Tiên Lãng – nơi đầu sóng, ngọn gió

Chan dung nông dân VN TK 21

Phà ... Khổ

Cầu... cơ hàn

Ngay khi đọc bản tin về Đoàn Văn Vươn xả súng vào công sai của chế độ cộng sản, chẳng hiểu lý do nào xui khiến tôi liên tưởng ngay đến một đoản thơ Phố cửa biển của Thanh Tùng, bài thơ đầu tiên của anh từng in trên báo Văn Nghệ những năm 1965:

“Tôi muốn thẳng tay xé toạc bóng đêm
Xé toạc không gian nghìn dặm
Ép mỏng lại những tuần những tháng
Cho lộ mặt quân thù- Tôi xả súng

Người Hải Phòng vốn thế. Họ cương cường, khảng khái, ăn sóng nói gió và chỉ biết sống mái, bạo liệt với quân thù? Người Hải Phòng đủ sức mạnh trí tuệ để nhìn thấu thời gian hàng nghìn năm như Trạng Trình. Người Hải Phòng viết Quốc ca cho cả đất nước này, chính thể này. Mà sao hôm nay lại dựng chiến lũy, gài bom tự tạo rồi nã súng vào những người …. đại diện cho mình?

Truyền thống xưa chỉ thấy ba chị em Tạ Huy Thâu, Tạ Ả Dáng, Tạ Đoan Dung, 5 anh em họ Trương và Đào Quang, Nguyễn Công Châu, Hoàng Công Đường, Trần Công Cát dấy nghĩa chống Tô Định thời Bà Trưng. Hành xử đó chỉ còn ghi trên sử sách về 5 anh em họ Đặng chống Tống duới trướng Lê Hoàn, khóa Khang trong phong trào Bãi Sậy, thủ lĩnh Huân tham gia khởi nghĩa Yên Thế hay Nguyễn Quang Phong tham gia khởi nghĩa Đề Vang TK 19. Gần đây nhất, tinh thần chống giặc của Tiên lãng có lẽ chỉ được bộc lộ trong lần chống càn Claude hồi 1953…

Từ xa xưa, trong lịch sử, văn hóa, phẩm chất người Tiên Lãng và chân dung những nông dân như Đoàn Văn Vươn rất khác với thực tại.

Hải Dương toàn hạt dư địa chí còn ghi: “Tiên Minh thuộc phủ Nam Sách, huyện lỵ đặt ở xã Cựu Đôi, tổng Phú Kê. Huyện này ba mặt giáp sông, phía đông ra tới tận biển. Về phong tục huyện này gần biển, kẻ sỹ chất phác, thực thà, dân chúng các tổng Tử Đôi, Hà Đới, Kỳ Vỹ, Cẩm Khê lại e dè, nhát sợ”.

Nhân vật danh giá nhất của Tiên Lãng cũng chỉ là Thượng thư bộ hộ Nhữ Văn Lan, ông ngoại Trạng Trình.

Người Tiên Lãng là cộng đồng biết thân, tủi phận, nhẫn nhục nhất Hải Phòng. Người đất Tiên không tởn, gớm như Thủy Nguyên- quê hương ông Ca giám đốc công an thanh phố, không khôn ngoan như đất ven đô An Hải. Họ đóng khung địa giới hành chính, mặc định quê hương buồn thương bằng cách đặt lại tên cho hai cửa ngõ quan trọng nhất, biến phà Khuể thành phà Khổ, cầu Hàn thành cầu Cơ Hàn. Không hiểu là thách thức hay ngậm ngùi mà đi đâu người đất Tiên cũng nói: có qua phà Khổ, cầu Cơ Hàn mới vào đất Tiên. Chưa có tiền lệ, cách biểu hiện nào như thế trong văn hóa làng, cũng như trong lịch sử dựng nước.

Người đất Tiên biết phận mình không danh giá bởi những làng khoa bảng như Vĩnh Bảo (Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện). Người đất Tiên luôn ngẫm rằng họ còn thiếu những bậc như Kỳ Tài Hầu Nguyễn Công Huệ (Đồng Minh- Vĩnh Bảo). Người đất Tiên cũng chưa có ai đủ tài mệnh như Mạc Đăng Dung, chỉ bám vào An Lão, Kiến An, Kiến Thụy mà dựng lên nghiệp vương bá. Người đất Tiên chấp nhận neo bám vào một cuộc đất “Gần biển. Buổi sáng thường có sương mù che lấp cả mặt trời tới tận giờ Thìn, giờ Tỵ mới tan. Mùa xuân tiết trời đại khái thế. Mùa hè nắng nóng, ẩm ướt, thường có gió to bão lớn. Mùa đông cũng rét nhiều. (Sách Đồng Khánh dư địa chí 1886- 1888). Phan Huy Chú thì viết: Tiên Lãng bốn bề sông lớn vây quanh. Sông ngòi chằng chịt như mạng nhện.

Trong hoàn cảnh chẳng mấy thiên thời, địa lợi, người Tiên Lãng giấu đi những khát vọng của mình từ cách đặt tên cho quê hương. Trước là Tân Minh, tiếp đến là Tiên Minh nhưng vì kiêng húy với vua Lê Kính Tông (1588-1619) họ chuyển qua Tiên Lãng. Trong tên gọi này, người dân ý thức rằng họ phải nhún mình trước mọi cường quyền để yên thân, tạm trú nơi đầu sóng, ngọn gió. (Tiên tạm hiểu là trước, Lãng: sóng gió).

