Chuồn chuồn có cánh thì bay…

             


                                       Khi bầu trời là nhà!

                                   

“Dragonfly- Chuồn Chuồn” đậu bên bồn địa, lũng sóng Mường Lò

Trong hành trình mới khám phá Tây Bắc, tôi dừng chân bên một khu nghỉ khá thú vị. Kiến trúc có cái tên rất yêu: “Dragonfly- Chuồn Chuồn”.


Trời mưa lạnh. Trên chập chùng đỉnh cao Phu Luông, Luông Cung, Phú Song Sung, Xà Phìn, Hoàng Liên Sơn, mây đen vần vũ. Thung lũng sóng mềm mại, dịu dàng hơn khi ngòi Nung, ngòi Nhì, sông Thia cứ mãi uốn lượn, vỗ về, ôm ấp, ru nựng những cánh đồng lúa sắp vào mùa gặt. Khắp bồn địa, hương nếp cái hoa vàng đủ xao xuyến, lay động những trái tim ngày càng mỏi mệt, xơ cứng, chán nản vì bị đô thị va đập, bóp nghẹt, chà đạp.


Cũng như nhiều hành trình vô định, bất định, bạn đồng hành của tôi có thể chỉ là những áng mây xa, trập trùng núi cao, muôn ngàn con sông, dải cát, sóng tiếp nối gió, ngôi nhà và con người quấn quyện… Nhưng đôi khi, ám ảnh và nhớ khôn nguôi lại chính là một chú bướm tiêu dao, con ong cần mẫn, cái kiến chăm chỉ, tay chơi gọng vó hay những chuồn chuồn nhỏ xíu.


Khi tò mò quan sát từng chi tiết hay dở của khu nghỉ, Ngôi nhà Chuồn Chuồn bất chợt gợi nhớ thật nhiều kỷ niệm, ký ức, cảm xúc.


Lúc này, trong Ngôi nhà Chuồn Chuồn, như được bé lại, người viết nhớ những lần may mắn bắt gặp một chàng Chuồn chuồn ngô vạm vỡ, ngang tàng, một chuồn kim thích đạp nước, chơi đùa với gọng vó, mơn trớn một cọng hoa súng dại ­­trắng tuyết hay một chiếc chuồn ớt đỏ rực từng bay qua, trôi đi rồi bất chợt tan loãng, biến mất hút vào Không- Thời gian hoang ảo.


Khi được kỷ niệm, ký ức lôi kéo, Ngôi nhà Chuồn Chuồn nhắc lại những trưa hè nắng gắt, lấy nhựa mít đi tìm bắt Chuồn, dại miệng, trêu đùa đám bạn:



Chuồn chuồn có cánh thì bay?

Có thằng kẻ trộm bắt mày đi tu.



Trong một góc Ngôi nhà Chuồn Chuồn có điêu khắc bằng thép tiền chế ghi lại một khoảnh khắc tuyệt đẹp của Chuồn chuồn mùa giao hoan. Không thể quên những cặp đuôi dài cong vồng, tạo hình trái tim mong manh nhưng tròn đầy khát vọng sinh tồn. Khi mải cõng nàng bay giạt nước, chàng gợi cho nhân loài bao nỗi luyến nhớ, buồn vui, díu dan tình ái:


Chuồn chuồn mắc búi tơ vương

Đã trót dan díu thì thương nhau cùng

Ai làm cho dạ em buồn

Cho con bướm lụy, chuồn chuồn lụy theo

Nghĩa nhân mỏng dính cánh chuồn chuồn

Khi vui nó đậu, khi buồn nó bay

Không như cổ tích mô tả loài chuồn chuồn lười biếng, không chịu làm tổ, tạo dựng nơi trú ngụ cho bản thân, trong đồng dao, ca dao, chuồn chuồn vốn là một Đài khí tượng thủy văn cần mẫn, đặc biệt nhạy cảm và cực chính xác khi dự báo mưa, bão, động đất:


Chuồn chuồn bay thấp thì mưa

Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm

Chuồn chuồn bay thấp

Nước ngập ruộng vườn


Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão

Ngôi nhà Chuồn Chuồn hôm nay cũng gợi lại hình ảnh của biết bao ngôi nhà, bản làng ở Mường Ôm, Mường Ai, Mường Bú, Mường Chiến, Mường Then, Mường Mụa, Mường Tấc, Mường Lò… Hàng trăm năm nay, từ đầu nguồn sông Hồng, sông Đà, người Thái dịch chuyển từ phía Bắc núi cao, xô dạt, loang chảy và tạm định cư ở những bồn địa, lũng sóng sau những mùa nước dâng, lũ lụt. Không gian sống của người Thái vốn thế, cứ lên, xuống, cạn kiệt, dâng đầy, len lỏi, mềm mại, uyển chuyển, thích ứng, biến dịch.


