cộng, đa năng được KTS hảo tâm dựng lên, dâng tặng nhưng mà sao người dân địa phương bỏ qua, không đoái hoài và… xuống cấp. Có quá nhiều điều để bình luận về những cái sai, xấu, chưa tới của kiến trúc này. Nhưng chỉ riêng việc dễ dàng để ngoài tai những ý kiến đóng góp đầy trải nghiệm, chân thành cùng những lời ta thán của người sử dụng đã là một lỗi nghiêm trọng. Trong khi không khiến người dân địa phương tâm phục khẩu phục vậy mà tác giả vẫn muốn thèm ở cái thử nghiệm rất dở của mình sự ảnh hưởng, lan tỏa rồi vinh danh ở tầm… thế giới? Vì sao?

Cầu mong các cuộc thi trong năm 2012 của Hội phải thực sự là bệ đài vinh danh những tài năng và tinh thần cống hiến chứ không chỉ VÌ DANH hay thỏa mãn tâm lý tự kỷ của những kẻ háo danh. Cầu xin các tác giả hãy gửi tới trụ sở Hội những tác phẩm chứ không phải bản nháp tháu cáy. Hãy dâng hiến tất cả những gì tử tế nhất. Hãy mang đến cho cuộc đời đang vô cùng khốn khó này những đứa con tinh thần, bé bỏng cũng được nhưng phải đầy tin yêu, thông minh, giàu sáng tạo chứ không phải những hình nộm. Và trước khi gửi bài thi mỗi tác giả hãy dành … một phút, một phút thôi để… tự trọng!

Với niềm tin đó, thông qua các cuộc thi, Hội KTSVN muốn gửi đến xã hội, giới nghề những thông điệp sâu sắc cùng một cam kết mạnh mẽ hơn.

Trước hết, xã hội và giới KTS đích thực cần nhận thấy ở các dự án dự thi phải là đề tài nghiên cứu khoa học nghiêm cẩn. Trên cơ sở kế thừa các giá trị tinh hoa trong kiến trúc nhân loại, dân tộc, thể hiện sâu sắc triết lý kiến trúc Việt Nam: giản dị, khiêm nhường; nương tựa, thích ứng với môi trường; giải quyết tối đa các trở ngại về điều kiện tự nhiên, thiên nhiên, khí hậu; kết nối các giá trị văn hóa truyền thống; cung cấp một mô hình ở có chất lượng tốt nhất tới phần lớn người dân, đặc biệt lưu tâm người nghèo ở nông thôn.

Thông qua sự thấu hiểu hoàn cảnh, nhu cầu thực tiễn của đời sống, mỗi  KIẾN TRÚC XANH phải đưa ra, đề xuất và áp dụng một cách hệ thống những giải pháp kỹ thuật thông minh, các công nghệ mới, sử dụng vật liệu truyền thống, vốn có của địa phương thân thiện môi trường, tiết kiệm chi phí, có tính ứng dụng cao; tiến tới xây dựng một quy trình thiết kế, thi công, vận hành chuẩn mực, sử dụng tiện lợi, bảo đảm khả năng nhân rộng các mô hình kiến trúc này.

Và trên hết, từng dự án phải thể hiện sinh động thái độ ứng xử đầy trách nhiệm và tinh thần cống hiến của giới KTS trước những vấn đề cấp bách về nhà ở của xã hội. Trên nền tảng đó, hãy từng bước gắn kết với việc xây dựng, định vị một thương hiệu tư vấn thiết kế. Đó mới là màu và mùi bền vững của KIẾN TRÚC XANH?

 

 

 

Bình luận về bài viết này