Chuồn chuồn có cánh thì bay…

             


                                       Khi bầu trời là nhà!

                                   

“Dragonfly- Chuồn Chuồn” đậu bên bồn địa, lũng sóng Mường Lò

Trong hành trình mới khám phá Tây Bắc, tôi dừng chân bên một khu nghỉ khá thú vị. Kiến trúc có cái tên rất yêu: “Dragonfly- Chuồn Chuồn”.


Trời mưa lạnh. Trên chập chùng đỉnh cao Phu Luông, Luông Cung, Phú Song Sung, Xà Phìn, Hoàng Liên Sơn, mây đen vần vũ. Thung lũng sóng mềm mại, dịu dàng hơn khi ngòi Nung, ngòi Nhì, sông Thia cứ mãi uốn lượn, vỗ về, ôm ấp, ru nựng những cánh đồng lúa sắp vào mùa gặt. Khắp bồn địa, hương nếp cái hoa vàng đủ xao xuyến, lay động những trái tim ngày càng mỏi mệt, xơ cứng, chán nản vì bị đô thị va đập, bóp nghẹt, chà đạp.


Cũng như nhiều hành trình vô định, bất định, bạn đồng hành của tôi có thể chỉ là những áng mây xa, trập trùng núi cao, muôn ngàn con sông, dải cát, sóng tiếp nối gió, ngôi nhà và con người quấn quyện… Nhưng đôi khi, ám ảnh và nhớ khôn nguôi lại chính là một chú bướm tiêu dao, con ong cần mẫn, cái kiến chăm chỉ, tay chơi gọng vó hay những chuồn chuồn nhỏ xíu.


Khi tò mò quan sát từng chi tiết hay dở của khu nghỉ, Ngôi nhà Chuồn Chuồn bất chợt gợi nhớ thật nhiều kỷ niệm, ký ức, cảm xúc.


Lúc này, trong Ngôi nhà Chuồn Chuồn, như được bé lại, người viết nhớ những lần may mắn bắt gặp một chàng Chuồn chuồn ngô vạm vỡ, ngang tàng, một chuồn kim thích đạp nước, chơi đùa với gọng vó, mơn trớn một cọng hoa súng dại ­­trắng tuyết hay một chiếc chuồn ớt đỏ rực từng bay qua, trôi đi rồi bất chợt tan loãng, biến mất hút vào Không- Thời gian hoang ảo.


Khi được kỷ niệm, ký ức lôi kéo, Ngôi nhà Chuồn Chuồn nhắc lại những trưa hè nắng gắt, lấy nhựa mít đi tìm bắt Chuồn, dại miệng, trêu đùa đám bạn:



Chuồn chuồn có cánh thì bay?

Có thằng kẻ trộm bắt mày đi tu.



Trong một góc Ngôi nhà Chuồn Chuồn có điêu khắc bằng thép tiền chế ghi lại một khoảnh khắc tuyệt đẹp của Chuồn chuồn mùa giao hoan. Không thể quên những cặp đuôi dài cong vồng, tạo hình trái tim mong manh nhưng tròn đầy khát vọng sinh tồn. Khi mải cõng nàng bay giạt nước, chàng gợi cho nhân loài bao nỗi luyến nhớ, buồn vui, díu dan tình ái:


Chuồn chuồn mắc búi tơ vương

Đã trót dan díu thì thương nhau cùng

Ai làm cho dạ em buồn

Cho con bướm lụy, chuồn chuồn lụy theo

Nghĩa nhân mỏng dính cánh chuồn chuồn

Khi vui nó đậu, khi buồn nó bay

Không như cổ tích mô tả loài chuồn chuồn lười biếng, không chịu làm tổ, tạo dựng nơi trú ngụ cho bản thân, trong đồng dao, ca dao, chuồn chuồn vốn là một Đài khí tượng thủy văn cần mẫn, đặc biệt nhạy cảm và cực chính xác khi dự báo mưa, bão, động đất:


Chuồn chuồn bay thấp thì mưa

Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm

Chuồn chuồn bay thấp

Nước ngập ruộng vườn


Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão

Ngôi nhà Chuồn Chuồn hôm nay cũng gợi lại hình ảnh của biết bao ngôi nhà, bản làng ở Mường Ôm, Mường Ai, Mường Bú, Mường Chiến, Mường Then, Mường Mụa, Mường Tấc, Mường Lò… Hàng trăm năm nay, từ đầu nguồn sông Hồng, sông Đà, người Thái dịch chuyển từ phía Bắc núi cao, xô dạt, loang chảy và tạm định cư ở những bồn địa, lũng sóng sau những mùa nước dâng, lũ lụt. Không gian sống của người Thái vốn thế, cứ lên, xuống, cạn kiệt, dâng đầy, len lỏi, mềm mại, uyển chuyển, thích ứng, biến dịch.


Có phải tôi đang ngồi bên “co lo hoóng” nơi thờ “phi hươu” – ma nhà của người Thái đen? Tôi đang nhập vào những lời Then cúng vía để qua Nậm Tốc Tát, Nậm Loi, rồi “pay Mương Lo” (tạm hiểu là về một nơi gần như cõi Niết Bàn)?

Sau những chuyến điền giã, những lần đi xa, về gần, trải nghiệm đã nhiều, được tiếp kiến, học hỏi nhiều hơn từ thiên nhiên, tự nhiên, tôi dần nhận ra chuồn chuồn đã vuột xa hơn những vần thơ, đồng dao, ca dao hay cổ tích.


Trước khung cảnh lớn rộng của trời đất, núi rừng, thung lũng, từ một tự sự đầy xúc cảm, Ngôi nhà Chuồn Chuồn mách bao tôi tái hiện, hệ thống lại các trải nghiệm để hiểu rõ hơn về loài côn trùng rồi tìm đến một luận chúng khoa học về những kiến trúc phỏng sinh trong không gian sống cũ, mới của người Thái, người Việt.


Chuồn chuồn đâu chỉ là một loài trùng bé nhỏ, chỉ thích tồn sinh bên mép ao, ven đầm, kế sông, gần suối, lẫn vào bờ cỏ, những nơi chốn nóng ẩm, tiếp giáp đất và nước. Đó là một sinh thể bé nhỏ từng đến với vũ trụ này trước con người hàng trăm triệu năm. Từng phút, mỗi ngày, chuồn chuồn mách bảo, chia sẻ với con người, nhất là giới KTS những bài học vô ngôn, vô thanh, không mùi nhưng chuyển dịch thật nhiều sắc màu. Trong một hình hài sinh thể, mong manh đến độ dễ tàng hình, biến ảo, có cũng như không ấy Chuồn chuồn ẩn giấu một kích cỡ khác lạ, tầm vóc chưa từng hiển hiện.



Với một kẻ mến luyến kiến trúc truyền thống, hình hài khu nghỉ Chuồn Chuồn dường như hơn hẳn những con rùa, con giải trong sử thi Mường, Thái, khác với bóng thuyền, dáng sừng trâu trên nhà sàn Tây Nguyên hay những túp lều bơ vơ nơi đầm vực, ven biển vùng Nam Đảo.


Với vật liệu, công nghệ xây dựng mới, Ngôi nhà Chuồn Chuồn ở Tây Bắc hôm nay kế thừa kiến trúc nhà sàn, một thành tựu kiến trúc đáng kể nhất của người Việt trong hơn 2000 năm qua. “Dragonfly- Chuồn Chuồn” được thiết kế theo kiểu Cantilever, dầm hẫng, công son. Kiến trúc này có cùng một cấu trúc GEN “Chạm khẽ vào trái đất” của KTS lừng danh Glent Murcut (Pritzker 2002). Nó đặc biệt thích hợp với những dự án ở những cuộc đất dốc, ngập nước, sử dụng vật liệu giản đơn, cần thi công nhanh, tiết kiệm chi phí thi công và vận hành, không tàn phá, bảo vệ và hài hòa với môi trường tự nhiên chung quanh.


Người ta có thể tìm họ hàng của kiến trúc này ở đâu đó trên thế giới như Balancing Barn ở Suffolk, Vương quốc Anh, nhà gỗ trượt tuyết của Strawn ở California, nhà Sierralta ven biển Ten Avip của Pitsou Kedem, UF Haus của SoHo, ở Bavaria, Đức, nhà Monzaraz của Aires Mateus, Bồ Đào Nha, nhà trên đỉnh đồi ở New SouthWales, Australia của Atelier Andy Carson cho đến nhà gỗ của UID, ở Hiroshima, Nhật Bản…

Dễ nhận thấy từ xa và nổi bật của Ngôi nhà Chuồn Chuồn là thang máy, hành lang xanh, phủ những tấm pin mặt trời. Có thể liên tưởng chi tiết này với đuôi dài, nơi ẩn chứa những bí mật, khác lạ, duy nhất trong thế giới sinh vật để Chuồn chuồn sinh tồn, bảo tồn nòi giống. Chuồn chuồn còn có cấu tạo sinh học và cả những cảm biến, thay đổi màu sắc khi ứng phó với dao động nhiệt của loài côn trùng này. Chuồn chuồn kiểm soát nhiệt độ cơ thể bằng cách xoay cánh, thay đổi tư thế đỗ, thay đổi màu sắc.  Khi tự làm mát, chuồn chuồn có màu xanh sáng. Khi nào lạnh, những tiểu cầu sáng màu chuyển dần sang màu tím, đen và đỏ gạch.

Với các khối kiến trúc hẫng, xoay đa hướng, bất chấp trọng lực, được tạo nên bởi khung thép tiền chế, các bungalow, blocks của Ngôi nhà Chuồn Chuồn không chỉ giống như đôi cánh mỏng, cực nhẹ, được liên kết bởi những gân protein đa giác, phân bổ dọc ngang, bền chắc mà vẫn có thể đàn hồi, mềm mại, dễ dàng, linh hoạt, phản ứng nhạy bén trước những biến dạng cánh khi thay đổi tải trọng.

Hon thế, khi KTS đặt các bungalow, block lệch tầng, đổi hướng, từng khối  nhà có được vị trí, vị thế khác biệt, khi đó, chính các góc nhìn, tầm nhìn của kiến trúc đã mô phỏng, tái hiện gần chính xác cặp mắt hình cầu, siêu thị giác. Chuồn chuồn có thể quan sát mọi hướng, phát hiện tới 30 sắc tố và với những hình ảnh có độ phân giải cao nhất trong các loài. Rất có thể chi tiết thú vị này sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn ý tưởng, concept “Dragonfly- Ngôi nhà Chuồn Chuồn”. Trong tiếng Hy Lạp cổ, Dragon là từ để chỉ và mô tả một cái nhìn sắc nét, một cách nhìn thấu tỏ.



Những ngày này, trong quá trình phục hồi sau đại dịch còn ngổn ngang khó khăn, để phát triển, người viết có vài điều cầu chúc tốt lành cho “Dragonfly”.


Trong mọi hoàn cảnh, khó khăn, biến cố, mong “Chuồn Chuồn” hãy luôn tìm ra một cách chuyển động, thay đổi đa dạng, biến ảo, có thể bay lên, xuống, ngang, bay lùi, lơ lửng, quay tròn, thay đổi hướng ngay tức thì và trong suốt chuyến bay với tốc độ cao nhất. Chuồn chuồn có thể bay liên tục 5000km. Với Chuồn chuồn, bầu trời là nhà.


Mong “Dragonfly- Chuồn Chuồn” luôn hoán chuyển, biến dịch dể kiến tạo nên những giá trị khác biệt giống như cách thi sỹ, thiền giả Basho viết thơ Haiku. Khi học trò xuất sắc của mình viết:

Chuồn chuồn ngô

Bứt hai cánh

Quả ớt

Basho đảo ngược vị trí từng con chữ để tứ thơ nhân văn hơn:

Quả ớt

Chắp hai cánh

Chuồn chuồn ngô

Tuy chưa được biết, chưa có cơ hội gặp mặt chủ đầu tư và người thiết kế, xin được cảm ơn một thiết kế thú vị, một kiến trúc hiện đại mà hơn 20 năm tìm kiếm mới có cơ may được diện kiến. Trên mảnh đất Phù Nham xưa, một tên gọi thấu hiểu, kính ngưỡng đất trời, xin tặng riêng cho KTS câu thơ Haiku của Issa:
 
“Ngọn núi xa

 soi trong mắt

 chuồn chuồn”.

( Phù Nham- Hà Nội, 8-2022)


Các bungalow, blocks của “Dragonfly- Chuồn Chuồn” giống như những cặp đôi cánh mỏng.

                                    Trạm… THẤU?




Mùa Đông, nếu muốn trốn thoát khỏi đô thị đã bị nén đặc, đang suy kiệt và mất dần sức sống bởi cúm tàu và cái gọi là tiến trình đô thị hóa, thì không có gì vui thú, tao nhã hơn khi trở về với Tây Bắc non cao, thủy tú, mây trắng, gió lành, cây rừng hiền hòa.

Đường xa, vượt muôn trùng núi cao, người ta thường tự hỏi: trời đất ơi, điều gì làm rừng cao sáng, đẹp lạ?

Dừng chân bên đường dốc, cây thẳm xanh, núi cao, Dương Xỉ thì thầm: móc đấy. Xuyến Chỉ duyên dáng: sương mới dịu dàng làm sao. Tầm Bóp điềm đạm: mù làm cho lá ngát đắng và quả của mình lung linh như ngọc trai đen ngoài biển sâu. Tùng Bách trầm tĩnh: mây thấp làm TA và núi cao hơn. Chỉ có đào phai nín thinh, rực đỏ, không đợi tết, chẳng màng đến những đổi thay của ngày, tháng, của mùa…

Sau đăng sơn, ta sẽ thực sự “lên đỉnh” khi dầm mình trong những bể nước khoáng nóng tự nhiên. Không gì sánh bằng cảm giác được trườn, xoay dưới những cột nước tuôn chảy không ngưng nghỉ từ lòng đất. Có gì đó như bàn tay mẹ, mẹ thiên nhiên diệu kỳ đang vỗ về, xoa bóp, day ấn, đấm, bóp, sưởi nóng, truyền dẫn, lan tỏa năng lượng, biến đổi những huyệt đạo đang ứ nghẹn mệt mỏi, âu lo, căng thẳng, chán nản, tuyệt vọng.

Sau khi tắm tiên, tẩy trần, ta rũ bỏ hết thảy. Hãy để mây trắng chỉ lối, để mặc vô thức dẫn dắt những bước đi vô định. Khi vượt Eo Gió, lên đỉnh núi cao, dừng chân đôi phút, tựa vào những dáng thông, tùng cổ, hít hà hương rừng ngát thơm. Bất chợt ta nhìn thấy một dáng người Hmong lẻ loi, cô độc, ngồi lặng phắc bên phiến đá lớn. Dáng thế đó, người ta có thể bắt gặp bất kỳ nơi đâu trên cung đường Tây Bắc. Không phải đàn ông Hmong ngồi đâu. Họ hóa đá. Phải chăng họ muốn quên bản thân, dứt bỏ thể xác, đào thoát thực tại? Bằng cách nào đó, họ hóa đá bởi tất cả sự im lặng mà các tộc người khác khó hiểu, không cách gì để hiểu. Họ hóa đá bởi muốn lãng quên mọi buồn vui, no đói, suy tính sở hữu, được mất. Họ hóa đá như thể thần thức đã lạc trôi vào đâu đó trong vũ trụ mà chưa hẹn thời khắc trở lại, nhập thể.


Ta rón rén ngồi xuống bên, đủ gần để cảm thấy chút hơi ấm từ tượng đài Hmong. Từ vị trí cheo leo này, từ tọa độ thị giác khá bất toàn này, bốn mắt cùng lặng thinh nhìn xuống thung lũng xanh, vực sâu. Đâu đây, có đàn ngựa đang ăn cỏ, tiếng mõ, tiếng nhạc ngựa vui tai. Dưới lòng suối Lao, những tảng đá lớn, thô, dữ từng vật vã trôi dạt lăn lóc qua bao mua lũ dâng, lũ quét, cũng chỉ còn bé mọn như những viên bi vô ngôn, hòn sỏi hiền lành. Ngó quanh đây là Trạm Tấu Cuông, Trạm Tấu Động, Xa Hồ. Ngước lên miền Tây cao hơn, trời đầy mây, chẳng thấy Tà Xùa non xanh. Ngoái nhìn xa xa phía bắc, không thấy bản Mù, Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Văn Bàn. Quay xuôi, Thân Uyên ( Than Uyên) dường như đã trôi xa lắm rồi…

Gần muộn tối, vẫn cứ kiên định im lặng, chẳng đứa nào nói với nhau một câu hay chia sẻ cho nhau điều gì. Gió cứ vi vút, mây cứ trôi, khí lạnh làm cho hương thông tùng tan loãng, khói lam bếp tối bảng lảng, quấn quýt bên những nếp nhà dưới lũng. Dường như sắp tới lúc chia tay và có thể không bao giờ gặp lại, người đàn ông Hmong bất chợt hỏi bâng quơ bằng một thứ giọng trầm khàn, không tròn vành, rõ ngữ.


– Tao có quả đồi mâm xôi, ruộng bậc thang ngay bên suối nước nóng. Chúng tao có suối dài, rừng bí ẩn, có núi thiêng mà bọn Kinh chúng mày mê muội. Nhưng chúng tao làm lụng vất vả cả năm, bán mọi thứ từ ruộng xôi, nếp nương đến con thú săn được từ rừng mà cũng không đủ tiền để ngủ một đêm trong nhà sàn lợp mái pơ mu cũ và tắm nước suối như người Kinh chúng mày. Tao muốn làm nhà Hmong lợp mái gỗ pơ mu cho chúng mày nghỉ. Tao muốn cái nhà nó ăn gió, uống mưa và nhả vàng. Tao muốn có nhiều tiền, không muốn nghèo khổ mãi…Tao phải làm gì để thương cái vợ, cái con, cái cháu…?

