Bao nhiêu năm làm kiếp con người?

Trên Face book bố con viết bâng quơ: Chúc mừng sinh nhật Mi. Một năm trước, câu cửa miệng của con là hệ hệ. Bây giờ, câu cửa miệng của con là “oooi kinh”. Và thế là bác lại nhớ một bài viết cũng có được 2 tuổi. Soi vào những câu nói của con, những lời bài viết, bác vẫn chỉ thấy vẹn nguyên một nỗi đau về kiếp làm Người.


Mi ơi, chào con.

5

Mi - Hà Anh 2 ngày tuổi

6

Một góc nhìn... tử tế nhất bệnh viện

1

Con mới chào đời, con là thiên thần, thiên sứ… Con sẽ thiên khải về một tương lai tốt đẹp!

Trưa ngày 7 tháng 11 năm 2007

Bác đến thăm khi con đã được hai ngày tuổi. Con đừng trách bác đến thăm muộn nhé. Đã lâu bác không ra đường vào giờ cao điểm. Hôm đó, trên đường đến bệnh viện, bác phải rất khó khăn để vượt qua những con đường ngùn ngụt người đi, ầm ầm tiếng các loại động cơ, quá nhức óc vì tiếng còi xe, ngột ngạt khói bụi, phố phường xộc xệch…Cũng như những tháng ngày khác trong năm, mùa thu quánh lại quá nhiều nỗi lo âu, mỏi mệt trên bao gương mặt người.

Nơi con chào đời cảnh tượng cũng chẳng có gì đẹp đẽ hơn ngoài đường nếu không muốn nói rằng còn có nhiều điều vô cùng tồi tệ. Cho đến bây giờ khi ngồi viết những dòng chữ này bác vẫn choáng váng bởi khái niệm về bệnh viện phụ sản. Những căn phòng chật chội và cả hành lang nhập nhoạng, nơi nào cũng đầy ứa, ngổn ngang bà đẻ. Căn phòng của con kê sát ba chiếc gường inox lạnh tanh. Chân tường được ốp gạch men trắng, đầu gường hai mẹ con nằm có gắn một cái lavabo.

Bác điếng người vì ý nghĩ là con và biết bao sinh linh đã sống những ngày đầu tiên của kiếp người trong… toilet. Trong một không gian ngự trị bởi một thứ mùi tanh tanh đặc trưng, mẹ con và các phụ sản khác như dính bết xuống gường bởi họ choàng đắp trên người một kiểu áo quần cùng loại vải với chăn và ga. Những tấm vải rẻ tiền có in đoảng những cánh hoa màu gì đó tạm gọi là hồng hồng. Những cánh hoa đã thực sự úa tàn, tất cả đều không thể cũ và bẩn hơn. Trong vỏ lốt ấy các bà mẹ đều bay biến đâu mất dáng vẻ gợi cảm và kiêu hãnh của phái đẹp.

Không phải bây giờ các thiên thần bé nhỏ mới sinh ra trong điều kiện bĩ cực thế này đâu Mi ơi. Hai con bác, anh bé (Bút) sinh cách đây 4 năm ở một bệnh viện lớn, anh lớn (Phim) sinh cách đây 9 năm ở một nhà hộ sinh nhỏ nhưng các anh con cũng chung cảnh ngộ thê lương tựa như thế này!?

Ở nhà hộ sinh X, cái chốt của chiếc gường gấp bị hỏng. Khi bác bước chân lên để nằm với Phim, hai nửa của giát gường bất ngờ gập lại. Phim chưa đầy 5 giờ tuổi, tí nữa bị kẹp dí như mẩu bánh mì trong máy nướng bánh Cucina.

Ở bệnh viện Y, bác sỹ khám cho bác Huyền (khi mang bầu But) ghi hẳn vào bệnh án: nghi bệnh…. Phó chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam??? Nơi bác Huyền nằm chữa bệnh phải gọi chính xác là lò… mổ. Bác rất tiếc là đã bỏ lỡ cơ hội chụp một dãy phụ sản kiễng chân trên ghế nhựa, gếch mũi lên lỗ tò vò để… thở. Ngoài trời dông gió lạnh người. Bên trong Lò Mổ, hai chiếc quạt công nghiệp chạy 24/24 cũng đang muốn …chảy mỡ.
….
Bác phải cúi người để chụp những bức ảnh đầu tiên về con. Tư thế ấy hình như giúp bác bẻ gập và cất giấu đi những ẩn ức, đau đớn. Lúc ấy bố con đăm đắm nhìn con và thở dài một câu Kiều: Hàng thần lơ láo phận mình ra sao? Bác và bố con cùng lúc nhìn nhau thảng thốt như lần đầu chúng ta bàn luận truyện Thiên thần sám hối của nhà văn Tạ Duy Anh. Câu chuyện kể về một thai nhi đã chần chừ khi chưa muốn chui ra khỏi bụng mẹ ấm êm để sống kiếp người sau khi cảm nhận thấy bao câu chuyện đau đớn, nhiêu nhương trong bệnh viện.