Có phải tôi đang ngồi bên “co lo hoóng” nơi thờ “phi hươu” – ma nhà của người Thái đen? Tôi đang nhập vào những lời Then cúng vía để qua Nậm Tốc Tát, Nậm Loi, rồi “pay Mương Lo” (tạm hiểu là về một nơi gần như cõi Niết Bàn)?

Sau những chuyến điền giã, những lần đi xa, về gần, trải nghiệm đã nhiều, được tiếp kiến, học hỏi nhiều hơn từ thiên nhiên, tự nhiên, tôi dần nhận ra chuồn chuồn đã vuột xa hơn những vần thơ, đồng dao, ca dao hay cổ tích.


Trước khung cảnh lớn rộng của trời đất, núi rừng, thung lũng, từ một tự sự đầy xúc cảm, Ngôi nhà Chuồn Chuồn mách bao tôi tái hiện, hệ thống lại các trải nghiệm để hiểu rõ hơn về loài côn trùng rồi tìm đến một luận chúng khoa học về những kiến trúc phỏng sinh trong không gian sống cũ, mới của người Thái, người Việt.


Chuồn chuồn đâu chỉ là một loài trùng bé nhỏ, chỉ thích tồn sinh bên mép ao, ven đầm, kế sông, gần suối, lẫn vào bờ cỏ, những nơi chốn nóng ẩm, tiếp giáp đất và nước. Đó là một sinh thể bé nhỏ từng đến với vũ trụ này trước con người hàng trăm triệu năm. Từng phút, mỗi ngày, chuồn chuồn mách bảo, chia sẻ với con người, nhất là giới KTS những bài học vô ngôn, vô thanh, không mùi nhưng chuyển dịch thật nhiều sắc màu. Trong một hình hài sinh thể, mong manh đến độ dễ tàng hình, biến ảo, có cũng như không ấy Chuồn chuồn ẩn giấu một kích cỡ khác lạ, tầm vóc chưa từng hiển hiện.



Với một kẻ mến luyến kiến trúc truyền thống, hình hài khu nghỉ Chuồn Chuồn dường như hơn hẳn những con rùa, con giải trong sử thi Mường, Thái, khác với bóng thuyền, dáng sừng trâu trên nhà sàn Tây Nguyên hay những túp lều bơ vơ nơi đầm vực, ven biển vùng Nam Đảo.


Với vật liệu, công nghệ xây dựng mới, Ngôi nhà Chuồn Chuồn ở Tây Bắc hôm nay kế thừa kiến trúc nhà sàn, một thành tựu kiến trúc đáng kể nhất của người Việt trong hơn 2000 năm qua. “Dragonfly- Chuồn Chuồn” được thiết kế theo kiểu Cantilever, dầm hẫng, công son. Kiến trúc này có cùng một cấu trúc GEN “Chạm khẽ vào trái đất” của KTS lừng danh Glent Murcut (Pritzker 2002). Nó đặc biệt thích hợp với những dự án ở những cuộc đất dốc, ngập nước, sử dụng vật liệu giản đơn, cần thi công nhanh, tiết kiệm chi phí thi công và vận hành, không tàn phá, bảo vệ và hài hòa với môi trường tự nhiên chung quanh.