Hồi lâu, cả hai đứa lại sững lặng. Hóa ra người Hmong đi tìm chốn vắng cô độc để tự cô đặc, đóng băng, kết khối bao niềm riêng. Có phải họ hóa đá khi không tìm được những câu trả lời cho quá nhiều nghi vấn, tự vấn đã lưu truyền, di truyền từ bao đời nay?

Ta rón rén:
– Này, người Hmong, tao muốn hỏi vài câu: Vì sao cha ông chúng mày chỉ chọn sống ở trên những ngọn núi rất cao? Vì sao họ làm nhà thuốc, dụng gỗ pơ mu lợp mái, dựng vách, trải sàn để ngăn trùng độc, thanh lọc khí độc, tẩm ướp cho thân thể những dược liệu hiếm, hương liệu quý?
– …
–  Mày có hiểu, tổ tiên, cha ông mày, những cộng đồng dân tộc chung quanh tuy không có la bàn, không giỏi địa lý, phong thủy nhưng lại đặt những tên bản Nhắm, suối Lao, Trạm Tấu, Trạm Tấu Động, Trạm Tấu Cuông, Xa Hò, Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Văn Bàn, Thân Uyên…? Những tên gọi đó có ý nghĩa là gì? Đó có phải là những ước mơ, khát vọng, những kim chỉ Nam, những bản quy hoạch tinh tế?
– Chi pâu…
– Suối Lao, Lảo nghĩa là gì?

– Chi pâu…

– Bản Mù là gì?

– Chi pâu
– Tà Xùa là gì?

– Chi pâu… Chi pâu… Chi pâu… không biết… không biết… không biết…

Này, người Hmong ơi, ngày xa, cha ông chúng mày nhìn bản quanh năm mù sương, đi không thấy lối, gần mà chẳng thấy người, muốn làm gì mà bó chân buộc tay chẳng khác nào người….mù. Nhưng chưa bao giờ người Hmong lại nghĩ quá tệ về sương, móc, mây, mù. Họ nghĩ trời đất đang cùng chơi đùa và họ đặt tên bản là bản Nhắm. Nhắm là yêu thương, chủ động, tích cực hơn. Đùa vui thì nhắm, muốn thay đổi thì mở, muốn ăn gian, trêu nhau thì ti hí, mắt nhắm mắt mở. Người Hmong không quá nôm na khi mô tả một hiện tượng tự nhiên. Người Hmong không tự làm khó, tự khinh miệt khi đổi bản Nhắm thành bản Mù thụ động, bệnh hoạn.

Đi tìm nơi lưu trú trong cuộc đời này, cha ông chúng mày cũng có lúc bối rối, băn khoăn, bâng khuâng khi thốt lên: “Trời không yên. Đất không vững. Chẳng biết do đâu…” Họ cám cảnh: “Vì ếch hoa cắn nhái bén. Nhái bén gãy lìa chân nên phải ra đi” Nhưng rồi họ vẫn hát rất hay: “Chúng ta không được mạch đất này thì được mạch đất kia. Chúng ta xấu số ở cõi trần này thì tốt số trên trời kia. Chúng ta không xấu số ở mạch đất này mà tốt số ở mạch đất kia…”

Và theo câu hát ưu buồn đó, có những nhóm người Hmong đã bỏ núi thấp để leo lên cao hơn và định cư cheo leo, chênh vênh nơi Tà Xùa, một đỉnh cao nhất xứ này.

Có rất nhiều cách hiểu về một địa danh, một tên gọi, một ước mong, khát vọng Tà Xùa. Cũng như Tà lang, Tạ Xa, Tạ Chon, Tạ Pon, Ta Pang, Ta Vải, Ta Sại … với người Hmong xưa, TÀ, TA, TÁ, TẢ, TẠ… như là chỉ định nơi dừng nghỉ, đồng nghĩa với non cao thanh khiết, tử tế, nơi trút bỏ, buông bỏ mọi thứ phàm trần, phàm tục, nhơ bẩn, trước khi bước lên một cảnh giới khác?

Nếu rừng đã phá hết, sẽ không còn Nghĩa Lộ cần được hiểu như chiếc xe lớn nặng đầy đạo nghĩa lớn? Nếu cứ xẻ núi, san đồi thì không còn Văn Chấn cần được hiểu như điểm dừng yên bình đẹp đẽ? Nếu suối ngày càng hung dữ hơn thì vẫn còn đó Xa Hô như là một tiếng kêu trời thảm thiết, vang vọng mãi? Nếu suối ngày càng khô cạn thì biến dạng Thân Uyên?

Nếu không còn nhà thuốc thì đừng vội làm nhà mới nhé!

Không hẳn chỉ là tấu, tâu, thưa, bẩm… Tấu còn là tụ hợp, dâng tiến. Tấu còn có một âm đọc khác là Thấu. Chỉ khi thực sự thấu hiểu những gì trời đất ban tặng, thấu cảm những gì cha ông để lại thì hãy cất nhà, dựng nghiệp nhé người Hmong ơi!



Chờ cho người Hmong đi xa, chìm khuất sau dáng núi tôi vẫn chưa thể đứng dậy được.

Tôi muốn thầm nhủ với bạn ấy, với người Hmong, người Trạm Tấu, yên Bái rằng: Suối nước nóng tự nhiên là quả PHÚC mà trời đất ban tặng. Hãy làm gì đó như người Sec kiến tạo thành phố nghỉ dưỡng tuyệt với Karlovy vary. Hãy như Người Budapest gây dựng Nhà tắm Szechenyi lớn nhất châu Âu. Nhớ đừng nhập nhèm như onsen của người Kinh với những gì mà Takamine, Iya, Ryounkaku, Okame, Maguse, Fuji-Hakone-Izu, Hottarakashi… ở xứ Phù Tang…

Nếu chỉ làm lều, chòi mái tôn, phủ lợp mái pơ mu cũ như đang có thì cũng chỉ tạm thu được tiền lẻ của bọn người dưới xuôi. Cái gì cũng “chi pâu” thì đừng vội làm cái nhà và mong nó nhả vàng nhé!
 
Hãy biết dừng. Hãy biết tọa kháng với những sai quấy. Hãy biết cách tọa thiền thì mới an lạc hưởng phúc dài lâu. Nếu lạm hưởng thì Phúc thành Họa!

thần THÁI, không phải thần…Kinh. ( Bài 2-Cột chủ hồn)

default

Pu Luông sẽ biến đổi ra sao, hãy đợi xem, vài năm nữa là biết?

Không chỉ ở Pù Luông, Bá Thước, Thanh Hóa, với người Thái đen (Tayz đăm), dân tộc Thái, các quốc gia dân tộc nói tiếng Thái nói chung đều có cất giữ cho người đời sau, các tộc người và lân bang những bản thiết kế không gian sống rất giản dị nhưng khác thường, siêu việt.

Hơn 70 năm qua, chúng ta đã thẳng tay hủy diệt gần hết những di sản văn hóa đỉnh cao trong thời kỳ tiền công nghiệp khốn khó của dân tộc này. Bởi thế, trước khi đặt chân lên núi rừng, chiềng bản, mường Then (mường của Trời), chính xác hơn là đến với một thang bậc nhận thức mới, cao hơn, người Kinh chúng ta rất nên trút bỏ những thói ngạo nghễ, kênh kiệu, dị hợm. Chúng ta rất nên biết khiêm nhường nhìn lại chính mình và suy ngẫm thấu đáo hơn về những di sản kiến trúc lạ lùng, lối tổ chức không gian sống thực sự hơn hẳn, vượt trội.

Trong một nhà sàn, điều tưởng giản đơn nhất là những hàng cột, cột sàn, cột chủ áo, chủ hồn, cột sau hẹ, sau tọa, sau hoang, cọn hin… Nhưng đó thực sự là những bệ đài cho lớp mái biểu tượng, là trụ cột, cốt lõi của một kiến trúc hướng đến, chú trọng kết cấu khung, sàn. Khi lắc hươn– cột nhà kết nối với Lắc mương– Cột mường, với rừng thiêng, vươn tới những Pù Luông, Pha Luông- những đỉnh núi cao- cột Trời người ta sẽ liên tưởng đến một tòa nhà siêu cao tầng cùng những thông điệp sâu sắc của một phối cảnh kỳ vỹ.

Thanh Hóa Bá thước 2020 5 Pù Luông (452)            Thanh Hóa Bá thước 2020 5 Pù Luông (164)

Thanh Hóa Bá thước 2020 5 Pù Luông Kiến trúc nhà sàn (8)

Me hươn

Với người Hán, người Việt, những tộc người từng chung ngôn ngữ, chữ AN- để chỉ nơi chốn yên tĩnh, yên lành, yên lòng, an toàn có tượng hình một người phụ nữ không rõ độ tuổi, vị thế, đang quỳ dưới một mái nhà. Chữ GIA- – ngôi nhà là từ vốn để chỉ nơi thờ cúng của những người giàu có.

Với người Thái, ngôi nhà sàn gắn liền và được đẩy lên thành biểu tượng Mẹ thiêng liêng? Từ ghép me hươn, me- mẹ, hươn- nhà không chỉ chuyển tải ý niệm Mẹ Nhà, Nhà của Mẹ. Người Thái có từ “me nậm” là con suối mẹ, “me mạy” là cốt lõi của cây, “me đin” là trụ cột của đất và “me hươn” là cốt lõi, gường cột của nếp nhà.
Nhiều năm qua, khi khảo sát, nghiên cứu về Nhà Sàn miền núi nói chung, nhiều người thường chú tâm hơn đến kết cấu khung gỗ, lớp mái và chưa thực sự quan tâm nhiều đến những hàng cột.

Người Thái thì minh định: “Nhà có gác, sàn có cột”. Cột trụ làm bằng gỗ có ghi nhận những thành tựu của gia chủ nhưng không hẳn phân chia đẳng cấp phìa, tạo ( những gia đình giàu có và thế lực).

Nhà nhỏ không kể nhưng một đằm, gia đình lớn trong đó có ba thế hệ trở lên có chung một Ộng tổ ( sau người kinh biến đổi thành ông tổ?), họ ở trong ngôi nhà sàn đồ sộ, dài 60m, rộng 10m.

Mọi mực thước, chuẩn mực đều đo bằng kích thước, kích cỡ của tay, khủy tay, bàn tay và các đốt ngón tay. Trong một nghiên cứu công phu của TS Nguyễn Khắc Tụng, theo tầm vóc trung bình của người Thái là 1,6m, đơn vị đo lường chuẩn là Ba ( 1,6m, tương đương với sải – chiều dài từ hai mút tay khi hai tay dang thẳng), Khen ( cánh tay- 95cm), Xỏ ( cẳng tay- 45cm)…, căm (bề ngang bàn tay cộng chiều dài ngón cái-10cm). Bước cột các gian giữa bằng 01 ba. Chiều cao cột được tính là 4 xỏ và 3 căm….

Việc dựng hệ cột là công việc được phân công, tổ chức chặt chẽ và vượt qua một quy trình để trở thành một hành trình. Trong bài mừng nhà mới ( khả khau hươn) người Thái từng hát:

Cụ già trồng cột lớn

Người trong mường về trồng cột quân

Người trong bản trồng cột sàn

Trồng lên ba mươi cột lô nhô

Sáu mươi cột chi chít



Từ me hươn, trong tâm thức, tín ngưỡng và sáng tạo, nhà sàn được người Thái đẩy lên tiếp một thang bậc mới. Họ gọi đó là hươn minh, hươn khuôn– nền của hồn, ngôi nhà là nơi “trú ngụ của các linh hồn”. Trên nền nhà, nền của hồn mình, người Thái dựng cột chủ hồn (còn gọi là cột chủ áo- áo là nơi chứa đựng hồn), nơi ngăn cách gian thờ tổ tiên với gian ngủ của vợ chồng gia chủ. Trên cột đó, người Thái treo “đáp đẳm”- thanh gươm thiêng của tông tộc, súng kíp, đạn, túi đựng bùa hộ mệnh và áo của mình.

Trong nhà sàn, tham gia kết cấu nâng, chống quá giang với cột chủ áo còn cột biểu tượng Sau hẹ, nơi để treo hạt giống, linga hay rùa. Bên cạnh cột chủ áo, sau hẹ, trong không gian tín ngưỡng, người Thái còn có Tổn lắng– cột tre dưới quá giang, biểu tượng cho con đường thông linh, nơi ma nhà thoát ra, lên đẳm– cõi trời và ngược lại.

Nhà sàn Thái Trắng, bản Ta Pô, Điện Biên; nhà Tày- Thái Bảo Yên, Lào Cai; nhà sàn Thái Đen Pù Luông

Lắc mương, Pù Luông, Pha Luông

Lắc mương” có nghĩa là Cột mường, một chi tiết rất quan trọng trong kết cấu, kiến trúc tín ngưỡng, tinh thần đặc trưng của người Thái.
Để hiểu và đo kích cỡ “Lắc mương”, rất cần những khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng và nhận định lại về Pù Luông. Đó không chỉ là Núi Cao Nhất. Từ Lắc mương, Pù Luông còn cần đi tiếp lên Pha Luông. Đó phải là một thang bậc không thể thiếu hay bỏ qua của những mặt cắt phối cảnh tinh thần Nhà Sàn Thái.

Đến bên núi cao mà không hiểu Pù Luông trong một không gian địa văn hóa lớn hơn, chắc chắn là mù mịt trước những con dốc oái oăm, những cung đường bất trắc nhưng rất mấu chốt của văn hóa bản địa. Có thể người ta sẽ lơ ngơ với địa danh Bá Thước, e dè, ngại ngùng và tiếc cho một Thanh Hóa từng rơi vào thụ động, bị động và tụt lùi suốt 1000 năm có lẻ. Và khi vuột qua, mất dấu cột Thổ Khuê trong một huyền sử Cửu Chân ( địa danh lâu đời nhất của Thanh Hóa) thì sẽ càng không còn nhiều cơ hội để hiểu, truy nguyên về những nét điêu khắc trên trống đồng hay văn hóa Đông Sơn hay những bản vẽ thiết kế nhà sàn chỉ còn lưu đọng ở miền Nam Đảo xa xôi?

Nhiều năm qua, ngoài một số “phượt thủ”, thật quá buồn khi người dưới xuôi, nhất là đám học trò lo chạy điểm trong mùa thi môn Ngữ văn, họ chỉ biết đến xứ Thái này với Pha Luông mập mờ, chập chờn lúc ẩn, lúc hiện trong thơ Quang Dũng. Trong những ngày lần mò tìm đường hành quân sang Lào, hình như chưa kịp hiểu rốt ráo, đến tận cùng tầm vóc Pha Luông, nên nhà thơ dưới xuôi chỉ dừng lại ở mô tả:

“Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi…”

“Ngàn thước” ư, nếu chỉ là số đo vật lý thì cũng chưa hẳn chính xác. Giống như Pù Luông nhưng Pha Luông cao và xa hơn. Nó khó nhìn thấy ngay cả khi trời rất trong, quang mây và mưa rất lớn đã kéo dài nhiều ngày ở miền Trung và Thượng Lào.

Đình Chu Quyến, Hanok (Ulsan Hàn), Nhà sàn mới Malayssia, nhà sàn Thái cổ Bangkok

Pa, Pha trong Pha Luông, Pha Đin ( Việt) có liên hệ gì với Phạ, Pra trong Luangphabang, Prathet (Lào), Prasat Hin Phimai, Samut Prakan… (Thái lan)? Pha cần được hiểu là… Trời, thuộc về Trời?

Luang- Luông có kế thừa, tiếp biến gì từ Khao Luang, Mae Fa Luang, Doi Pui LuangPhu Luang, Luang Prabang (Thái lan) ); thành cổ Luang Pha bang, đại tháp That Luang.. ( Lào), Lang– Mường; Pha Luông ( Mộc Châu),  Lóng Luông (Sơn La), tô luông (con rồng), Dạ Lang, Văn Lang – Việt? Có lẽ, trong không gian văn hóa nói tiếng Thái, Luang, Luông cần được hiểu là cao lớn, kỳ vỹ… ?

Hai đại tượng Pù Luông, Pha Luông chỉ mới theo dấu chân di cư của những người Lào từng dẫn dắt người Thái Lan, Lan na sang Cửu Chân, Giao Chỉ, An Nam hay Đại Việt từ thế kỷ 13-14 trở về trước?  Nhưng từ Pù Luông, Pha Luông, trở lại với cột mường, hàng cột nhà, có thể hình dung, tưởng tượng ra những lớp cột trụ của Người, của Rừng và của Trời. Thật tuyệt vời với những thước đo, chiều kích khác biệt này, người Thái muốn dựng cột chống Trời, đo Trời cao thấp rồi kiến tạo, kết nối chính mình, ngôi nhà với mường Trời?

Tiếc là trong khi thiết lập phần nền tảng để cất đặt những trụ cột siêu hình, siêu tưởng, tạm bỏ qua những đường biên giới được hình thành, hoạch định từ tham vọng và quyền lực chính trị, không có nhiều bằng chứng, chưa có nhiều dấu hiệu hay cơ hội chứng tỏ người Thái từng liên tưởng cột nhà, cột chống trời của với cột Thổ khuê, những cột đồng Mã Viện hay núi Đồng Trụ. Trong nhiều văn bản còn lưu lại của người Thái, chưa có một dấu tích nào chứng tỏ người Thái từng có được Thổ Khuê những bằng chứng cho phát triển khoa học, công cụ để người Hán đo những đường biên giới mở về hướng Nam, một di sản tương tự những cột đo bóng nắng mà Eratosthenes ( 276- 194 trước CN) người Ai Cập cổ đại đã đo tính chu vi trái đất ở Syene và Alexandria.