Ngày 16 tháng 11 năm 2007

Con đã từ biệt cái bệnh viện ghẻ lạnh để trở về với ngôi nhà nhỏ bé thân thương của gia đình. Nhà con trên tầng 5 một khu tập thể cũ kỹ. Nhưng bác thấy nó dễ thương như cái tổ chim. Bác thích đến đó được nghe những câu hỏi thông minh của chị con, nghe tiếng cười hiền lành của mẹ con và nghe tiếng bố con rù rì bàn chuyện văn, chuyện đời. Mỗi lần như thế một con Kingkong thô kêch như bác lúc nào cũng ngỡ mình chỉ là một chú chim sâu tí hin.
Sau một lúc chuyện trò bằng ánh mắt với bác con lại thiếp đi trong một giấc ngủ bình yên, ngon lành. Bác lại chụp ảnh con. Lần này con không mím môi hay nhếch mép như hôm trong bệnh viện nữa.

Bác và bố con ra ban công hút thuốc, tán gẫu. Từ trên cao các chi tiết của đời sống dưới đường phố bị thu nhỏ kích cỡ nên có phần đáng yêu hơn một tẹo.

Đêm, Hà Nội dường như đã choàng khoác vẻ đẹp mơ mị. Hôm trước bác có xem bộ phim Quyền lực của bóng đêm được đạo diễn David L. Cunningham chuyển thể từ tiểu thuyết The Dark Is Rising của Susan Cooper. Phim diễn tả cuộc chiến cam go không khoan nhượng giữa ánh sáng và bóng tối. Cậu bé Will Stanlon phải dùng đến sáu bùa chú ẩn dấu sức mạnh của lửa, gỗ, đá, nước, kim loại và linh hồn mới chiến thắng được sự tàn huỷ thế giới của bóng đêm đen tối.

Khi đó bác chợt nhớ đến tên gọi của hai chị em con- Thiên Minh và Hà Anh. Thiên Minh là ánh sáng của Trời cao. Hà Anh- tên con là một áng mây đỏ. Cả hai ấp ủ ước nguyện của bố mẹ con về những nguồn ánh sáng tuyệt diệu của trời đất và tình người.

Nếu tên các con ghi trong giấy khai sinh đều là các từ ghép Hán- Việt giàu hình tượng, trừu tượng và đa nghĩa thì tên gọi ở nhà lại hoàn toàn ẩn giấu những thông tin khác biệt. Chị Thiên Minh được bố mẹ con gọi yêu là Lô. Còn chị Lô lại muốn mọi người đặt tên con là Mi.

Lô là viết tắt chữ đầu của Lobachevski, là nhà khoa học có tên được đặt cho con phố chạy qua trường đại học của bố con ở mãi tít bên Nga. Lobachevski là nhà toán học nổi tiếng của Nga thế kỷ 19, người đã tạo ra nền tảng của hình học Hyperbol phản biện lại thuyết hình học phẳng của Euclid. Chính Einstein đã dựa vào một số phát minh trong thuyết này của Lobachevski trong quá trình viết ra Thuyết tương đối Từ lớp học của bố con có thể nhìn ra đường Lobachevski.

Còn Mi là viết tắt từ chữ cái đầu của hai từ Mezdunarodnaija Informasia (khoa Báo chí quốc tế) thuộc trường đại học danh tiếng thế giới…. Ngày còn sinh viên, bố con khoái chí với không gian sống có văn học bên trong, toán học bên ngoài. Không gian đó tiếp tục được duy trì và mở rộng ảnh hưởng trong cuộc sống của gia đình con hôm nay. Một cuộc sống cần có cái “vỏ” ngoài khoa học, chắc chắn để ôm ấp, gìn giữ những cảm xúc, tình thương yêu…

Bác viết những dòng nhật ký này về con mà như tự an ủi, vỗ về. Thực ra người lớn chúng ta chán lắm, rắc rối lắm và nhiều mặc cảm lắm. Chúng ta kỳ vọng, gưỉ gắm vào từng tên gọi các con những điều mà chúng ta thiếu thốn, khao khát. Bên tai bác vẫn như văng vẳng lời của thai nhi, nhân vật của Thiên thần sám hối: Hãy biến mỗi khoảnh khắc sống thành hy vọng.

Hãy chiếu rọi vào những khoảng âm u trong đời sống chúng ta chút niềm tin, Mi ơi!

HN, 11- 2007, 11- 2009

3 responses to “Bao nhiêu năm làm kiếp con người?

  1. Kính gửi Ba của Phim va Bút,

    Tôi là một người mẹ trẻ. Tôi mới nhận được cái link đến blog của anh từ một người chị làm cùng cơ quan. Tôi chưa biết anh là ai, qua bài viết này tôi đoán công việc của anh thiên về nghệ thuật (Phim và Bút-chụp ảnh, quay phim, vẽ…?). Tôi xin được mạo muội chia sẻ cảm giác của tôi sau khi đọc bài “bao nhiêu năm làm kiếp con người” của anh.