Người Tiên Lãng chỉ dám ngấm ngầm đưa ra thông điệp, cách nhìn về vũ trụ, tạo hóa qua cách đặt tên hai con sông ôm ấp quê hương là Tuyết Giang (Hàn Giang) và Văn Úc. Tuyết, Hàn thì khá dễ hiểu vì trực tiếp ảnh hưởng bởi những di sản ngôn ngữ, lý học, trí tuệ của Bỉnh Khiêm. Nhưng Úc là gì? Văn Úc cần được hiểu như thế nào? Từng có những tên gọi cửa Dương Úc, làng Xuân Úc, Úc Gián… Sau nhiều năm tra cứu tôi tạm suy luận và dùng từ Úc ( yù) với nghĩa: nóng ấm. Tiên Lãng cân bằng, hài hòa và lặng lẽ trôi ra hay vươn ra biển cùng hai dòng nóng- lạnh, trên- dưới, trong- đục, mặn- ngọt, âm- dương?

Lộ trình đó là thuận thiên, là miên viễn. Nếu thời gian và lịch sử còn biết cách lưu giấu, tồn giữ thì chỉ cần đi theo hai tuyến đường từ Hải Phòng qua Tiên Lãng người ta phải hiểu rằng đó chính là những lộ giới của những lần biển lùi trước nhu cầu sinh tồn của con người. Đừng quên di chỉ thương cảng Đò Mè (Domea) trên địa bàn thôn An Dụ, xã Khởi Nghĩa. Hãy lưu tâm tới những vồng cát nổi chạy dài từ Hải Phòng qua Gián Úc, Kiến Thụy, Chiến Thắng- An Lão hay tuyến đường liên huyện… đó chính là di vết của đường bờ cổ đánh dấu hiện tượng biển lùi cách nay 2000-3000 năm.

Từ 500-700 năm qua, mỗi năm biển lùi 10-15m. Vào thời điểm Nguyễn Trãi viết Dư địa chí thì mảnh đất dựng nghiệp của cha ông Đoàn Văn Vươn vẫn còn chìm sâu dưới nước biển. Những ghi chép vào năm 1848 dưới thời Tự Đức thì nơi đây mới là bãi bồi. Cùng với Kim Sơn- Ninh Bình, Tiền Hải- Thái Bình, Hải Thành, Tân Thành (quận Dương Kinh, Hải Phòng)… Cống Rộc, Vinh Quang, Tiên Lãng cũng được hình thành nên từ những bước tiến ra biển đầy ngoan cường của con người. Trong trang sử lấn biển ở đồng bằng châu thổ sông Hồng, bên cạnh Nguyễn Công Trứ TK19, Đoàn Duy Thành- TK 20 đáng lẽ còn có tên Đoàn Văn Vươn trong thế kỷ 21.

Vậy mà phút chốc Đoàn Văn Vươn và Cống Rộc lại đi vào sử sách như một câu chuyện truyền kỳ về Dã Tràng. Bao năm phơi thân trước gió biển, dầm mình trong bùn lầy, dồn đổ ra biển từ tiền bạc đến sự sống của con cái…để hòng dựng cơ nghiệp. Cả đời gần, gắn với sú, vẹt, đước, cói, hải đồng… vậy mà anh nông dân Đoàn Văn Vươn đã quên mất là bài học và tri thức lớn nhất không phải từ trường Đại học nông nghiệp. Các giá trị nhân văn không thể kiếm tìm ở chiến trường hay doanh trại quân đội. Truyền thống văn hóa của một gia đình không thể viết từ những ngày lơ ngơ, cui cút theo…. Đảng.

Vậy là chưa đến Nhâm Thìn mà người Tiên Lãng đã luận về quẻ Thuần Càn bằng bom, mìn, súng đạn tự tạo? Đau xót quá khi nhân dân ngoan lành lại điên rồ thế thiên hành đạo theo đúng cách đảo ngược phải trái, kích hoạt hận thù, tăng cường bạo lực, tàn sát… Những công cụ, phương cách mà những người cộng sản trên toàn thế giới từng dày công tu luyện?

Một lần quên bài học của mẹ thiên nhiên. Một phút quên đi bản tính nhu thuận. Một chút hành xử thiếu cân nhắc trước cái Lợi…. Tiếp theo cải cách ruộng đất, tiếp sau hợp tác hóa, tiếp nối những thay đổi trong cái gọi nà Nuật đất đai… người nông dân tiếp tục sập bẫy và bị nhốt chung rồi đẩy tới tận cùng địa ngục cùng với một bọn lục lâm thảo khấu đầu trâu mặt ngựa, ma quỷ đỏ.

(còn tiếp)

1 responses to “Tiên Lãng – nơi đầu sóng, ngọn gió

  1. Anh Bình! Tân thứ trưởng BXD có chuyên ngành là xây dựng dân dụng hay hạ tầng gì đấy, chứ không phải KTS! He he…

Bình luận về bài viết này