Tiếc hơn nữa là từ sông Lô đến sông Lam, người Thái Thanh Hóa, nam sông Mã, Thái Tây Bắc chưa tiếp nhận đúng mực những giá trị, tinh thần được chi phối, dẫn dắt hay giao thoa bởi Cửu Chân một địa danh cũ, một dấu mốc, điểm tựa, một tọa độ văn hóa, một khái niệm lớn, không chỉ giản đơn dừng lại ở góc nhìn thiên văn, ngôn ngữ, văn hóa hay những mưu đồ chính trị từng được xác định từ chừng 2200 năm trước.

Trước khi Pù Luông, Pha Luông xuất hiện, trong tầm nhìn ghê gớm của các nhà buôn chuyên thâu tóm bất động sản Trung Hoa, trong cuồng vọng mở đất không cùng của nhà Hán, cần phải hiểu Cửu Chân hoặc Cửu Châu đã vượt qua Cửu (số 9) để trở thành nơi “người tu tiên biến hình để lên trời” ( Trương Thái Du). Cửu Chân hoặc Cửu Châu là xích đạo, là chân trời, là tượng của Thái Dương hay gốc của TRỜI.

Chiết tự tỉ mỉ như thế để có cơ may nhìn thấy, cảm thấy rồi nhận thấy Pù Luông là một câu chuyện lớn, một ẩn số, mật mã văn hóa. Ít nhất thì cũng phải thông minh hơn khi biết trân quý tình cảm ái quốc của tiền nhân. Nhưng cũng phải thấu hiểu “Cần Vương”- giúp vua thì phải vượt qua tầm nhìn có phần hạn hẹp của Cầm Bá Thước khi cùng vua Hàm Nghi bảo vệ nền độc lập mong manh của dân tộc trước những mưu đồ thôn tính và sức mạnh của thực dân. Cầm Bá Thước không đủ lực, càng chưa có tâm thế, quyết sách lớn, uyển chuyển, khôn khéo như những người đồng tộc là vua Thái Lan Rama. Để xứ sở này của người Thái đen, trắng, đỏ hay người Kinh được giống như Thái lan, có thể đón nhận những cơ hội phát triển lớn hơn chính những tham vọng, quyền lực cá nhân hay những toan tình của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, có lẽ một thủ lĩnh của Bá Thước, Pu Luông đã bỏ quên những bài học từ những cây cột, của nhà sàn?

Với người Thái đen, đang sinh tồn trên Pù Luông- đỉnh cao nhất của một vùng văn hóa Cửu Chân, để có quyền lực, để có độc lập, để có thể lên đến Mường Trời, hãy biết lượng sức mình, hãy đứng trên nhiều những cây cột, những đỉnh cao để cất bỏ, gạt bỏ nhưng toan tính cảm tính rồi mở rộng tầm nhìn và hiểu biết. Đó mới là hương lộ nối con người với đất, với trời, là sự tiếp nối Mường Dưới- Mường Trần và Mường Trời. Tiếp nối Nhà Sàn – Một ( mương một– nơi rừng linh thiêng), Pù- Pha mới là trụ cột, gường cột trong ngôi nhà lớn, rất lớn, siêu hình, siêu tưởng.

Tiếp sau đình Chu Quyến, Đình Bảng… sau hơn 400 năm, chỉ có Six Senses Ninh Vân 2005 và I resort Nha Trang 2016( KTS Nguyễn Hòa Hiệp)- mới chứng tỏ người Việt thực sự hiểu, cảm rõ nhất về những tinh hoa kiến trúc nhà sàn. Six Senses Ninh Vân lại do KTS Thái lan thiết kế. Nếu trống đồng là tuyệt phẩm của người Việt thì sau 2400 năm, sau Chu Quyến, Đình Bảng mới lại thấy có sự tiếp nối mang tên Nguyễn Hòa Hiệp?

Tiếc là trong giới kiến trúc ngày nay, không thiếu những công trình không trụ cột, mất gốc nhưng lại được rất nhiều giải thưởng và báo chí nội, ngoại nhắm mắt, tâng bốc, bơm thổi? Hãy thử nhìn lại thật kỹ những  Flamingo, Sơn La Ceremony Dome… (Võ Trọng Nghĩa), trường Lũng Luông, Thái Nguyên ( Hoàng Thúc Hào) hay mới đây là trường Bó Mon Sơn La…?

(Pù Luông-Hà Nội 20-6-2020)

Quy Nhơn… quy NHÂN ?

Quy Nhơn có thể kiến tạo một thành phố xanh, khiêm nhường nép giữa rừng xanh, biển xanh, trời xanh, một không gian hy vọng hoà hợp ý trời, tuân theo thế vận của đất và thể tất lòng người.

Có những từ khóa ngôn ngữ, mã nguồn lịch sử, bằng chứng văn hóa mà tiền nhân còn ẩn giấu trong mỗi tên gọi, các địa danh Quy Nhơn- Bình Định và Thị Thiện cần được người Quy Nhơn thấu tỏ?


Đôi khi quy hoạch và kiến trúc rất nên khai thác, bóc tách, sàng tuyển các trầm tích ngôn ngữ để phát lộ, chắt lọc, kết tinh một chất liệu khác biệt, kiến tạo cho các đồ án thiết kế một tầm nhìn lớn rộng, bền vững, nhân văn, tinh tế và có sức lan tỏa hơn?

1 (1)Đầm Thị Nại

 

NHÂN

Bình Định có một vài địa danh có tiền, hậu tố Nhơn như Quy Nhơn , Hoài Nhơn, An Nhơn, Nhơn Hậu, Nhơn Bình, Nhơn Châu, Nhơn Hải, Nhơn Hội, Nhơn Lý, Nhơn Phú, Nhơn Thạnh, Nhơn Hưng, Nhơn Phúc, Nhơn An, Nhơn Hạnh, Nhơn Phong, Nhơn Hoà, Nhơn Khánh, Nhơn Lộc, Nhơn Mỹ, Nhơn Thành, Nhơn Thọ. …

Trong một hiện tượng xâm thực, tiếp biến văn hóa đa dạng, phức tạp, khi bản địa hóa, thổ âm Nhơn chỉ thay đổi hình thức phát âm, biến đổi nguyên âm nhưng vẫn giữ nguyên những ngữ nghĩa phức hợp, đa tầng của NHÂN, một từ Hán Việt?
Nhiều từ đồng âm, khi là danh từ, NHÂN có thể hiểu là nguyên khí phát ra, tính tình, phẩm cách, gần gũi, thân mật, đạo lí làm người, chỉ tình trạng thân thể con người, người lớn, người đã trưởng thành, nhân tài, người tài, là nhân trong hạt, phép tính nhân, chỉ nước chảy, nguyên do, duyên cớ, nguyên nhân…

Khi là Động từ, NHÂN là thương, yêu, tâm phục, cảm bội, noi theo, nương tựa, dựa vào, tăng gia, tích lũy, mai một, chảy lan ra, thấm ướt, ứ, tắc, nghẽn, lấp đầy.

Khi là Tính từ NHÂN lại mang ý nghĩa như khuất khúc, xa cách lâu, khoan hậu, có đức hạnh, khoan dung, từ ái, thiện lương, yêu người không lợi riêng mình…

Khi là Trợ từ, NHÂN là thừa dịp, thừa cơ, kế tiếp, tiếp theo, …

Nhiều văn cảnh khác, NHÂN được hiểu như là ma lực, nhân uân- một trạng thái mà khí trời đất hoà hợp, là tế trời, tế lễ với tất cả chân thành, tôn kính, kính trọng, kính cẩn…
Trong lịch sử hàng nghìn năm với quá nhiều biến động, con người nơi đây chắt lọc, kết tinh bao ước mơ, khát vọng rồi ký thác, gửi gắm, ghi tạc chữ NHÂN vào địa danh, ngôn từ, những tiếng gọi thiết thân từng ngày, không vì bất cứ điều gì có thể dễ dãi, tùy tiện xóa bỏ hay đổi thay…

Với thông điệp, tầm nhìn mới, quy hoạch, kiến trúc Quy Nhơn phải là quy tụ, dồn lại, tập hợp, trở lại, trở về rồi kết tạo những mảnh ghép An, Hoà,  Bình, Phúc, Hạnh, Thọ, Phú, Thành, Thạnh (thịnh), Hưng, Khánh, Lộc, Mỹ ….

 

ĐỊNH

4 (1)

 Quy Nhơn 4- 2020. Lõi đô thị sẽ là một thứ virus tàn hủy với quảng trường ngoại lai kệch cỡm, tượng đài điên loạn, xấu xí….?

Để đọc hiểu những thông điệp QUY NHÂN từ hơn nghìn năm của Vijaya, Phật Thệ, Chiêm Thành, Chà Bàn… thật sự không hề dễ dàng. Nếu chỉ có và tiếp tục BÌNH thì thiên ĐỊNH thế nào, địa ĐỊNH ra sao và nhân ĐỊNH tới đâu? ĐỊNH không đồng hành với  HUỆ TUỆ thì sao?
Không thể phủ nhận vai trò lịch sử to lớn, vỹ đại của Nhà Nguyễn trong lịch sử đất nước và miền đất này. Nhưng kể từ khi được chúa Nguyễn định danh, định mệnh hồi thế kỷ 18, sẽ thật buồn nếu Bình Định chỉ là nơi được bị san phẳng, dẹp yên, dập tắt, chấm dứt động loạn như nghĩa đen của ngôn từ. Trong một hoàn cảnh lịch sử dồn nén quá nhiều bi kịch ngặt nghèo, tang thương, có thể tạm cảm thông với một Bình Định được hiểu tới tận cùng, rốt ráo và trọn vẹn như là một lời nguyền đớn đau, ẩn sâu trong một khúc khải hoàn đẫm máu đau thương, nhục nhằn của chúa Nguyễn. Còn với QUY NHƠN, quy NHÂN có tầm vóc, ý nghĩa biểu tượng sáng láng, dài lâu, lớn rộng, hài hòa và nhân văn hơn rất nhiều.
Chiến tranh rồi cũng phải tạm ngưng, nghịch loạn ắt có lúc yên ổn, thái bình, giặc giã rồi cũng hồi hướng thiện lành. Một vùng đất muốn phát triển phải thoát bỏ những cuộc quyết đấu, tranh giành quyền lực, chiếm đoạt lợi ích, xung đột các quan niệm giá trị và con người thì không thể mãi coi nhau là giặc. Ba trăm năm qua, mấy thế kỷ qua, nghịch lý đáng buồn là khái niệm, định nghĩa Bình Định cũ kỹ vẫn đang mở rộng hơn, nó ôm chặt, kiềm tỏa, ngáng trở, khống chế và tàn hủy QUY NHÂN?

 

Nhãn tiền là hình hài, vỏ xác vật chất của Quy Nhơn hôm nay tuy đang được xây dựng với quy mô rất lớn và tốc độ chưa từng có nhưng ở những điểm trọng yếu lại thấy nhiều điều hớ hênh; những gì nhạy cảm nhất lại phô lộ; cái hữu hình tưởng chừng có thể nhai, nuốt lại không cho cảm giác nào cụ thể, xác thực; nhiều điều có thể nhìn được nhưng khó thấy… Buồn thay, khi không quy NHÂN, phác họa Quy Nhơn, Bình Định hôm nay vẫn chẳng khác một bãi chiến trường của hơn 1000 năm là bao? Mỗi lần trở lại, chỉ thấy Quy Nhơn bế tắc hơn? Xứ sở của rừng kề biển mà màu xanh của các mặt nước, dòng chảy, núi rừng, đồng bằng, đầm phá, cây xanh cứ bị chặt phá, héo úa, lụi tàn.

Trên nền một sân bay quân sự lớn từ những năm 60, Quy Nhơn đang đong đếm sự phát triển từ những quảng trường ngoại lai, xa lạ được mở rộng toang hoang với những thảm thực vật mỏng toẹt.  Lõi đô thị hiếm hoi, tinh quý có thể trở thành những kiểu không gian sang trọng như Vườn hoa trung tâm của Hải Phòng, bờ nam sông Hương ( Huế) mà người Pháp từng thiết kế. Vậy mà biến thể Quy Nhơn hôm nay lại nhang nhác trục đường Nguyễn Huệ TP HCM và trở thành lõi hấp thụ nhiệt rẻ tiền. Lịch sử ngậm ngùi sang nhượng lại cho Quy Nhơn một khoảng trống, một quỹ đất đắt giá, một đường băng lớn đến vậy, mà sao thành phố chưa thể cất cánh?

Đâu rồi những chỉnh thể từng được kiến tạo từ những mô thức định cư duyên hải phát triển thông qua giao tiếp, tương tác thương mại, thích ứng với hướng núi, mạch sông, nuôi dưỡng đồng bằng châu thổ, hài hòa với đầm phá và kiên định lấn biển? Vì sao cách tổ chức không gian sống thông minh, giản đơn, thiết thực, hiệu quả của bao người nông dân ít học lại tạo nên một chuỗi các ngôi làng sinh thái trên đầm Thị Nại, Nước Mặn, Trà Ố, Đạm Thủy, Giao Trì, các cửa sông Côn, Lại Giang, Hà Thanh, An Tượng, các cửa biển Kim Bồng, An Giũ, Đề Ghi, Cách Thử…? Vì đâu mà thái độ ứng xử nhân văn, khiêm nhường với thiên nhiên ấy cứ lệch lạc, teo tóp, biến thái mà không được khai triển như một thiết kế tổng thể, hoàn chỉnh, có thể sinh lời, sinh khí, chuyển mệnh, đổi vận một cách khôn ngoan?

1 (2)Hạ lưu sông Côn những mô thức định cư ven sông, duyên hải suốt hàng nghìn năm qua đang có nguy cơ phân rã, phân hủy

4 (3)

Cây xanh, công viên bên con đường mang tên Đô đốc Bảo một người gần như biến mất không xủi tăm ngay sau khi mấy anh em buôn trầu Nhà Tây Sơn thắng quả bất động sản… miền Bắc?

 

Đầm Thị Nại lặng lờ hôm nay có nhắc gì những… người Bắc di cư đang tụ sinh nơi đây đừng vội vã, hàm hồ diễn giải rồi khinh khi, coi thường những Neh, Né, Naih, Nại là nhỏ bé, tầm thường, dễ lợi dụng. Những người dân ngụ cư đang có quyền đưa ra những quyết sách định đoạt tương lai của miền đất này đừng quên chuyện vua Trần Duệ Tông từng ngó lơ Chế Thắng Phu nhân, khinh mạn “Kê minh thập sách”, coi thường sự hiến sinh quả cảm của bà để ngăn cản cuộc hành binh bình Chiêm ngớ ngẩn. Trần Duệ Tông ngông ngạo tiến đánh Chà Bàn rồi bỏ xác nơi trận tiền, trở thành vua duy nhất trong lịch sử tử trận, đẩy một triều đại rực rỡ lao xuống vực suy vong, khởi sự cho đất nước rơi vào thời Bắc thuộc thứ 4 ?
Những năm 60-70 của thế kỷ trước, là một căn cứ quân sự khổng lồ vấy đầy thương tích từ đạn bom, trước bao bão dông, sao Quy Nhơn vẫn còn giữ được những rặng phi lao xanh lớn, những vòng tay rừng ngập mặn bền bỉ, kiên cường mà vẫn hiền hòa, che chở, cưu mang con người?

Hôm nay, những hàng phi lao, một biểu tượng, đại tượng lớn của rừng trước biển đã biến mất, thế chân vào đó là những bonsai phi lao bị xén tỉa thấp tủn, cứng đờ, ngẫn ngờ, vô duyên. Hôm nay, cùng những cây Hợp Hoan ngẩn ngơ, cô độc bên đèo Nhông, Phù Mỹ, phi lao có nhắc gì người xứ Nẫu truyền thuyết từ thế kỷ 18 về một Nguyễn Nhạc ngu muội từng chặt phá những cánh rừng xanh trước mồ mả gia tộc dẫn đến một triều đại tàn vong trong chốc lát?

Những quảng trường ốp đá tênh hênh, nóng sục hôm nay có nhắc gì người dân về những hành xử có thể nói là bạo tàn, bất chấp đạo lý của anh em người buôn trầu họ Hồ từng thẳng tay tàn phá, tiêu diệt các trung tâm kinh tế miền Trung, miền Nam, Hội An, Cù Lao Phố, Chợ Lớn, Mỹ Tho…?

Vì sao, ở xứ sở có 2000- 2600 giờ nắng mỗi năm, Đô đốc Bảo, con đường xanh ấn tượng duy nhất của phố biển cũng chỉ là chốn quy tập ô hợp nhiều cây cháy lá, những dáng cây xiêu vẹo, những loài cây không quen sinh tồn nơi cửa sóng, đầy bão dông. Đây đó, sát biển, những cao ốc bọc kín kính ngật ngưỡng, những tượng đài nôm na, xấu xí, ngơ ngác ….?

Thị

2 (1)

Tháp Yang Mtian. Vì sao có người thuộc dòng vương tộc của người Chăm, Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm xuất sắc lại có thể gọi tuyệt phẩm này là tháp Bánh Ít- cái tên miệt thị, khinh bỉ nhưng cùng đầy tự ti của những kẻ thực dân văn hóa đến từ miền Bắc?

Muốn hiểu quá khứ, lý giải hiện tại hay tìm kiếm một sự mách bảo, dự báo nào đó về tương lai tử tế hơn cho Quy Nhơn, để kết nối những giá trị khai sáng, tinh hoa của NHÂN- ĐỊNH, đôi khi chỉ biết cầu may, bám víu vào những điều rất nhỏ trong lịch sử rồi từng bước bóc tách rất nhiều lớp chi tiết, vỉa tầng dữ liệu thông tin bị che phủ, ẩn khuất, từng biến dạng và đang làm thay đổi dòng lịch sử.

Thử lần giở lịch sử tháp cổ Yang Mtian?