    Cảm giác của tôi là bực bội và chán. Vì sao? Vì tôi lại một lần nữa lại phải đọc về vấn đề nhức nhối rất xưa cũ này. Vấn đề mà hầu hết các bà mẹ và các em bé Việt Nam đều đã quen thuộc, nhưng chưa bao giờ tôi được đọc một giải pháp nào cả.

    Tôi rất thông cảm khi “Bác và bố con ra ban công hút thuốc, tán gẫu. Từ trên cao các chi tiết của đời sống dưới đường phố bị thu nhỏ kích cỡ nên có phần đáng yêu hơn một tẹo”. Vì không chỉ riêng anh em nhà anh làm như thế, mà hầu hết đàn ông Việt Nam đều đã và đang làm như thế trước nỗi đau, nếu không muốn nói là nỗi nhục của phụ nữ và trẻ em Việt Nam. Phụ nữ chúng tôi đều biết rằng một trong những lý do mà đến lúc này, đầu thế kỷ 21, chúng tôi vẫn bị đối xử không hơn gì những con vật khi phải vào bệnh viện, đó là vì cách ứng xử của các anh trước vấn đề này. Chúng tôi không dám đòi hỏi, mà chúng tôi chỉ buồn.

    Tôi nghĩ rằng, nếu tất cả đàn ông Việt Nam, thay vì ngồi tán gẫu và hút thuốc, thay vì ngồi “buôn dưa lê” ở quán nhậu, hãy dành thời gian đó để nghĩ xem phải làm gì để giải quyết vấn đề nhức nhối này. Tôi tin là các anh, những tài năng của đất nước, sẽ có được một kế hoạch hành động cụ thể, để Việt Nam chúng ta có thêm nhiều bác sĩ giỏi, để chúng ta có thể xây thêm nhiều bệnh viện. Và các anh sẽ biến kế hoạch này thành hiện thực.

    Chúc anh nhiều sức khỏe, làm việc tốt và hiệu quả!

    PS: Thông thường, tôi sẽ tò mò đọc tiếp những bài viết khác của anh, để biết anh là ai. Nhưng tôi chẳng hiểu sao hôm nay tôi chán đến mức không muốn biết điều đó. Tôi hiểu đây là cảm giác tiêu cực, một biểu hiện của sự mất niềm tin và bế tắc. Nhưng tôi sẽ tự mình thoát ra khỏi cảm giác này. Tôi sẽ phải tin rằng những tài năng của Việt Nam sẽ không bế tắc mãi được.

    Hpleiku

  2. Vâng. Bạn nói đúng, có lẽ đó là những điều đúng trong thực tế hiện nay, tồn tại như 1 điều tự nhiên mà chưa thể thay đổi trong ngày 1 ngày 2 được. Bạn chê trách bệnh viện của chúng ta. Phải, nó thiếu thốn trang thiết bị, thiếu nhân lực chất lượng cao, thiếu cơ chế quản lý hiệu quả, thiếu nguồn đầu tư thích đáng, đúng đắn…nhưng t chỉ muốn nói rằng tại sao lại có tình trạng như vậy. Tại sao chúng ta cứ đổ dồn trách nhiệm cho nhà nước mà không nghĩ tới trách nhiệm của chúng ta là gì ở đây. Tôi chỉ lấy 1 ví dụ minh họa nho nhỏ: rằng bạn ra đường bạn có vứt rác bừa bãi ở đâu đó không… hi vọng bạn hiểu ý của tôi. Thiết nghĩ nếu tự chúng ta có ý thức cao hơn tự nhận thức được trách nhiệm của mình cao hơn tự ý thức được sức khỏe của bạn thân, giữ gìn phòng chống bệnh tật thì bênh viện có phải lúc nào cũng trong tình trạng quá tải không. Nếu ra đường chấp hành luật lệ an toàn giao thông, ăn uống vệ sinh, lao động phòng hộ cẩn thận… thì có nhiều bệnh nhân nữa không. Mỗi người không tự ý thức được sức khỏe của bản thân thì bệnh viện xây bao nhiêu cho đủ, càng xây thêm lại càng quá tải thêm nếu công tác phòng chống bệnh tật của chúng ta không đảm bảo. Tôi chỉ muốn nói vậy thôi. 1 bác sĩ cứu 1 người cả thiên hạ biết. nhưng 1 cán bộ làm công tác phòng bệnh cứu cả ngàn người mà không ai biết. Hi vọng bạn hiểu

  3. Có những comment làm cho tôi phải suy ngẫm và nghiên cứu rất kỹ về cơ chế cướp đoạt và tàn hủy quyền tư duy, quyền làm người trong thể chế độc tài. Năm 1921, Phan Châu Trinh nói: đất nước của 21 triệu con ruồi. Đầu TK21, đây là cái tổ của rất nhiều con vẹt?

Gửi phản hồi cho Vàng Văn Quá Hủy trả lời