Người ta có thể tìm họ hàng của kiến trúc này ở đâu đó trên thế giới như Balancing Barn ở Suffolk, Vương quốc Anh, nhà gỗ trượt tuyết của Strawn ở California, nhà Sierralta ven biển Ten Avip của Pitsou Kedem, UF Haus của SoHo, ở Bavaria, Đức, nhà Monzaraz của Aires Mateus, Bồ Đào Nha, nhà trên đỉnh đồi ở New SouthWales, Australia của Atelier Andy Carson cho đến nhà gỗ của UID, ở Hiroshima, Nhật Bản…

Dễ nhận thấy từ xa và nổi bật của Ngôi nhà Chuồn Chuồn là thang máy, hành lang xanh, phủ những tấm pin mặt trời. Có thể liên tưởng chi tiết này với đuôi dài, nơi ẩn chứa những bí mật, khác lạ, duy nhất trong thế giới sinh vật để Chuồn chuồn sinh tồn, bảo tồn nòi giống. Chuồn chuồn còn có cấu tạo sinh học và cả những cảm biến, thay đổi màu sắc khi ứng phó với dao động nhiệt của loài côn trùng này. Chuồn chuồn kiểm soát nhiệt độ cơ thể bằng cách xoay cánh, thay đổi tư thế đỗ, thay đổi màu sắc.  Khi tự làm mát, chuồn chuồn có màu xanh sáng. Khi nào lạnh, những tiểu cầu sáng màu chuyển dần sang màu tím, đen và đỏ gạch.

Với các khối kiến trúc hẫng, xoay đa hướng, bất chấp trọng lực, được tạo nên bởi khung thép tiền chế, các bungalow, blocks của Ngôi nhà Chuồn Chuồn không chỉ giống như đôi cánh mỏng, cực nhẹ, được liên kết bởi những gân protein đa giác, phân bổ dọc ngang, bền chắc mà vẫn có thể đàn hồi, mềm mại, dễ dàng, linh hoạt, phản ứng nhạy bén trước những biến dạng cánh khi thay đổi tải trọng.

Hon thế, khi KTS đặt các bungalow, block lệch tầng, đổi hướng, từng khối  nhà có được vị trí, vị thế khác biệt, khi đó, chính các góc nhìn, tầm nhìn của kiến trúc đã mô phỏng, tái hiện gần chính xác cặp mắt hình cầu, siêu thị giác. Chuồn chuồn có thể quan sát mọi hướng, phát hiện tới 30 sắc tố và với những hình ảnh có độ phân giải cao nhất trong các loài. Rất có thể chi tiết thú vị này sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn ý tưởng, concept “Dragonfly- Ngôi nhà Chuồn Chuồn”. Trong tiếng Hy Lạp cổ, Dragon là từ để chỉ và mô tả một cái nhìn sắc nét, một cách nhìn thấu tỏ.



Những ngày này, trong quá trình phục hồi sau đại dịch còn ngổn ngang khó khăn, để phát triển, người viết có vài điều cầu chúc tốt lành cho “Dragonfly”.


Trong mọi hoàn cảnh, khó khăn, biến cố, mong “Chuồn Chuồn” hãy luôn tìm ra một cách chuyển động, thay đổi đa dạng, biến ảo, có thể bay lên, xuống, ngang, bay lùi, lơ lửng, quay tròn, thay đổi hướng ngay tức thì và trong suốt chuyến bay với tốc độ cao nhất. Chuồn chuồn có thể bay liên tục 5000km. Với Chuồn chuồn, bầu trời là nhà.


Mong “Dragonfly- Chuồn Chuồn” luôn hoán chuyển, biến dịch dể kiến tạo nên những giá trị khác biệt giống như cách thi sỹ, thiền giả Basho viết thơ Haiku. Khi học trò xuất sắc của mình viết:

Chuồn chuồn ngô

Bứt hai cánh

Quả ớt

Basho đảo ngược vị trí từng con chữ để tứ thơ nhân văn hơn:

Quả ớt

Chắp hai cánh

Chuồn chuồn ngô

Tuy chưa được biết, chưa có cơ hội gặp mặt chủ đầu tư và người thiết kế, xin được cảm ơn một thiết kế thú vị, một kiến trúc hiện đại mà hơn 20 năm tìm kiếm mới có cơ may được diện kiến. Trên mảnh đất Phù Nham xưa, một tên gọi thấu hiểu, kính ngưỡng đất trời, xin tặng riêng cho KTS câu thơ Haiku của Issa:
 
“Ngọn núi xa

 soi trong mắt

 chuồn chuồn”.

( Phù Nham- Hà Nội, 8-2022)


Các bungalow, blocks của “Dragonfly- Chuồn Chuồn” giống như những cặp đôi cánh mỏng.

Bình luận về bài viết này