Có thể chưa hiểu nghĩa Yang Mtian trong tiếng J’rai. Có thể không hiểu vì sao H. Parmentier- Nhà nghiên cứu người Pháp lại gọi là tháp Bạc- tour d’Argent. Trong ghi chép sử của Nhà Nguyễn thì tên tháp Thổ Sơn chỉ dừng lại mô tả quá nôm na, thô lậu về một thứ vật liệu xây dựng?

Có thể buộc phải bỏ qua những ghi chép của Quách Tấn: “ xa trông giống hình bốn chiếc bánh Ít lá gai lột trần đơm trên mâm cổ bồng vun ngọn”? Chỉ có những đoàn quân thực dân phương bắc quá ngạo mạn mới có thể đặt một phối cảnh tôn giáo, tín ngưỡng, đức tin của dân tộc bại trận trong hình hài một thứ đồ ăn? Chỉ có những mặc cảm, tự ti văn hóa mới xui khiến những người làm nghiên cứu văn hóa biến một đền thờ Shiva, Vishnu, Braham, một mô thức, khái niệm, nhận thức về trật tự vũ trụ thành… miếng ăn?
Có thể cũng phải cất giấu đi cách mà Đại Nam nhất thống chí lý giải việc có người bán hàng dưới chân núi tên là Thị Thiện nên lấy tên riêng đặt cho tháp cổ.

Dường như những khoảng mù của lịch sử đã ngầm mách bảo có một Thị Thiện khác tường minh, sâu sắc, tinh tế và đáng suy ngẫm hơn? Cũng như THỤ trong tháp Thụ Thiện, Thị không thể là chợ búa, kẻ làm thuê hay người đàn bà thấp hèn. Thị phải là nhãn lực, sức nhìn, khả năng thấu suốt, thấu tỏ, thấu cảm và năng lực hiển hiện. Thiện là đức hạnh, người tốt lành, thân thiện, hữu hảo, khéo léo, tài giỏi, thay đổi, trao cho, truyền cho…

Vâng, chỉ với thấu THỊ người ta mới có thể cúi xin hậu duệ của vua Simhavarman – Sạ Đẩu, vua Lý Thái Tông, Trần Duệ Tông, Lê Thánh Tông… từng sống chết ở xứ Vijaya, Phật Thệ, Chiêm Thành, Chà Bàn này hãy quên đi những cuộc chiến tang thương.

Chỉ với cầu THỊ, hậu duệ Chế Chí- Jaya Indravarman IV mới biết theo gương vua thiết lập hòa bình, phát triển bằng tất cả tinh thần dũng cảm, sức mạnh quân sự, thông hiểu triết học, các lý lẽ Dharmasutra và các học thuyết Phật giáo Đại thừa.

Chỉ với Thị Thiện, hậu duệ Chế Bồng Nga, Trần Duệ Tông mới bớt đi ngông ngạo, ngạo nghễ, anh em nhà Tây Sơn mới có thể quên đi những tội tổ tông trong thảm sát Hội An, Cù Lao Phố, Chợ Lớn, Mỹ Tho….

Chỉ với Thị Thiện, trong khi hoạch định tương lai cho xứ này, hậu duệ chúa Nguyễn mới dừng ngay việc bình định Quy Nhơn và không tiếp tục quy hoạch theo kiểu cắt đất chia lô?

2 (3)

Tháp Sri Banoi- Hưng Thạnh- Tháp Dương Long- Tháp Cánh Tiên- Trang trí bệ đá tháp Sri Banoi

Một số kiến trúc đương đại tiếp thu và phát triển kiến trúc Chăm

1 (4)Những hàng phi lao cổ chỉ còn sót lại ở Quy Hòa

4 (2)Bãi biển… nông, mỏng dần

 

Quy Nhơn- Hà Nội ( 7/1992- 5/2020)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thánh ca và Thánh đường

1 (2)

Khi rơi vào tình huống hiểm nghèo của đại dịch, việc buồn tẻ, ám ảnh nhất mà bạn làm mỗi ngày là mở toang cửa sổ, kéo hết rèm, ra đứng ban công, ngắm nhìn bầu trời, ngày và đêm. Nhưng đó cũng có thể là cơ hội hiếm hoi để bạn dịch chuyển cảm xúc, đảo chiều suy tư, đối diện với chính mình.

Bạn sẽ lần giở lại một cuốn sách, nghe lại một bản nhạc hay suy ngẫm về điều gì đó còn ẩn khuất sau một tác phẩm nghệ thuật. Bạn sẽ tìm kiếm được gì đó qua gặp gỡ, giao tiếp, đối thoại với những tác giả mà mình ngưỡng mộ, trân quý, thương mến.

Từng nét bút, con âm hay vệt màu đều cho bạn biết rằng: Biến cố lớn nhất đối với một tác giả, nghệ sỹ đích thực không phải là dịch bệnh. Họ không sợ hãi cái chết, không bị dịch bệnh dẫn dắt, chi phối, điều khiến, thao túng. Từng ngày, mỗi giờ, họ đã tự cách ly xã hội trong cô độc. Biến cố lớn nhất xuất hiện cùng lúc, gần như tức thời và trở thành động lực khi họ sáng tạo. Chạm vào những nỗi buồn lớn nhất của nhân sinh, đồng hành với yêu thương, khi vượt qua những bức tường thời gian để quán sát, dự cảm tương lai, nghệ sỹ không chỉ để lại cho chúng ta tác phẩm.
Thánh ca hoang vu …

1 (3)


Thời …mắc dịch, đường phố, đô thị, xã hội hiện ra một gương mặt hiếm hoi, chân dung bất thường, một thần thái hoàn toàn khác lạ, mách bảo lành ít hơn dữ, buồn nhiều hơn vui.

Mây virus xám xịt, ướp lạnh, đóng gói, bao phủ mùa đông. Con người tự trói mình trong không gian hẹp. Họ gắn kết với nhau, ăn ở, học hành, yêu đương, làm tình đều… bên màn hình máy tính hay điện thoại thông minh.

Ngày Phục sinh, Thánh đường, điểm đến hấp dẫn nhất của du lịch thế giới chỉ còn duy nhất bóng hình Giáo hoàng nằm sấp, bất động. Nền Kinh tế đóng băng. Thất nghiệp đi vào từng gia đình theo thang máy siêu tốc. Sức mua tiêu dùng trượt chân rơi từ ban công tầng cao. Giá dầu mỏ âm sâu đủ chạm đến căn phòng tối nhất của địa ngục. Cảng Hàng không trở thành hộp đựng máy bay đồ chơi….
Trong khi tự cô lập, mọi chức năng cơ thể và đời sống của bạn bắt đầu rối loạn. Bạn không chắc chắn về tương lai của chính mình và cố tưởng tượng hình ảnh, hành vi, cảm xúc liên quan đến người khác. Khi có cơ hội bước ra phố, chỉ còn hoang vu đang đùa giỡn, thổi bùng lên, khuếch tán những âm thanh cô độc rồi lan truyền, khống chế tất thảy mọi ngóc ngách đang trống rỗng.
Bạn sẽ thấy Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục không thể tối hơn. Buổi sáng, không thể nhìn thấy nắng đậu trên cầu Thê Húc. Chiều tối, “Hàm cá mập” không đèn, không nhịp điệu xô bồ. Hàng Đào, Cầu Gỗ, Đinh Lễ, Đinh Tiên Hoàng Lê Thái Tổ heo hắt. Vỉa hè, run rẩy người mẹ già buông thõng cả ánh mắt thất thần, vô định, hóa đá. Hồ Gươm lặng thinh, không còn rùa thiêng ngoi lên đòi gươm báu, trả lại chiến tranh về với hỗn mang càn khôn. Không cách gì để có thể nghe thấy những tiếng rộn ràng Đồng Xuân… ríu rít Hàng Đường , Hàng Bạc, Hàng Gai…

Hãy dừng chân lâu hơn bên Nhà thờ lớn. Nếu là người miền Nam, những người từng sống và trở thành thiên thần cùng với Thánh ca của Trịnh Công Sơn, bạn sẽ thèm được nghe “Lời Buồn Thánh”, “Phúc âm buồn”,  “Dấu chân địa đàng”, “Lời nào cho nhau”. “Đợi có một ngày”…

Bạn hãy đọc lại đôi dòng mà Trịnh đã viết cho Dao Ánh: “Những lần về đây Anh đã nghĩ đến một hành lang giáo đường trên vùng ăn năn, những thân cây đen là những kẻ hành hương trùm áo sẫm, bãi cỏ non xanh, anh nghĩ rằng Ánh có thể mặc áo trắng lụa là đi bằng những bước chân nhỏ nhẹ trên đó. Anh đã cúi mình xuống ý nghĩ và hình ảnh ấy thật lâu như một ám ảnh…”

Và hãy nghe Khánh Ly ma mị: “Chiều chúa nhật buồn. Nằm trong căn gác đìu hiu. Tôi xin em năm ngón tay thiên thần.Trong vùng ăn năn, qua cơn hờn dỗi. Tôi xin năm ngón tay em đưa vào cô đơn.”

Hơn nửa thế kỷ qua, Trịnh như thể được sinh ra để đặc biệt nhạy cảm với những nỗi buồn đau xứ sở, để viết về một ranh giới không có thực, không tồn tại giữa sự sống và sự chết. Nhạc sĩ đã mượn âm vực rộng của “Phúc âm buồn” để nhận thấy “ Cuộc đời đó nửa đêm tiếng ca lên như than phiền. Bàng hoàng lạc gió mây miền.…”

Để rồi:
“Dành trong bao la con đường thật nhỏ. Đợi sẽ có ngày em bước qua. Đợi chờ yêu thương trên cây thánh giá. Đợi xóa sân si dưới bóng bồ đề. Đợi cây lên xanh trên rừng hoạn nạn. Đợi thấy những đường không cách ngăn.”

Bi kịch lớn nhất của đời người là chiến tranh, đói khổ, dịch bệnh. Âm nhạc và ca từ của Sơn man mác một nỗi hoài niệm về thế giới phía sau sự sống. Đã hơn nửa thế kỷ, có lẽ nào những tiếng than khóc cho kiếp nạn chiến tranh lại cũng là nét ký họa chân xác vềtThành phố mùa hoang vu?

Còn có “Lời nào cho nhau”?

Thánh đường xao động!

 

Sistine Chapel-Sáng tạo Eva- The Creation of Eve

Trong không gian quá khứ, trong thiên hà sáng tạo, trong vũ trụ của cái đẹp dường như luôn lấp lánh vô vàn bài học đắt giá, những mách bảo thông minh và cả “vụ nổ lớn” những điều tiên tri…?

Nếu âm nhạc có thể hiển hiện, ôm trùm, bao phủ những khối hình hiện thực đa chiều thì cái ĐẸP của hội họa luôn có lối đi riêng để thẩm nhận bức tranh đời sống đa sắc hơn.

Jose Manuel Ballester và Ngày sinh Thần vệ Nữ

 

Bạn hãy thử ngược dòng thời gian cùng tìm lại những dự cảm rất khác lạ của Jose Manuel Ballester khi KTS, nhiếp ảnh gia Tây Ban Nha bỏ qua, cất hết mọi dấu vết con người vốn là điều không thể thiếu trong những tác phẩm kinh điển của hội họa Phục Hưng đến hiện đại, từ Giotto, Michelangelo đến Picasso.  Ballester quan tâm đến không gian trống và miêu tả con người thông qua dấu tích và phản xạ của họ. Thông qua kiến ​​trúc, tác phẩm của Ballester rò xét, khám phá sự cô đơn, riêng tư của từng cá nhân và những mâu thuẫn của thế giới hiện đại. Những tác phẩm mới này được sao chép, mô phỏng từng phần nhưng phát lộ nhiều điều chưa biết khi quan sát được của tác phẩm gốc, đưa người xem đắm chìm vào bối cảnh không gian.  Ánh sáng trong tác phẩm Ballester tiết lộ tình trạng của con người, làm nổi bật cái vô hình và hữu hình, công khai và riêng tư.

Christinas world

Bạn có thể tìm đến “Thế giới Christina” (1948) một trong những bức tranh nổi tiếng nhất hội họa đương đại Mỹ của Andrew Wyeth để test một không gian tâm lý, hiện tượng tinh thần hay nỗi hoài nghi quá lớn về chính năng lực, khát vọng vượt thoát của con người trước một căn bệnh bí ẩn, giống như virus TQ và hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị nào khả quan.

 

Bạn hãy quan sát thật kỹ những gì Heath Robinson- một họa sỹ chuyên vẽ minh họa lừng danh người Anh cuối thế kỷ 19 đã có những mô tả lạ lùng về thế giới hôm nay sẽ thế nào. Có cả những “ tiên tri” hay mách bảo con người cần phải làm gì trước những biến đổi của xã hội, biến dạng của hệ sinh thái trong đại dịch virus TQ.

Phần mình, khi đã bị virus sợ hãi lây nhiễm, xâm nhập, tôi muốn mượn những mẫn cảm về thân phận con người đứng giữa các đường ranh mong manh sống- chết của Trịnh Công Sơn để tìm về Nhà nguyện Sistine.

Trên trần, tường Nhà nguyện, những tác phẩm vỹ đại của nhân loại cho tôi tìm thấy một thứ vaccine hữu dụng và không chỉ điều trị triệu chứng sợ hãi.

Hơn 500 năm trước khi treo mình trên trần Nhà nguyện Sistine vẽ “The Creation of Eve” Michelangelo đã biết rằng Eva cũng như con người, họ sẽ luôn âu lo, van xin, cầu khiến Thiên chúa mỗi khi nhận ra sự thiếu khuyết, không hoàn thiện, yếu ớt, bất lực trước các biến cố giống như khi Adam gục ngã vì mất một rẻ sườn.

Sistine Chapel-Tội lỗi tổ tông và bị xua đuổi khỏi vườn địa đàng- Original Sin and the Banishment from the Garden of Eden

Khi vẽ “Fall of man” Michelangelo đâu có vô tình khi mách bảo virus TQ 2020 cũng không khác gì trái cấm và con rắn trong vườn Thượng Uyển. Đó là những sai lầm, cơ hội vỹ đại để chúng ta tự thanh lọc, thanh tẩy, hoàn lương.

Trong “Phán quyết cuối cùng”, với Đức tin mãnh liệt vào quyền năng Thiên chúa, Michelangelo nhắc nhở chúng ta rằng: Đừng quên, chính con người đã gây ra hàng loạt tội tổ tông, làm hư hỏng toàn bộ thế giới tự nhiên, bao gồm cả bản chất con người. Ngay trong đại dịch, thảm họa, từng việc làm, lời nói, khi lựa chọn thiện hay ác, cuối cùng, chính con người sẽ tự quyết định vận mệnh, cuộc đời của họ cùng sống chết, thắng thua, được mất, vui buồn.

Hơn 500 năm sau, cùng với đức tin và khoa học, con người có thể xác quyết: Cái chết chỉ là vấn đề kỹ thuật, chẳng có gì đáng sợ, con người sẽ sớm tìm ra vaccine! Từ nay đến khi đó, đừng ngạo nghễ, tự hào với chiến thắng ảo? Hãy giữ khoảng cách cần thiết với những điều chưa biết, bất khả kháng và cách ly triệt để với sự sợ hãi!

 

20-5- 2020

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Về “làng HỦI” tìm vaccine sợ hãi?

 

90534095_2701770853267271_5366669251052568576_n

Trung cộng và WHO hợp tác thúc đẩy tuyên truyền tẩy não

 

Đại dịch virus Trung Quốc, nhiều người luôn tự hỏi: dịch bệnh đến từ đâu, bao giờ nó sẽ biến mất? Loài người đã và sẽ hoàn toàn biến dạng vì virus? Kháng nguyên nào cho loài người? Ngoài những dự báo, suy đoán của các nhà tương lai học, doanh nhân, chính trị gia, có thể tìm đâu những kịch bản,  bài thuốc đặc trị nào cho virus sợ hãi? Thế giới- ngôi nhà lớn và cuộc sống của tất cả chúng ta sẽ ra sao?
 Liệu đây có phải là cách mà Chúa trời muốn trả lại cho vũ trụ, tự nhiên một trật tự cân bằng động, tương thích, bình đẳng, hòa ái cho tất cả mọi loài?

Trời tính không bằng… âm tính

 

90205560_1543105959180608_4159847719357120512_n

Trớ trêu thay, khi quắn quýt, rối bời, tan nát bởi virus Tàu, loài người lại dễ bị lộ diện, phơi bày những cái xấu, điều dở.  Virus Tàu luôn biến dạng, chưa thể nắm bắt, kiểm soát và sức tàn hủy thì chưa từng và khôn lường? Và Sợ Hãi mới chính là biến hình, biến thể, chủng mới mà con người phải đối mặt, tuyên chiến?

Mạng xã hội với sự trợ giúp đắc lực của công nghệ chứ không phải các hành vi ứng xử nhân văn đã phác họa rất nhanh chóng, chuẩn xác chân dung của loài người. Từ “sinh vật tàn bạo nhất trong biên niên sử Trái đất” (Yuval Noah Harari) họ biến thành sinh vật nhỏ bé, mong manh, dễ điều khiến và tổn thương nhất.
Virus dính vào bàn tay- biểu tượng của sự kết nối của con người. Nó bùng phát theo từng hơi thở nhẹ nhất. Nó nương theo, lay động cùng những nụ hôn say đắm yêu đương để tấn công thẳng vào hệ hô hấp- chỗ yếu nhất của Homo Sapiens- loài tự cho mình là người khôn ngoan.

29coronavirus_editorial-superJumbo-v7

Chỉ trong vài tháng, dễ thấy, thế giới phân mảnh, quốc gia phong tỏa, thành phố cách ly, nhà nhà đóng cửa và không ít người được khuyến cáo nên cố thủ  bằng… cấm khẩu.

Từng ngày, số người lây nhiễm, chết và thị trường chứng khoán cùng nhau vẽ những vết đỏ rực, kinh dị trên các đồ thị, biểu đồ, bản đồ. Ra đường, bên quán ăn, trên tàu điện ngầm, trong khoang máy bay,  người ta nhìn nhau lạnh lùng, căng thẳng như thể đang đeo kính hiển vi quan sát bệnh phẩm. Khẩu trang là bộ sản phẩm nổi bật để nhận diện , định vị thương hiệu của con người – xã hội.
Mọi con đường hướng về thành Roma đều mất dấu. Ngay trong đại lễ, Vatican không một bóng người sính hành lễ. Bóng Giáo hoàng đi bộ cầu nguyện trên phố mà như lữ khách cô độc trên hoang mạc sau bão cát hủy diệt.

Donal Trump- Nhà buôn lạnh lùng, Tổng thống không giống ai cũng có chút thất thần, lạc sắc khi công bố đại dịch. Boris Johnson- Thủ tướng Anh xuất hiện trước báo chí với mái tóc bù xù và lúng túng khi dẫn giải lý thuyết khoa học về miễn dịch cộng đồng làm cho không ít người lầm tưởng sự buông bỏ là thái độ chính trị của chính phủ.

89722611_10218948352952172_1627542912965279744_n

Ở bên Tàu, chưa đủ dữ liệu để tính sổ một cuộc chiến tranh sinh học, chính trị hoá đại khủng hoảng virus là việc chủ đích và có thật? Chính trị không còn là khởi đầu ” sự hình thành các trách nhiệm xã hội”. Tham vọng, cuồng vọng quyền lực đủ khiến người ta “cưỡng ép, khuyếch tán” và tung các binh đoàn virus ra toàn cầu? Gương mặt virus Trung Quốc táng tận mau chóng hiện hình bộ dạng mới, trong danh xưng cúm Ý, Pháp, Anh, Mỹ. Thành phố ổ dịch Vũ Hán đột ngột khốn nạn khi trình diễn những màn khải hoàn đáng ngờ. Nhà văn Tạ Duy Anh ngày nào từng ngán ngẩm: Trung Quốc là một nước lớn, một nền văn hóa vỹ đại, nhưng về mặt chính trị, chưa bao giờ nó thoát khỏi thân phận một con bệnh khổng lồ. Thứ mà họ luôn thiếu là những vị bác sĩ tinh thần”.

Còn trên đất nước này, từ thế kỷ 13, lần đầu tiên hơn nửa vạn người Việt đột ngột, dồn dập hồi hương, một cuộc di tản rất lạ và khác ngược hoàn toàn với hành trình bôn tẩu của Lý Tường Long, những người lính miền Bắc trong hình hài “Cái Bang” thất thểu lấn chiếm Đông Âu hay Bên thua cuộc nống chiếm địa bàn tị nạn Little SaiGon.

Ở một trại cách ly dành cho người hồi hương, khi một người nghi lây chéo, có ai đó sợ hãi khóc thét: Người tính không bằng trời tính. Trời tính không bằng… âm tính!

Kháng nguyên nào?

01

Khác với rất nhiều đại dịch trước đây, trong đại dịch virus Trung Quốc, trong một không gian tưởng chừng khủng hoảng sâu sắc, toàn diện và chưa từng có, loài người lại có một vũ khí, công cụ với sức mạnh, ưu thế thực sự vượt trội. Đó là thông tin đa dạng, nhiều chiều, cập nhật nhanh, lan tỏa rộng và gần như được xử lý tức thời trên toàn cầu. Thông tin chính là kháng nguyên mà loài người cần.

Khi nhiều người dân đều đồng lòng với “Ngồi im… toàn thắng ắt về ta”- khẩu hiệu giễu nhại một mật lệnh cực kỳ khát máu, dã man, khốn nạn, được deco rất giản dị trong một quán cà phê đối diện với Ngôi nhà của Chúa ở trung tâm Hà Nội. Bản năng sống mạnh mẽ được kích hoạt bởi sự hài hước đã xui khiến họ không dễ dãi giam trói bản thân trong thụ động.

Với nhiều người, đại dịch chính là một cơ hội lớn để có nhiều thời gian hơn cho trầm tư thiền định. Từng nhịp hít sâu, thở dài, theo cách của những du già, hành giả, thiền sư, họ dịch chuyển ngược vào trong ký ức, cảm xúc, trải nghiệm và hy vọng. Họ cần có nhiều thông tin đa chiều, sâu sắc hơn. Họ mong muốn, chủ động tìm kiếm một cách nhìn mới, một tầm nhìn lớn như những kháng thể mạnh mẽ.

ntdvn_virus-corona a

Diêm Liên Khoa- GS Trường ĐH Công nghệ Hongkong

Có nhiều người sẽ cẩn trọng tìm đến góc những phán xét, phán quyết sắc lạnh, chuẩn xác của Diêm Liên Khoa- GS Trường ĐH Công nghệ Hongkong về căn bệnh xóa bỏ ký ức từng nhiều lần phát tác ghê gớm ở Trung Hoa, khiến cho người dân xứ này hoàn toàn thụ động, bị động, bất lực mỗi khi thảm họa bùng phát?

Không nhiều người sẽ tin Matthias Horx, nhà nghiên cứu tương lai theo thuyết vị lai (futurologist) của Đức. Dù có đưa ra kịch bản Mùa thu 2020 quá đẹp đẽ, mùi mẫn, lãng mạn thì tác giả đừng để sự tưởng tượng trở thành một thứ thuốc giảm đau? Dù tiếp cận ngược từ tương lai theo kiểu RE Gnose nhưng tác giả có nên tự mâu thuẫn khi coi Virus Trung Quốc là một khủng hoảng trầm trọng? Thế giới mà chúng ta quen thuộc hiện đang tan rã? Thế giới văn minh đã sập nguồn? Lịch sử loài người chứng kiến những bước rẽ của tương lai và thời khắc một đi không bao giờ trở lại bình thường?

images

Một số người say mê trí tuệ lạ thường của người Do Thái có thể sẽ phải bỏ qua phần lớn ý kiến, định kiến, thiên kiến của Yuval Noah Harari. Trong hai bài viết gần đây trên Time và Financial Times, bên cạnh những dẫn luận cực kỳ hay, khi thăm khám cho thực tại, hơi tiếc tác giả của Lược sử loài người đã bỏ qua nguồn Trung Quốc, gốc dịch bệnh, bệnh nhân, bệnh phẩm và nặng lời phán xét, quy kết về nước Mỹ như một kẻ vô trách nhiệm? Tệ hơn, sau khi kẻ cả, châm chọc, mỉa mai ý tưởng xây dựng một “cộng đồng mật thiết” bằng mạng xã hội trực tuyến của Mark  Zuckerberg hồi 2017, người viết Lược sử tương lai đã ỡm ờ đồng tình với những gì mà Chinazism muốn giam hãm, cai trị hơn 1 tỷ dân Trung Hoa thông qua kiểm soát thông tin cá nhân của họ? Trong khi cực kỳ thông thái mổ xẻ cái chết kỹ thuật và lạc quan với các cơ hội “bất tử” của loài người, tác giả 21 bài học cho thế kỷ 21 lại lãng quên “Trung Hoa mấy nghìn năm theo Binh Pháp Tôn Tử và chỉ có sản xuất giấy, gốm và sự lừa dối” là đáng kể?

Các chính trị gia, nhà quản trị, quản lý sẽ rất thích lắng nghe bài phát biểu vo, khôn ngoan, chuẩn mực, cảm động khác lạ của TT Đức Angela Merkel hôm 18-3.

Trong con mắt của những người yêu nghệ thuật sáng tạo, Virus là một điêu khắc ý niệm siêu nhỏ. Nó thay đổi toàn bộ nhận thức, cảm xúc của loài người về chính họ.

Với những người yêu thích quan sát sự chuyển dịch của vũ trụ, virus cũng như những vì sao trong thiên hà, nó là một phần vốn thế mà hàng tỷ năm qua Chúa trời vẫn mải mê thêm bớt, điều chỉnh, thay đổi rồi kiến tạo theo hướng hoàn thiện vũ trụ này…

Khi thông tin dần được chọn lọc và cô đặc, dường như đại dịch đang cho loài người một cơ hội tuyệt vời để đi chậm lại, tạm dừng lại, nhìn nhận và tìm kiếm những kháng nguyên tốt nhất, để nhìn lại những tội lỗi, tội ác của chính mình trong việc tàn hủy hệ sinh thái tự nhiên rồi ngăn chặn sự lụi tàn của thế giới bằng tất cả những mẫn cảm sinh học.

Làng HỦI- Cách không Ly?

Những kiến trúc điển hình của “làng hủi”

Cũng như đại dịch hạch, lao, tả, sốt rét… Virus Trung Quốc bất ngờ ập đến, tự đi và thỉnh thoảng sẽ quay lại. Như lẽ thường, phải mất nhiều năm nữa con người mới tìm ra phương thuốc điều trị bệnh thay cho điều trị triệu chứng.

Giải pháp tốt nhất, duy nhất của loài người hiện nay với virus Trung Quốc là cách ly, cách ly và cách ly. Các cụm từ cách ly xã hội, tự cách ly, tạm trú và trú ẩn được liên tục lặp lại với tần suất rất cao trên tất cả các kênh thông tin toàn cầu.

Nhưng điều quan tâm nhất với xã hội lúc này đáng lẽ phải là tìm phác đồ điều trị cho virus Sợ Hãi. Thảm họa Sợ Hãi sẽ kéo dài và còn lớn hơn rất, rất nhiều lần thiệt hại về người từ căn bệnh quái ác virus Tàu.

Khi chưa tạm yên lòng với các dự báo, tiên tri của các nhà tương lai học, triết học, sử học, chính trị gia thế giới, tại sao chúng ta không tìm kiếm những lời mách bảo gần gũi hơn?

Hãy thử trở về “làng hủi” Quy Hòa miền Trung, khai quật quá khứ, tìm lại, dựa vào một mô hình đã được kiểm chứng, thực chứng bằng bao mất mát, đau khổ, bi thương?

Cách đây gần 100 năm, bệnh hủi cũng từng đe dọa cuộc sống của rất nhiều người. Da thịt người mắc bệnh thường phát nhọt, lở loét. Khi nặng hơn vết thương lõm vào da thịt. Lông mày  rụng, mắt lồi, lộ ra, thanh quản bị lở nên giọng nói khàn. Người bệnh cũng không còn cảm giác nóng, lạnh và đau. Tình trạng mất cảm giác xuất hiện ở một vài bộ phận trên cơ thể do dây thần kinh bị nhiễm trùng, rất hôi tanh. Sau khi các bắp thịt tiêu đi, gân cốt co làm hai bàn tay co quắp. Người bị nhiễm bệnh thường chịu thành kiến, sự hắt hủi, xa lánh thậm chí bị ngược đãi. Có người bị bỏ trôi sông, chôn sống, bỏ vào rừng cho thú dữ ǎn thịt.

Sự kỳ thị, khinh bỉ, nỗi sợ hãi HỦI còn man dã hơn nhiều lần so với việc chửi rủa N17, N24, xua đuổi người da trắng, người nước ngoài, bỉ bôi người hồi hương, kể cả những gì sắp phải chứng kiến…

Ngày đó, hủi cũng vô phương cứu chữa như virus Tàu.

sách Levi

Văn bản Dead Sea Scroll của Đại học Jerusalem được phát hiện là “giống hệt ” với phiên bản Sách Leviticus đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ

Cha-Maheu-Co-My-va-Hoi-hoc-Phap-Nam-Qui-Nhon

linh mục, KTS Paul Maheu (cố Mỹ) và Hội học Pháp Quy Nhơn

Vậy mà, Chúa trời, Đức tin tôn giáo, Kinh Cựu Ước, từng trang, từng dòng về dịch bệnh trong sách Lê vi, niềm tin vào sự tử tế của con người, tình thương mến đồng loại đã chỉ đường, dẫn lối cho các linh mục, KTS Paul Maheu, Charles Antoine và Ozithe… xuyên rừng, vượt biển, lặn lội tìm kiếm, xây cất bệnh viện và một ngôi làng cho người bệnh hủi. Cả nước hiện có 140 trại cách ly virus TQ, nhưng chưa có một không gian nào đủ nhân văn để bén gót “Làng hủi” xa xưa.

Tuy đã nhiều phần bị hắt hủi, thực sự tàn phế nhưng khi lật tìm từng viên gạch, hàng ngói hay lõi quy hoạch- kiến trúc, các di sản vật chất vẫn chưa kịp bị các virus CS phá hủy, phân hủy thì vẫn đủ nhận thấy đây không chỉ là một tác phẩm quy hoạch, kiến trúc kỳ lạ. Trong vài trăm năm qua, kể cả Hành Thiện, Phước Tích, Tiên cảnh…chưa có một không gian làng Việt nào vừa đậm bản sắc truyền thống lại vừa hiện đại, sang trọng và gần gũi với Mẹ thiên nhiên nhường vậy.

Trong hoàn cảnh cùng cực nghèo khó, chắc chắn là thiếu thốn hơn hiện nay, các linh mục, nữ tu (Ma souer), bác sỹ, bệnh nhân đều chắt chiu từng vật liệu, chất liệu nhỏ nhất để kiến thiết thiên đường riêng cho chính mình. Nhà thờ thấp hơn hàng dừa. Bệnh viện lớn hơn nhà thờ. Nhà ở gần biển hơn.  Vườn lớn hơn nhà. Cây nhiều hơn đồ. Hàng hiên là rộng nhất.

Mỗi con đường, hàng rào, hàng cây, vườn cây, hàng hiên, vườn tượng, nhà thờ, bãi biển… đều thơm sạch.

Mỗi ô thoáng trên mặt tiền, mỗi tấm kính trên cửa xoay ngoài hàng hiên nhà thờ đều không đơn thuần chuyển tải các câu chuyện huyền thoại hay biểu tượng của Thiên Chúa. Trước khi nhà thờ trở thành một không gian thiêng, từng chi tiết đều giúp cho căn nhà chung, kiến trúc miền nhiệt đới luôn thoáng, mát và tỏa sáng. Không gian sinh hoạt chung đều rất mở, tường vách, hàng rào rất linh hoạt, kết tạo bởi các vật liệu thông gió kết hợp trang trí.

Làng, chốn ở, nơi chữa bệnh không chỉ dừng lại là một hằng số văn hóa cộng đồng. Đó còn là một cơ thể sống tràn đầy sinh lực. Nơi đâu cũng đều dễ thấy dấu ấn, biểu tượng của sự ngợi ca, vinh danh con người, Thiên Chúa.

Esculape- Hippocrates- Louis Pasteur – Alexandre Émile Jean Yersin

Vượt qua những khó khăn cùng quẫn hồi thập kỷ 80, những cư dân “Làng HỦI” còn dựng lên vườn tượng độc nhất vô nhị nhằm ngợi ca, tôn vinh những thầy thuốc, các nhà bác học đã xả thân vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân loại.

Đó là Esculape – con trai của thần Appolon, ông tổ của ngành Y dược; Hippocrates cha đẻ của Y học và là người thầy thuốc vĩ đại nhất lịch sử thời Hy Lạp cổ đại; Heinrich Hermann Robert Koch (1843-1910) bác sĩ và nhà sinh học người Đức, người đã tìm ra trực khuẩn bệnh than (1877), trực khuẩn lao (1882) và vi khuẩn bệnh tả (1883), một trong số những người đặt nền móng cho vi khuẩn học; Charles Louis Alphonse Laveran (1845 –1922) bác sĩ người Pháp đã phát hiện nguyên nhân gây ra bệnh sốt rét; Louis Pasteur (1822 –  1895) cha đẻ của Vi sinh vật học, người  phát hiện về các nguyên tắc của tiêm chủng đã cứu sống biết bao con người; Alexandre Émile Jean Yersin (1863-1943) bác sĩ y khoa, nhà vi khuẩn học người Pháp, người đồng phát hiện ra trực khuẩn gây ra bệnh dịch hạch…

Làng Hủi cũng khiêm tốn dành cho bệnh nhân, thi sỹ Hàn Mạc Tử một không gian riêng. Ngày xa, nơi đó, trong những cơn đau vật vã, Hàn Mạc Tử- người chỉ muốn tìm sự bình an trong đêm lạnh- hàn mạc. Có thể thấy rõ điều này khi nghe nhà thơ điên loạn dịu dàng rao bán trăng: “ai mua trăng tôi bán trăng cho”. (Bệnh nhân hủi thường rất đau đớn trong những đêm trăng sáng).

Cũng như “Làng hủi”, cuộc đời, sự nghiệp và cách xuất hiện của những nhân vật kỳ lạ trên mách bảo rất nhiều điều về các quy tắc mới để xử lý đại dịch trong hiện tại và bộ quy tắc ứng xử với các thảm họa khác trong tương lai.

Với thông điệp lớn nhất- mọi không gian, mọi cách ứng xử đều là vắc xin, là dược phẩm của thể xác và linh hồn, vượt qua mong muốn ban đầu, “làng hủi” không còn là một bãi biển hoang, trại cách ly, nơi nuôi dưỡng dịch bệnh tủi nhục, cô đơn, bất hạnh.  Làng HỦI không tự cách ly, nó kết nối với phần còn lại của nhân loại theo một cách chưa từng và không quá khó để nhận thấy.

Khi không còn quay lưng với sự kỳ thị, khinh bỉ, rẻ rúng, kinh hãi của đồng loại, khi trở thành một không gian chữa bệnh an toàn, không gian sống an tĩnh, làng HỦI trở thành ngôi nhà tuyệt đẹp của Chúa, thiên đường ngay chốn trần gian. Chính nơi đây, con người bình thản, an nhiên vượt qua sự đe dọa của bệnh dịch,nỗi đau đớn thể xác, cái chết. Hơn thế, họ chiến thắng nỗi sợ hãi.

2 (3)

 Nhà lưu niệm của Hàn Mạc Tử

Nhà thờ Quy Hòa- Ngôi nhà của Chúa- Điểm nhấn tuyệt đẹp của tình người thương mến!

HN 20-3-2020

Ghi chú:

20160804_163405 0

Một Bộ trưởng hủi lậu, vô duyên, vô dạng, vô liêm xỉ cũng cố “ngạo nghễ” chen thân vào vườn tượng danh nhân ngành y?

Việc làm này có khác gì những phản ứng chậm trễ vô lối, vô cảm của trọng, những chỉ thị thiếu chuẩn mực của phúc hay các phát ngôn bất cẩn đến ngớ ngẩn của đam?

75 năm qua, đó là một chuỗi những hiện tượng nhằm xây dựng bộ quy tắc ứng xử rất xa lạ với chuẩn mực của loài người?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đại dịch, Hỏa Ngục và Ký sinh Trùng

4 (4)

Cái chết của Nô-ê-  tranh trên mái vòm Nhà thờ San Lorenzo, Florence  của Pietro Benvenuti (1828-1837)

Đại dịch, chiến tranh, nhân tai, thiên tai, các thảm họa luôn là một phần vốn thế của trật tự vũ trụ này. Trong các biến cố đó, bên cạnh việc phơi bày bao điều xấu xa, nguy khốn, sợ hãi, con người còn có muôn vàn cơ hội để tự nhìn lại mình, tồn sinh, trưởng thành, tiến hóa.

Ít ngày sống chung với đại dịch cúm Vũ Hán- cúm Tàu, trong từng stt trên Fb, từ mỗi đoản văn, ghi chép của một vài KTS, lại có thể thấy rất rõ vết dấu quá khứ, chân dung hiện tại, tương lai người viết và cả những biến hình của nó trong các bản thiết kế?

Trốn tìm trong đại dịch?

4 (2)
Phán quyết cuối cùng của Pietro Benvenuti (1828-1837)

Khi những diễn tiến của dịch cúm Vũ Hán ngày càng càng phức tạp và nguy hiểm, cũng như nhiều người, tôi hạn chế ra khỏi nhà. Phần nhiều thời gian tôi lên mạng Fb, đọc lại thảm họa dịch hạch Cái chết đen, xem lại phim Hỏa ngục, Ký sinh trùng và Thần khúc của Dante.

Trong một lộ trình kéo dài 8 thế kỷ, không phải vô tình những tác phẩm thơ ca, văn học, hội họa, điện ảnh như đều có chung một kịch bản, cùng thiết kế. Đó là những không gian chìm khuất, khó nhận dạng, dung chứa nhiều li kỳ, bí ẩn, nguy cơ, hiểm họa, ghê gớm, choáng ngợp. Từ điều nhỏ bé đến một phối cảnh vô cùng to lớn đều hướng đến, chiếu soi mọi ngóc ngách cơ thể để làm nổi bật con người trong lúc đối diện với cái chết, đi tới tận cùng thảm họa, bi kịch, bất hạnh, đau khổ.

Ở một hướng ít ngờ nhất, tất thảy đều trở thành những chiều kích làm tăng quỹ vốn sợ hãi của con người. Có lúc cảm tưởng Fb gần với bản tin ngày tận thế. Vài lúc, khi mọi tín hiệu của niềm tin đều mất sóng, văn học, điện ảnh chỉ như một loại cồn xoa tay. Nó không kết nối được gì nhiều, không tẩy rửa được bao nhiêu dấu vết hiểm nguy ngay khi làm lạnh hơn những bàn tay đang run rẩy. Các cánh cửa có hình hài loại khẩu trang than hoạt tính 4 lớp. Chúng khép chặt, ngăn cách mọi người với phần còn lại của cộng đồng .

Trong một khí quyển tinh thần khá u ám, chưa hoảng loạn nhưng nhiều bất lực, lo sợ, tôi chợt đọc những điều em nghĩ ẩu, viết sai trên Fb.

Khi thông tin không đầy đủ, không minh bạch hoặc đã bị điều chế theo một hướng khác với sự thật, em văng lời tục tĩu, mắng chửi những người dân hoảng loạn, những người dân đen yếm thế đang bám víu bất kỳ điều gì dù chỉ để tự trấn an. Em vừa chê bạn bè ngu dốt vừa khuyến cáo mọi người nên tin vào… chính quyền- những điều vốn không còn gì đáng tin, những biến thể mới của Người- Virus? Mấy hôm sau, như hối lỗi, em chia sẻ một bài vè trần trụi sự thật được chuyển tải bằng ngôn từ thô tục, ngổn ngang tuyệt vọng…

Hàng nghìn năm qua, con người luôn phải đối diện với biết bao dịch bệnh, thảm họa. Như không ít người lo lắng, hoảng sợ, em hoàn toàn bất cẩn, vô ý, vô tình, vô thức khi biến từng câu nói, cử chỉ, hành xử của mình trở thành một loại ký sinh trùng, virus mới khó lường, nguy cơ lây nhiễm cao, dễ đột nhập, xâm chiếm và tàn phá cơ thể dư luận xã hội?

Tôi nhắm mắt lại, không khó hình dung, mường tượng những công trình mà em thiết kế. Tôi rùng mình khi thấy hình ảnh, phối cảnh, ý tứ, ngữ pháp, câu chuyện và không gian kiến trúc cứ như hình với bóng với ngôn từ, câu chữ, thái độ của em.

Em toàn thiết kế nhà cho các đại gia. Những bản thiết kế mà em yêu thích thì gần như không có gì mới, không thoát được sự sao chép từ những khối hình cũ kỹ như máy ở của Le Courbusie. Những ban công hướng nội, lạ hóa về hình thức chỉ nhang nhác sự bế tắc. Những tường, vách, cửa kính rất lớn, cho người giàu có, kiểu Ludwig Mies van der Rohe chỉ tạm phù hợp với khí hậu ôn đới châu Âu, cơn cớ gì lại hiển hiện ở ngôi nhà miền Trung đầy nắng thừa gió. Đừng đẩy chữ Mies trong tên riêng của KTS lừng danh này theo một nghĩa quá tệ?

Quê em có nhiều kiến trúc “trùng thiềm” – một giải pháp tuyệt hay để thích ứng với khí hậu nóng ẩm hay giá lạnh. Vì sao công trình của em lại có những mái dốc lớn đến phi lý. Em biến THIỀM bộ MỘC ( mái, hiên) thành Thiềm bộ NGÔN cần hiểu là nhiều lời, mê sảng? Trên những khu đất rất rộng, ở mặt tiền có chỗ đỗ xe o tô chật hẹp, bí bức và chỉ tiện cho khí thải xộc thẳng vào phòng khách ngợp đầy thiết bị nội thất đắt tiền.

Em từng lớn tiếng khinh chê, xỉ mắng một VTN (KTS trẻ háo danh, có nhiều giải thưởng thế giới từ những kiến trúc giả, lấy cây làm họa phẩm để tô quệt màu xanh cho công trình, thiết kế khiến chủ nhà lâm bệnh, phát điên). Nói như kiểu người miền Trung, sao tôi thấy trong nét vẽ, câu chữ và các bản thiết kế của em lại quá ngạo… nghễ?

Tiếc nhất là không thấy nhiều trong em, trong công trình em chủ trì những kiến thức, tri thức hay chuỗi lớp giá trị mà một trường ĐH lớn, một trung tâm khoa học danh giá của Tokyo, của Nhật Bản đã dày công tích lũy, kết nối, truyền thụ và chuyển giao cho sinh viên.

Mùi banchiha và 9 tầng phản tỉnh

1

Vực Địa ngục của Sandro Botticelli

Xem Ký sinh trùng của Bong Joon-ho, tôi muốn cùng em vượt banchiha- nhà hầm nửa chìm, nửa nổi, thoát căn hầm sâu trong biệt thự sang chảnh của KTS Nam goon. Từ những nơi chốn tối tăm nhất, nơi bài tiết cao hơn bàn thờ, nơi kết nối với bên ngoài bởi tín hiệu ánh sáng giả lập được gõ, ấn từ những cái đầu be bét máu… Từ nơi chốn bất ngờ nhất, các ký sinh trùng có thể dần thoát ra khỏi nơi trốn trú để tiêu diệt thân chủ.

Trong khi đang khá vất vả, lao tâm, khổ tứ đi tìm những cái mới lạ, một giải thưởng lớn như Oscar đã ngửi thấy từ những tầng ngầm của Parasite- Ký sinh trùng một thứ mùi thực sự thời thượng. Thứ mùi từ Đông hay Tây, Âu hay Á, bất kỳ ai, từ tất cả các nhân vật, không kể giàu nghèo, sang hèn đều có thể là một loại ký sinh trùng đang loay hoay, bấn loạn, cùng quẫn trong chuỗi sống.

01

Florence nhìn từ Quảng Trường Michelangelo

5a                  5

Cầu Ponte Vecchio, Florence

Không đi vào lịch sử điện ảnh với chuỗi giải thưởng Oscar danh giá, nhưng, hơn hẳn Ký sinh trùng, Hỏa ngục của Dan Brown thu về hơn 220 triệu Mỹ kim thu và tưng bừng đút túi 140 triệu tiền lời. Dan Brown đã rất công phu để khắc họa một cuộc chiến ngăn chặn một thứ vũ khí sinh học có thể đẩy thế giới đến cuộc tuyệt chủng lần thứ 5.

Không phải tự nhiên Dan Brown lấy bối cảnh GS Langdon gặp tai nạn trên cầu Ponte Vecchio huyền thoại. Florence, quê hương Dante và Sandro Botticelli không chỉ là ẩn dụ để khắc họa lại đại dịch. Cái chết đen từng đến từ Trung Quốc hồi giữa TK 14 đã tàn hủy phần lớn châu Âu, hơn 200 triệu người, 1/3 dân số đã chết, trong đó, Florence thê thảm nhất, thành phố chỉ còn lại 1/3 dân số.

Dan Brown đã tìm được bao nhiêu chất liệu để dẫn dắt, lôi cuốn, thắt cởi, đóng mở những biến cố, kịch tính, bi kịch từ nguồn mạch lớn của Thần khúc, Vực Địa ngục, 9 tầng địa ngục của Dante.

Đó là tầng Limbo (U Minh). Tầng Lust (Nhục Dục). Tầng Gluttony (Phàm Ăn). Tầng Greed (Tham Lam). Wrath (Thịnh Nộ). Tầng Heresy (Dị Giáo). Tầng Violence (Bạo Lực). Tầng Fraud (Gian Trá). Tầng Traitors (Phản Bội). Và ngay sau Địa ngục còn đó Luyện ngục, nơi con người thẩm nhận tận cùng nỗi sợ hãi rồi tự tin hơn, mau bước tới, vươn tới giấc mơ, khát vọng Thiên đường.

Và ngay sau Địa ngục, còn đó, Luyện ngục, nơi con người thẩm nhận tận cùng nỗi sợ hãi rồi tự tin hơn, mau bước tới, vươn tới giấc mơ, khát vọng Thiên đường.

Như một lời nhắn nhủ

84044784_10221882017458309_620230437599444992_n

Trên trang của mình, Marco De Angelis một họa sỹ người Ý có đăng Real  virus? Trong tác phẩm đó, con virus Vũ Hán đang dùng kính hiển vi để phóng đại, phóng chiếu thảm trạng của con người. Nó kinh hãi, trố mắt, lè lưỡi khi quan sát và phát hiện Trái đất như là một cơ thể sống và con người chính là nhung nhúc virus có thể quật ngã, giết chết, tàn hủy thân chủ, môi trường sống của chính nó? Dường như họa sỹ run rẩy đặt câu hỏi: Real virus? Có phải con người cũng thực sự là một loài virus?

Chẳng phải chính Hỏa ngục và Ký sinh trùng giành giải thưởng,  đoạt phần thưởng lớn vì nó cùng cách nhìn, tầm nhìn với Marco De Angelis khi truyền đi một chuỗi những thông điệp: Đại dịch lớn nhất chính là khi con người đã biến thái thành một vi trùng có hình hài khác, một chủng virus mới? Biến thể Người- Virus đều rất khó khăn hoặc mất dần kỹ năng ngửi, tự cảm nhận bản thân, luôn bất cẩn với chính mình? Đại dịch chính là sự trừng phạt không tránh khỏi, là sự phản tỉnh? Đó cũng chính là môi trường để thúc đẩy con người tìm kiếm chất kháng nguyên, thúc đẩy kháng thể miễn dịch.

8

Niccolò Machiavelli- triết gia, chính khách ý- phác thảo của Michelangelo

Hãy cẩn trọng trước mọi loại virus, hãy cố vượt lũy tre làng, vượt chính mình, ghé Nam Hàn, trở lại Florence.

Sau thế kỷ 14, đi qua đại dịch Cái chết đen, Triết gia, chính khách Niccolò Machiavelli từng nhắn nhủ: “ Như tất cả những gì mà kẻ cai trị khôn ngoan phải làm, người La Mã đã đối phó với không chỉ những rắc rối hiện tại mà cả những vấn đề có thể phát sinh hoặc vô tình sa vào trong tương lai.  Như các bác sĩ thường nói khi căn bệnh được phát hiện sớm nó có thể dễ dàng khắc phục. Để bắt đầu, thường là khó chẩn đoán nhưng dễ chữa; sau một thời gian nó trở nên dễ chẩn đoán nhưng khó chữa hơn. Nếu bạn chờ đợi nó xuất hiện, bất kỳ loại thuốc nào cũng sẽ quá muộn vì có những căn bệnh sẽ trở nên vô phương cứu chữa”.

Đó cũng chính là cách mà chúng ta cần sống và vượt qua đại dịch hay căn bệnh khó chữa của chính mình.

2 (2)                            2 (3)

2 (4)

Cổng nhà nguyện Baptistery, được Michelangelo gọi là Cổng thiên đường- tác phẩm miêu tả về những bối cảnh trong Cựu Ước của Lorenzo Ghiberti ( 1425 và 1452) .

HN 25-2- 2020

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Những con đường Khải Hoàn

Paris là một đô thị của những con đường khải hoàn. Tâm điểm con đường là Trục lịch sử- Axe historique. Nơi đây, người Pháp chào đón một năm mới cùng những sự kiện, lễ hội lớn nhất trong năm. Nơi đây ghi khắc, lưu dấu, tái hiện bao chiến thắng ngoạn mục, những đóng góp phi thường, tôn vinh khát vọng phát triển, thịnh vượng, hòa bình, nhân văn của nước Pháp. Vinh danh Paris, mặc khải  quyền năng của sự sáng thế, theo cách ngắn gọn, cô đúc, giàu hình ảnh và nhiều cảm xúc suy tưởng hơn, người đời  gọi đó là Kinh đô Ánh sáng.

1 (2)
Phải bay lên rất cao, hướng về các quận trung tâm ở phía Tây, thành phố hiện ra bởi tổ hợp rất nhiều đại lộ thẳng tắp, lớn, rộng, cổng chào đột khởi, các dãy nhà cân đối, ngăn nắp, đồng nhất, quảng trường hoành tráng, đường đi dạo lãng mạn, công viên kỳ thú, rừng cây xanh ngát, hoang sơ.

Giao cắt của những đại lộ, con đường lớn đã tạo hình rất nhiều vì sao, vệ tinh mà Place de l’Étoile là hành tinh trung tâm, nổi bật, hội tụ và lan tỏa. Khi gọi tên mỗi địa danh, chạm vào những hào quang này, người ta gặp lại, cảm thấy, thấu thị những sự kiện làm thay đổi trật tự thế giới, những con người từng kiến tạo nên những trang mới trong tiến trình phát triển của châu Âu và nhân loại. Hơn 3 thế kỷ qua, không chỉ khi bầu trời về đêm, thành phố lên đèn, trên trục lịch sử, từ mọi phối cảnh văn hóa, các con đường luôn bừng sáng, rạng rỡ, lấp lánh.

 

Place de l’Étoile – Quảng trường ngôi sao

1 (1)    DwJ-mGVWsAAXeWT

So với Quảng trường Charles-de-gaulle, tên gọi hiện nay, Place de l’Étoile là một di sản vật thể dễ nhìn thấy, gần với cái trực cảm, nó dẫn dắt, gợi mở cảm hứng về một không gian lớn rộng hơn trong mỗi bước đi, từng dịch chuyển và sự thay đổi.

Không ai có thể hiểu Paris khi chưa đi xuyên qua Trục lịch sử- Axe historique với hàng trăm cung điện, đền đài, khu vườn cổ tích bên dòng sông Seine huyền thoại.  Không ai có thể chứng tỏ là mình đã đến Paris khi chưa đặt chân đến 12 con đường lớn, các Đại lộ Grande Armée, Charles de Gaulle, Champs-Élysées, Foch, Victor-Hugo, Carnot, Wagram, Khải Hoàn Môn
Đó là các đại lộ mang tên Foch Carnot, Jean-Baptiste Kléber, François Séverin Marceau-Desgraviers, Lazare Hoche, những chiến tướng quả cảm trong đoàn quân Napoleon. Đó là con đường mang tên Grande Armée, đội quân, các tập đoàn quân hùng mạnh nhất được huy động trong lịch sử chiến tranh quân sự. Con đường Wagram – chiến thắng trận mạc của một thiên tài quân sự vĩ đại bậc nhất trong lịch sử nhân loại, người đã tạo ra và là chủ nhân một đế quốc trải rộng khắp miền tây và miền trung của châu Âu. Đó là con đường mang tên  trận chiến Iéna, nơi mà Hegel nhận thấy sự cáo chung của thời “tiền sử” và xã hội loài người đã thúc đẩy tiến hóa tới “trạng thái đồng nhất, phổ quát”. Với đại lộ V. Hugo, đồng hành với nhà văn vỹ đại, mỗi người có thể tìm thấy từ mỗi con chữ để khai mở “cuộc hành trình từ ác đến thiện, từ bất công đến công bằng, từ giả đến thật, từ bóng tối đến ánh sáng”.

2001.67_o2        DSC02092 a        DSC02120a         DSC02121a

 

Cuối cùng, trên Con đường khải hoàn không thể quên Đại lộ Champs-Élysées. Mỗi năm, nơi đây tổ chức các sự kiện, lễ hội quan trọng nhất của Paris, như Duyệt binh ngày 14 tháng 7, chặng cuối của cuộc đua xe  Tour de France… Champs-Élysées có nhiều cửa hàng, quán cà phê, rạp hát sang trọng, thu hút hơn100 triệu lượt du khách mỗi năm. Hơn thế, đúng như tên gọi từ xa xưa, từ cánh đồng Elysian, Élysées mở ra những tầm nhìn vượt thời gian để chạm tới thiên đường dành riêng cho những nhân vật anh hùng trong thần thoại.

 

Ngôi sao Haussman và di sản Haussmannian

0000000993L         hinh-18

Cách Khải hoàn môn không xa, nối dài theo đại lộ Friedland là Boulevard Haussmann, con đường mang tên KTS, người từng xóa bỏ, thay đổi và kiến tạo để Paris có dáng vóc, tầm vóc như ngày nay.

Cải tạo Paris thời Đệ nhị đế chế của Haussmann thực sự tạo nên Haussmannia, một di sản văn hóa khổng lồ. Đó là một đại công trình quy mô lớn, bao gồm việc phá hủy những khu phố thời trung cổ đông đúc, chật chội và không lành mạnh; xây dựng các đại lộ rộng lớn; công viên và quảng trường mới; mở rộng nội đô ra vùng ngoại ô và việc xây dựng các hệ thống ống dẫn nước, đài phun nước và cống mới.

Không nghi ngờ gì, giữa thế kỷ 19, trung tâm thành phố Paris vẫn giữ nguyên quy hoạch có từ thời Trung Cổ. Thành phố thể hiện sự tương phản giữa công trình kỳ vỹ, tượng đài xa hoa bên cạnh các khu nhà ổ chuột dột nát. Những con đường nhỏ hẹp gây khó khăn cho lưu thông và những ngôi nhà chen chúc trong các khu phố bẩn thỉu. Mật độ dân số một vài quận trung tâm lên tới gần 100.000 người trên một km².

Voltaire từng phàn nàn: Paris “được thiết lập trên những con đường hẹp, bẩn thỉu, ô nhiễm và hỗn loạn.” Ngày đó, thành phố thê thảm gần như những gì V.Hugo mô tả cường điệu trong các tác phẩm văn học của mình. Nếu đọc Balzac, người ta sẽ thấy hầu hết các nhân vật chỉ di chuyển trong khu nhà ở, hai hoặc ba con phố nhỏ.

Trong Lễ kỷ niệm 100 năm ngày mất của Haussmann, tại bảo tàng Orsay, một nhà sử học nói rằng: “Không có khả năng đi thẳng từ phía Nam đến phía Bắc thủ đô, cũng không có cách nào để đi từ Đông sang Tây. Người ta không ngừng bị ngáng chắn, vấp ngã, bởi khu ổ chuột, doanh trại hay những ngôi nhà, không phải lúc nào cũng đẹp,… vấn đề giao thông thật điên rồ! “. Paris cũng từng mắc dịch tả thảm khốc năm 1842 làm chết 19.000 người. Ngày xa đó, người dân, Haussmann, Napoleon III chỉ mong sao Paris “lưu thông phương tiện, lưu thông vốn, lưu thông không khí, lưu thông người dân… ”

franz-xaver-winterhalter-portrait-de-lempereur-napoléon-iii  Napoleon III and Maxilian of Mexico in the Tuileries Garden

Napoleon III và Quốc vương Mexico trong vườn Tuileries ( tranh William Bouguereau)

 

Vua Napoleon III là ” người đầy tham vọng, nghệ sĩ mơ mộng “. Từng sống ở Mỹ, Anh, Napoleon III rất ngưỡng mộ các quốc gia này bởi những đột phá tuyệt vời về kiến trúc, về kích cỡ, biên độ của những con đường rộng, công viên lớn, cuộc sống thì sạch sẽ, vệ sinh hơn rất nhiều.

Năm 1852, Napoleon III từng nói với mọi thần dân: “Paris là trái tim của nước Pháp. Chúng ta hãy nỗ lực để tôn tạo thành phố tuyệt vời này. Chúng ta hãy mở những con đường mới, làm cho các khu dân cư lao động có đủ không khí, ánh sáng và trở nên lành mạnh hơn. Hãy để mặt trời tỏa sáng đến mọi nơi trong từng bức tường của chúng ta ”

Napoleon III lựa chọn, giao nhiệm vụ cho Haussmann-“người có thể biểu đạt mọi ước muốn của ông thành hiện thực”.

Trong khoảng thời gian từ năm 1852 đến năm 1870, thay vì quy hoạch từng khu vực và cải tạo dần dần, Haussmann đã nỗ lực thực hiện một đồ án tổng hợp và toàn diện. Trong 18 năm điều hành, Haussmann chi 2,5 tỷ francs, huy động 70.000 lao động.
Haussmann phá hủy Paris trước thế kỷ 17 như thể có một tình trạng khẩn cấp buộc phải làm như vậy. 117.000 căn bị phá bỏ, trong đó có chính tòa nhà nơi Haussmann sinh ra.

Có nhiều nhà văn đương thời khóc than:”Paris không còn nữa, thành phố thay đổi quá nhanh và nó giống như trái tim của một kẻ phàm tục, bệnh hoạn”. Haussmann đã “tàn phá Paris bằng súng máy “. Một người yêu thích kiến ​​trúc thời trung cổ như Victor Hugo cũng trở thành kẻ thù của sự… hủy diệt.

3 (10)

Gạt qua mọi trở lực, trong nỗ lực nâng cao chất lượng sống cho Paris, ưu tiên hàng đầu của Haussmann là hệ thống giao thông của Paris được hoàn thiện bằng việc xây dựng các trục Đông-Tây và Bắc-Nam xuyên thành phố và hoàn thành đại lộ vành đai. Boulevard thường là những đường vành đai rộng, có chức năng cải thiện môi trường, mang ánh sáng, không khí và cây xanh cho đô thị. Avenue là những đại lộ thẳng có chức năng thiết kế đô thị, kết nối các công trình mang tính biểu tượng. Các đại lộ, giao lộ cũng tạo nên nhiều quảng trường mới như ÉtoileLéon-BlumAlma hay Cộng Hòa  …

Tiếp theo hạ tầng giao thông là cải tạo, nâng cấp, làm mới 500km cống. Cấu trúc lại hệ thống dẫn nước cách xa thành phố được với hai nguồn nước suối để uống và nước sông để dùng cho vệ sinh. Haussmann viết lại: “Dưới lòng đất là một phần của thành phố lớn. Không có ánh sáng ban ngày,nó hoạt động như một bộ phận của cơ thể con người. Nước sạch, trong lành lưu thông và duy trì nhịp sống, các chất thải được lấy đi một cách cẩn trọng và không làm xáo trộn hoạt động tích cực của thành phố và không làm hỏng bề ngoài đẹp đẽ của nó ”

3 (8)  3 (6)    3 (7)

Những quy chuẩn kiến trúc Haussmann vẫn hiện tồn

Về kiến trúc, Haussmann áp đặt các quy định, tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt về kích thước và trật tự của ngôi nhà, giới hạn chiều cao đồng nhất, kiến trúc cao tối đa là 6 tầng. Kiến tạo phối cảnh mới cho Paris, dự án khổng lồ của Haussmann đã xây hàng loạt công trình mới. Nhà hát Opera Paris, năm trường trung học, tái thiết và mở rộng Hôtel-Dieu de Paris, bệnh viện lâu đời nhất của thành phố, hoàn thành phần cuối cùng của Bảo tàng Louvre;  xây dựng các công trình tôn giáo như Nhà thờ Saint-Eugène (nay là Nhà thờ Saint-Eugène-Sainte-Cécile), Nhà thờ Chúa ba ngôiNhà thờ Saint-Ambroise và Nhà thờ Saint-Augustin; xây dựng cây cầu đường sắt đầu tiên băng qua sông Seine, xây dựng hai nhà ga đường sắt mới, xây chợ Les Halles,  xây dựng 34.000 tòa nhà, với 215.300 căn hộ chung cư mới…

Để “giải độc” cho thành phố, Haussmann thiết lập 1800 hecta công viên công cộng có quy mô lớn, 24 công viên nhỏ trong các khu dân cư  khắp Paris. Công viên Bois de Vincennes lớn nhất Paris. Công viên Boulogne mô phỏng Công viên Hyde ở London, rộng hơn gần 3 lần Công viên Trung tâm New York. Công viên Chaumont lấy cảm hứng từ Đền VestaTivoli, Ý . Công viên Buttes-Chaumont, được hoán chuyển từ một mỏ đá thạch cao thời Trung cổ, một kinh đô của chuột.

Hơn hai thế kỷ qua, Haussmannian là nguồn cảm hứng, và đã ảnh hưởng sâu sắc tới quy hoạch ở một số thành phố như Rouen, DijonAngers,LilleToulouseAvignonMontpellier,ToulonLyonNimes, Marseille và một số thành phố vệ tinh như Issy-les-Moulineaux hay Puteaux. Haussmannian cũng để lại dấu ấn rất rõ nét ở BrusselsRomeBarcelonaMadridStockholm, Istanbul, Cairo, Bucharest và các thuộc địa như Algiers, Việt nam.

Trước những di sản vỹ đại của Haussmann, giới quy hoạch thế giới nhìn nhận ông là người mở đường cho quy hoạch và xây dựng đô thị hiện đại, đặt nền tảng phương pháp luận và tiếp cận không gian đô thị như là đối tượng của khoa học ứng dụng, là người đầu tiên nhìn nhận các mối liên hệ cơ bản nhà ở, giao thông, chính trị. Cũng trong đồ án cải tạo Paris của Haussmann, lần đầu tiên chúng ta thấy một sự dịch chuyển từ quy hoạch thiên về thiết kế thị giác sang quy hoạch lấy kinh tế, xã hội và môi trường  làm trung tâm.

Paris có 6.000 đường, phố, đại lộ. Không tính các con đường trong rừng.

Tổng chiều dài: khoảng 1.700 km

Tổng diện tích: khoảng 26.500.000 m² (chiếm 25% diện tích không gian Paris)

382 đường công cộng cho người đi bộ hoặc hạn chế giao thông, dài khoảng 42,5 km, rộng khoảng 302.800 m2

10.750 giao lộ

479 quảng trường

1.558 giao lộ là quảng trường.

Đại lộ Foch, rộng nhất Paris: rộng 120 m.

1 (5)  La Résistance de 1814 ,  kỷ niệm cuộc kháng chiến của Pháp cùng với quân đội đồng minh trong cuộc chiến của Liên minh thứ sáu (điêu khắc Antoine Étex ) .

1 (8)
Hòa Bình- La Paix de 1815 , kỷ niệm Hiệp ước Paris (điêu khắc Antoine Étex )

1 (4)
Chiến thắng Alexandria, Ai Cập ngày 3 tháng 7 năm 1798

1 (9)
trận Arcole

2 (1)

Kim tự tháp kính của I.Pei, điểm khởi đầu của Con đường Khải hoàn

Khải hoàn môn Arc de Triomphe

Hệ thống hạ tầng ngầm TK19, tư liệu Bảo tàng Orsay

3 (9)

Một thiết kế của Kỹ sư Alphand một cộng sự đắc lực của Haussmann

Dấu ấn thay đổi của Paris trong các tác phẩm hội họa Ấn tượng của

4 (1)

Nhà hàng de la Sirène, Asnières của Vincent van Gogh (1887)

4 (2)

Cảng Marly của Alfred Sisley( 1872)

Cầu Argenteuil của Claude Monet( 1873 and 1874) và Bữa trưa trên cỏManet Edouard (1863)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bernini và Vatican

f

h

Quảng trường Thánh Peter  Vatican và kiến trúc của Bernini

 

Lần đầu tiên đứng trước Vatican, thú thực, tôi bối rối, choáng váng, ngây ngất.

Phải mất một lúc lâu tôi mới hồi tâm và tự hỏi: Để… chạm khẽ vào thành phố nhỏ bé nhất thế giới nhưng tầng tầng lớp lớp những tuyệt phẩm kiến trúc, điêu khắc, hội họa, trang trí nội thất thì nên bắt đầu từ đâu, thời đại, công trình, tác phẩm nào, của ai…?

Những câu hỏi không nhỏ này cứ đeo đẳng mãi ngay cả khi tôi đã dời xa miền đất mà bất kỳ ai cũng bảo rằng: Mọi con đường trên thế gian này đều dẫn đến thành Roma.

Tình cờ, một lần ghé qua quán ăn Ý trong một khu đô thị mới của Hà Nội. Thật buồn, ngay phía sau lưng tôi là chú ngựa tung bờm được chép lại từ điêu khắc “Vua Louis XIV cưỡi ngựa” đang đặt ở Cung điện Versailles, Pháp. Khuất lấp bởi hàng ghế cao là cái tên từng khiến bất kỳ ai yêu quý Vatican, Roma- trung tâm nghệ thuật thế giới đều phải sửng sốt, kinh ngạc, khâm phục: Bernini!

Có điều gì mách bảo, dù chỉ bằng tâm tưởng, ký ức, hồi nhớ, hãy trở lại ngay Vatican huyền thoại.

Bay cùng Cupid

a

Tranh tường Thiên thần và những câu chuyện ẩn dụ khi lý giải về Kinh Thánh của Thánh Augustine 

Tôi nhớ lại cảm giác như được các thiên thần bé nhỏ gọi mời, nâng đỡ, dìu dắt rồi cùng bay lên trên khoảng không rộng lớn của Vatican. Tôi như vượt qua mái vòm huyền thoại, lướt trên khu vườn Giardini Vaticani cổ tích rồi lang thang, treo mình trên những bức tranh tường…

Khi bay cao trên bầu trời Roma chẳng hiểu vì sao tôi lại nhớ về Florence, Tuscan. Cùng đến từ xứ sở lạ kỳ này để kiến tạo một Vatican huyền thoại, Leonardo và Michelangelo thì quá vỹ đại. Phần lớn di sản hội họa của Sandro Botticelli, và Rafael, … thì vẫn lơ lửng trên tường, trần, cao và xa quá. KTS Donato Bramante thật đáng nể nhưng dấu ấn của ông chưa thực sự tạo nên những kết nối, chuyển tiếp của Thời đại Phục hưng như Baroque. Những tác phẩm kiến trúc nổi tiếng nhất của Filippo Brunelleschi chỉ dừng lại ở quê hương…?

Đang lúc phân vân, do dự, cân nhắc, lựa chọn, hình như chính những cậu bé Cupid, Eros, thiên sứ bé nhỏ, có đôi cánh hồn nhiên, những mũi tên yêu cảm tính, không chút toan tính, con trai của Mars và Venus đã đến và thì thầm bên tai tôi: Gian Lorenzo Bernini!

Theo mách bảo đó, tôi chợt nhớ rằng mình mới chỉ vội vã lướt qua Apollo và Daphne của Bernini ở bảo tàng Louvre, Paris. Tôi chưa kịp đến Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York để trực cảm, chiêm ngưỡng Thần dê bị các thiên thần trêu chọc (1562-1629)- một tác phẩm siêu phàm, không tưởng về giải phẫu đá. Tôi không đủ thời gian đến Santa Maria della VittoriaRome để thưởng lãm The Ecstasy of Saint Teresa- Sự bàng hoàng của Thánh Teresa-  tuyệt phẩm của nghệ thuật Baroque trong Nhà nguyện Cornaro, St Mary of the Victory. Tôi mong sẽ một lần được diện kiến  The Goat Amalthea with the Infant Jupiter and a Faun- Dê Amalthea với thần Jupiter và thần Rừng- tác phẩm được Gian Lorenzo Bernini thực hiện vào khoảng giữa năm 1609 và 1615 khi ông mới 8 tuổi và hiện nằm trong Bộ sưu tập Borghese tại Galleria Borghese … 

 

Bù lại, trước Vatican, sự nghiệp vỹ đại của Bernini hiển hiện trong rất nhiều các tác phẩm quy hoạch, kiến trúc, điêu khắc, trang trí…

Đó là những hàng cột Colonnade  có kích cỡ, quy mô khổng lồ, chưa từng thấy, một không gian gợi lên cảm giác choáng ngợp. Đó là hồi quang rực rỡ được tái hiện, phóng chiếu, khuếch đại từ những hàng cột Doric của La Mã hùng tráng khi xưa. Những hàng cột trầm mặc, uy nghi, kiêu hãnh không chỉ đưa ra một định nghĩa, khái niệm kinh điển về không gian quảng trường. Kích cỡ bất ngờ, không tưởng của vật liệu đá không chỉ định vị và mở ra một quảng trường lớn, nơi nhiều người nhất có thể nhìn thấy Đức Giáo Hoàng ban phước lành từ ban công. Với Quảng trường St. Peter’s Basilica, Bernini mong muốn biến đó trở thành một biểu tượng, sự mặc khải về thiên đường. Tới đó, sau một hành trình dài, bước vào quảng trường rực rỡ, mọi giáo dân tìm thấy, cảm nhận sâu sắc từ tuyệt phẩm kiến trúc này một “Vòng tay của Mẹ” thiên chúa, của Giáo hội, Giáo hoàng

ga
Trung tâm quảng trường St. Peter’s Basilica , sừng sững, kiêu hãnh cột biểu tượng của văn minh Ai Cập. Ngày ngày, Bernini đã biến obelisk- thành chiếc đồng hồ mặt trời lặng lẽ mô tả những chuyển vận huyền hoặc, miên viễn, không dừng nghỉ của vũ trụ? Đó là ngón tay của Thiên chúa nhắc nhớ nơi đây Thánh Peter đã bị đóng đinh?

e
Trung tâm nhà thờ Thánh Peter, xuyên qua tương phản sáng tối những tia sáng thần Crepuscular màu cam hiện ra lúc bình minh và hoàng hôn, dưới mái vòm huyền thoại lấy cảm hứng từ mái vòm khổng lồ Pantheon cổ đại  của Michelangelo là Nhà nguyện, ban thờ Thành Peter. Trên cột xoắn solomonicas, gợi nhớ Jerusalem, nơi Chúa Kitô  bị đóng đinh, phục sinh và lên trời. Đây là tác phẩm đầu tiên mà Bernini tạo nên những hài hòa  của chuyển động kỳ ảo từ cái tĩnh lặng, một phối cảnh mới của điêu khắc và kiến ​​trúc, thể hiện sự phát triển quan trọng trong thiết kế và trang trí nội thất nhà thờ. Tầm nhìn thống nhất, độc đáo  mang đến những công trình, tác phẩm “không có gì giống như nó từng được nhìn thấy trước đây.

Ở những nơi khác trong Vatican, Bernini đã sắp xếp lại, kiến tạo, tôn vinh không gian trống rỗng hoặc không có thẩm mỹ hiện tồn thành một tổng thể kỳ vĩ. Và cho đến ngày nay chúng vẫn là biểu tượng không thể xóa nhòa.

 

Lời nhắn từ bộ xương tử thần

c

Tôi dừng lại rất lâu trước Lăng mộ của Giáo hoàng Alexander VII. Tác phẩm mô tả Đức Thánh Cha quỳ gối, mải mê cầu nguyện. Chung quanh Đức Thánh Cha là Thần Nhân Ái- Charity bế một đứa trẻ trên tay, Thần Chân Lý- Truth đặt chân lên bản đồ thế giới. Và bên dưới, bất ngờ hơn là bộ xương của Tử thần được mạ vàng đang giơ cao đồng hồ cát biểu tượng của “memento mori”- “Hãy nhớ bạn sẽ chết!”.

Kể từ khi 8 tuổi, với điêu khắc một cái đầu đá, thiên tài Bernini đủ khiến Giáo hoàng Paul V choáng váng tuyên bố: “Chúng ta hy vọng rằng thần đồng này sẽ trở thành Michelangelo trong thế kỷ của cậu ấy.”

Và thực sự là suốt hơn 70 năm sau đó, Bernini làm thay đổi diện mạo của Rome thế kỷ 17 cũng như Michelangelo đã định hình Florence và Rome một thế kỷ trước.

Để có được thành tựu  phi thường đó, cả đời, Bernini là một nghệ sỹ kỷ luật, tự giác và làm việc không mệt mỏi.  Người đời ngờ rằng, trong hơn 80 năm, Bernini chỉ dành vài tháng cho ăn và ngủ. Mỗi ngày, sau khi dùng than đánh dấu trên đá cẩm thạch ở một trăm nơi cho các cộng sự, bản thân Bernini lao động bảy giờ trên một khối đá cẩm thạch. Theo mô tả của một người bạn, nhà điêu khắc vừa trò chuyện sôi nổi về các công việc trong khi vẫn cúi gập mình, mải mê đục đẽo  không dừng nghỉ.

Có phải mượn tử thần trong điêu khắc cuối cùng của mình, Bernini nhắc nhớ mọi người rằng: thời gian đã và sẽ lạnh lùng trôi qua. Và hơn 80 năm sống đời, bằng mọi nỗ lực, Bernini không dễ dàng tuân phục rồi tìm mọi cách vượt thoát quy luật nghiệt ngã, không tránh khỏi của trật tự vũ trụ?

Bernini trở nên bất tử theo cách bình dị mà khó ai có thể theo được?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chuyển giao ký ức?

Nhiều năm qua, cho đến tận hôm nay, ngay cả khi bị chiếm đoạt, tước đoạt, chửi bới, khinh bỉ, lăng nhục… tôi chọn cắn răng chịu đựng, chấp nhận, nhún nhường.
 
Tôi biết mình không ngu khờ, cam chịu, bất lực…
 
Tôi có đủ niềm tin rằng, có lúc nào đó, dù muộn, rất nhiều người sẽ nhìn nhận lại những điều họ đã làm.
 
Xin cảm ơn cuộc đời đã giăng bẫy, ngáng trở, xếp đặt, dàn dựng những thách thức, biến cố quá lớn, vượt rất xa sức tưởng tượng…
 
Gần 1/4 thế kỷ qua, trong từng ngày, tôi cố gắng đặt cược, giữ gìn đức tin không gì lay chuyển đó.
 
Tôi đang dần lương thiện!
 

2 (1)

Phía sau sen gỗ, đôi chim Uyên ương, cá là huyền thoại về người mẹ của vua Lê Hoàn, một biểu tượng phồn thực…

Cuộc đời là một hành trình miên viễn không thủy vô chung, không khởi đầu chẳng kết thúc.

Ngôi nhà dù ở lâu hay mau cũng chỉ là bến dừng, ga xép của cõi tạm.

Trước một cung đường, lộ trình mới, ngôi nhà, đồ vật sẽ lui lại phía sau. Theo thời gian, nó dần nhòa đi trong quá khứ mênh mang. Nhưng nếu có hy vọng, kỳ vọng hay đức tin tươi sáng về tương lai thì những kỷ niệm, hoài niệm, ký ức sẽ còn theo TA đi tiếp một chặng rất dài nữa… Đó đâu phải là sự đứt đoạn, chia lìa hay mất đi. Đó là một sự tiếp nối, chuyển giao, đón nhận rồi hội nhập vào cảnh giới vô định đang nồng nhiệt chờ đón phía trước.
Hình thức đồ vật, vỏ xác vật chất của không gian sống cũ có thể thay đổi bởi chủ sở dụng, sử hữu nhưng vết dấu, trọng lượng, sức nặng và sự lan tỏa của ký ức, những giá trị tiềm ẩn của cảm xúc, tri thức sẽ làm cho tương lai, bến đỗ sắp tới trở nên đẹp đẽ, đáng sống hơn rất nhiều, rất nhiều lần.
Và trong một thời khắc tạm biệt, tạ từ, không kể ngắn dài, lâu mau, mỗi đồ vật dù chỉ là một chiếc gương, tủ sách, bức tranh, góc sân, tán lá, hương hoa hay chùm quả ngọt thơm đều thì thầm nhắc lại những gì đã khiến chúng ta, con người, đồ vật và ngôi nhà gắn quyện với nhau trong biết bao thang bậc cảm xúc vui buồn.

Và dưới đây là những lá thư ngắn, chút tâm tình của người viết dành cho những tri kỷ, tri âm. Có thể tạm gọi là những giao kết chuyển giao giữa quá khứ và tương lai, những khế ước tinh thần của con người với thời gian và không gian!
3 (1)

Người nữ Bích Câu

Tôi không phải là Tú Uyên, nho sinh Thăng Long tài hoa trong Bích Câu kỳ ngộ của Đoàn Thị Điểm.

Tôi tự thấy mình giống như phố Bích Câu, quận Đống Đa, HANOI thời hỗn mang. Nó sừng sộ, bặm trợn, tan nát, xấu xí.

Ngày nay, không còn tìm thấy chút dấu tích nào của một dòng suối thần kỳ từng chảy qua những miền tiên cảnh với nhấp nhô tưởng tượng, điệp trùng huyền thoại, dạt dào yêu đương. Nào đâu nơi người xưa từng mơ tìm, gặp và sống với người trong … mộng.

Nhưng với tôi, người nữ trong bức tranh mà bạn sắp đón nhận thực sự là Giáng Vân, là gương soi, là động Từ Thức, một câu chuyện có hậu.

Ngày chưa xa đó, mỗi khi sân hận, sau hồi điên loạn, lắm lúc ê chề, tôi thường trở về, dừng lại, len lén chào hỏi, lặng lẽ chiêm ngắm, rồi trò chuyện, đối thoại với Người nữ Bích Câu.

Nàng thì thầm những tiếng bình an để giúp tôi tịnh tâm. Có lúc nàng hơi trách móc, giận hờn.

Tôi không nhớ rõ đã mua bức tranh này như thế nào. Chỉ nhớ những ngày ăn nhờ, ngủ vạ nhà họa sỹ trong ngõ nhỏ hẹp. Căn nhà thấp, cũ, nhiều lối đi như mê cung, cổ vật nhiều hơn đàn bà.

Ánh mắt Người nữ Bích Câu thoạt nhìn tưởng là ngơ ngác trôi rơi vào miền vô cực. Vậy mà tôi đi đâu nàng cũng lem lém dõi theo. Đôi môi khép, ửng lộ màu son như muốn nói điều gì. Dáng tay ấy không xa buông hờ hững mà chẳng có nhu cầu động chạm, ôm ấp, gần gũi…

Nhiều năm sau này, qua rất nhiều biến cố, người nữ, đàn bà yêu mới lại tái hiện trong tranh của họa sỹ. Có rất nhiều bức được thoát thai, tái sinh cùng những bột màu rừng rực, quằn quại, gào thét, hoan hứng yêu đương…

Nhưng chỉ còn duy nhất một chân dung Người nữ Bích Câu là thản nhiên trước mọi biến đổi.

Nàng biết mình đã là một dấu mốc, giới tuyến mà dường như chính họa sỹ không muốn hoặc không thể trở lại. Hơn thế, nàng là một nửa, một chân dung khác biệt, luôn thường trú, gắn bó trong tôi!

1 (1)

Gương nhân quả

Lịch sử soi chiếu lại chính mình có thể bắt đầu từ khi con người rón rén bước xuống sông, hồ, ao để xách, múc, tát, tưới nước.

Từ di chỉ khảo cổ ở Phụ Hào, người Trung Hoa đã làm ra gương đồng hình cầu từ hơn 4000 năm. Gương kính có thể xuất hiện sớm nhất ở Leabanon hồi thế kỷ thứ nhất. Hơn trăm năm sau, ở Trung Hoa, thầy Trang Tử ghi lại trong “Đức sung phù” hướng dẫn người đời: “Người ta không soi vào dòng nước chảy mà soi vào nước phẳng lặng”

Anh đã đi qua phòng tắm của Dương Quý Phi ở cố đo tây An của người Trung Hoa, phòng Gương của Hoàng gia Áo hay khuê phòng của Nữ hoàng Anh… Gương tròn thì nhỏ. Gương lớn thì vuông, chữ nhật hoặc bầu dục… Gương Nouveau thì cầu kỳ đến phù phiếm. Gương Celtics đẹp mê hồn nhưng trang trí trừu tượng, bí ẩn như người cổ từng vẽ trên đá cách nay hơn 3000 năm. Chưa từng thấy gương nào lại Phồn Hoa như tác phẩm này.

Gương có hình tròn. Giới trí thức phương Tây cổ xưa cho đó là biểu tượng bầu trời, chu kỳ của vũ trụ, sự toàn hảo của thế giới tinh thần vô hình và siêu nghiệm…

Gương có trang trí hoa dây. Nếu ai nghiền lịch sử design sẽ tưởng tượng và có hình dung khác về những vòng ngọc khổng lồ thời Thương, Chu hay Chiến Quốc. Lớp lớp cánh lá, dồn nén, quấn quyện, không dứt đoạn, khác nào văn sấm, quyên vân. Tạo hình chặt chẽ như trang trí kỷ hà. Hoa lá đó mà biến ảo như long phượng. Trên nền son thắm, son nhì, cúc đại đóa hay mẫu đơn thì cũng ngọt ngào gửi đi lời chúc “Mãn đường hồng” hạnh phúc, may mắn tràn đầy…

Như mọi cô bé, cô gái, em cũng biết đến gương thần và nàng Bạch Tuyết của anh em nhà Grim. Nhưng ít ai biết, gương như có một thế phận mới khi Võ Tắc Thiên-Người đàn bà đẹp Trung Hoa, tự tạo tác ra chữ CHIẾU để gương kính không phạm húy, nàng cũng lấy tên đó đặt riêng cho mình.

Hôm tôi mang gương đến, em vừa đi Yên Tử về.

Tự soi chiếu, quán chiếu, tôi thấy thật rõ cái cách mà chúng ta luôn hiện thân, biểu hình. Người ta chỉ thấy mình khi soi gương. Gương không tì vết thì in ghi cả Sắc và Không.
Chỉ muốn nói với em gái, rằng: Người ta sẽ dần nhận ra và quả đắc khi luôn tự soi chiếu, điều chỉnh, đổi thay. Sống đời, yêu thương, làm việc, thụ hưởng thì nên biết đủ, đắc ý rồi thì nên dừng.

Người xưa dạy: “Thủ phận an mệnh, thuận thời thính thiên”. Biết vâng lệnh Trời, xuôi theo Thời, giữ Phận, yên Mệnh.
Nếu được thế, Gương là Tịnh Độ, Niết Bàn. Cẩn trọng soi chiếu là độ trì chính mình để đạt tới một cảnh giới khác sáng trong.

1 (5)

Tủ sách của Đại quan Tế Tửu và quý nhân!

20 năm trước, vô tình có được quý vật của người từng dạy ba đời vua nhà Nguyễn.

Về DUYÊN, nhớ ca dao xưa có câu: ” Cái lá sen rủ, cái củ sen chìm, Bao nhiêu quý vật đi tìm quý nhân “.

Tự hỏi, mình đâu phải quý tử con nhà quyền thế, không học hành tử tế như quý sỹ, không cao sang như những bậc quý nhân?

Nay, vì có nhu cầu chuyển đổi nơi ở, tôi không bán mua mà chỉ muốn chuyển nhượng quý vật. Người thích rất nhiều. Người có tiền không ít. Vậy mà vẫn thực sự lo lắng. Biết tìm đâu cho thấy quý nhân?

Nhớ khi xưa La Ẩn từng xuống thơ vỗ về:

“Mộng lý cựu hành xứ,

Nhãn tiền tân quý nhân.

Tưởng như chỉ còn gặp nhau trong mộng,

Nay trước mắt là một người như ý nguyện.”

Và một buổi trưa nóng oi ả, bạn đã tìm đến nhà. Bạn là Luật sư, doanh nhân trẻ. Gia thế khác thường “Tiên tế gia phong, hữu đạo đức giả, Đạo cao đức trọng. Tự toàn kỳ đạo. Tử hiếu tôn từ, Nhân nhân ái lạc…”. Bản thân bạn thì “Bần nhi cần học, Trưởng tắc thi hành. Chính tâm tu thân, Khả di lập thân. Lập thân, hành đạo, Quả ngôn cẩn hậu, Rõ tiếng hậu lai….”

Bạn thích đồ ta, bỏ đồ tàu. Bạn rất cẩn trọng dõi theo những màu men gốm từ Lý chuyển sang Trần. Bạn có sở hữu những món gốm  Chu Đậu mộc mạc đến độ sang trọng… Bạn kính Phó vương Hoàng Cao Khải, nể trọng Tổng đốc Hoàng Trọng Phu. Bạn cất công sang Pháp để mua lại đôi ghế của gia đình Phó Vương. Bạn luận rất hay về tên một người bạn chung, về lẽ cương- nhu. Bạn không quá buồn khi gia thế lụn bại thảm hại sau bao biến đổi thê thảm của thời cuộc. Bạn phẩm cực chuẩn về một tác giả trừu tượng đắt giá nhất hiện nay. Bạn bình rất chính xác về bức mưa hiếm hoi của một họa sỹ ấn tượng.

Chuyển giao món đồ quý cho bạn thực là quý nhân tầm quý vật?

Tiễn cụ tủ mà thấy xao xuyến quá. Chỉ muốn gửi đến chủ nhân mới vài điều mà cổ nhân luận về sách, sự học.

Khi xưa Hoàng Sơn Cốc, bạn của Tô Đông Pha, từng nổi tiếng nhân gian khi luận về tiền kiếp. Danh sĩ từng nói rằng: “Sĩ phu ba ngày không đọc sách thì soi gương mặt mũi đáng ghét, nói chuyện nhạt nhẽo khó nghe”.

Thiên Khuyến học, vua Nhân Tông nhà Tống từng viết:

“Thư trung tự hữu thiên chung túc.

Thư trung tự hữu hoàng kim ốc.

Thư trung hữu họa nhan như ngọc

Nam nhi dục toại bình sinh chí,
Ngũ kinh khuyến hướng song tiền độc.”

Trong sách tự có ngàn chung thóc.

Trong sách tự có lầu son gác tía

Trong sách có người nữ đẹp như ngọc quý

Nam nhi muốn thỏa chí bình sinh,

Tứ thư, Ngũ kinh nên chuyên cần đọc

Trên núi Phượng Hoàng, Hải Dương, Tư nghiệp Quốc Tử Giám, tiều ẩn, người thầy của muôn đời Chu Văn An từng nhắc lời Trình Di:

“Thiên kim di tử,

Bất như nhất kinh.

Ngàn vàng để lại cho con,

Chẳng bằng một quyển sách.”

Còn ai xứng đáng hơn bạn để gìn giữ một kỷ vật quý của một quan đại thần, một trí thức lớn của một làng khoa bảng tiêu biểu bậc nhất Bắc Kỳ?

 

0 (1)

Góc sân thượng chỉ có cỏ cây làm bạn.

Đồ gỗ phỏng theo thiết kế thời nhà Minh thế kỷ 14.

 

 

Tranh Hà Nội phố theo trường phái Ấn tượng