Deco phồn sinh

Người Trung Quốc đang đối xử với VN như chúng ta từng ứng xử với người Chăm? Vì sao dấu ấn của văn minh Ấn Độ ở vùng đất miền Trung này dễ bị xóa sổ đến thế?….. Thử đi tìm câu trả lời từ một lát cắt nhỏ của văn hóa và kiến trúc.

Kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật, thẩm mỹ Chăm vẫn âm thầm lưu đọng lại những vết dấu khó phai. Hiện tượng tiếp biến ấy cho phép người ta thực chứng sức mạnh tiềm ẩn của một nền văn hóa tưởng chừng mất dấu sau những biến cố quá lớn của chiến tranh, xung đột chính trị.

Hơn một thế kỷ qua là một khoảng thời gian cần thiết để nhân loại và người Việt nhận thức lại một nền văn hóa Chăm rực rỡ từng sánh với Angkor (Campuchia), Bagan (Myanmar), Borobudua (Indonessia).
Trong khảo cổ có những công trình nghiên cứu rất đáng trân trọng của Louis de Finot và Launet de Lajonquere, L. Finot Henri Parmentier (Pháp). Trong bảo tồn trùng tu có kiến trúc sư KAZIMIERS (Ba Lan). Trong thơ ca có một “niềm kinh dị” trong Điêu Tàn của Chế Lan Viên, những hoài niệm buồn đau trong Tháp nắng của Inrasara…
Nhưng tiếc là những giá trị tinh quý, thông điệp sâu sắc của một nền văn hóa đã bị đối xử như một món hàng mẫu chỉ để trưng không bán thời bao cấp.

Chưa nhiều công trình nghiên cứu về những giao thoa văn hóa Việt – Chăm từ điêu khắc nhạc công thiên thần trên bệ thờ Phật chùa Phật Tích Bắc Ninh, nữ thần đầu người mình chim ở chùa Long Đọi, Hà Nam, chim thần trên bệ tượng chùa Bối Khê, đầu đao đình Chu Quyến, giếng đá vuông ở Sơn Vi, Phú Thọ. Những hiện vật trong bảo tàng lịch sử ở Hà Nội, Sài Gòn cùng một vài cuốn sách ảnh nho nhỏ không kịp để lại nhiều ấn tượng đối với người xem.…

Ngày nay, dấu tích Chăm có thể tạm trú, thấp thoáng đâu đó trong tư gia một số người buôn đồ cổ hoặc giới văn nghệ sỹ.

Hơn 15 năm lang thang theo dấu vết xưa, người viết chỉ có thể tìm nhận những hồi quang đáng kể nhất của mỹ thuật Chăm còn lưu dấu trong các khu nghỉ sinh thái dọc biển miền Trung.

biểu tượng Linga- Yoni ở khu nghỉ Suối Lương chân đèo Hải Vân

Ngay dưới chân đèo Hải Vân, trong khu du lịch sinh thái Suối Lương, chủ dự án đã mời gọi những nghệ nhân tâm huyết, kỳ công dựng lại hai tháp Chăm theo phương pháp mài chập (một kỹ thuật xây dựng độc đáo của người Chăm) truyền thống.

Dễ nhận thấy những bầu vú căng tròn sức sống Chăm trên bệ thờ Tháp Mẫm được tái hiện lại trong trang trí cột ở sảnh khu nghỉ Furama. Điệu múa của Shiva được trang trí cho cột cát dùng làm gạt tàn thuốc lá.

Trên tầng hai ở sảnh của Life Style Đà Nẵng biểu tượng yoni được cách điệu trở thành kệ đặt đèn.

Những điêu khắc đàn voi đá cùng thần Ganesa trong khuôn viên khu nghỉ Victoria Hội An gợi nhớ câu thơ lãng mạn nhất trong Điêu tàn của Chế Lan Viên:

Đây, điện các huy hoàng trong ánh nắng
Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh
Đây, chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng
Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành
(Trên đường về)

Chủ nhân của Hội an riverside thì rất “quái” khi đặt điêu khắc Shiva, Prajnaparamita trong ở sân vườn cũng như cách sử dụng hoa đại trong deco những khăn lau.

Những bức tượng nữ Chăm đặt ngoài cửa hay khu spa của Ana Mandara Nha Trang không thuần túy là trang trí. Người dân trên đường Trần Phú lý giải rằng đó chính là cử chỉ mà chủ đầu tư tôn thờ vong hồn những nữ chúa Chàm từng ngự trên khu đất này.

Ana Mandara Nha Trang

Ana Mandara Nha Trang

Ana Mandara Nha Trang

SG Mũi né resort của KTS Nguyễn Văn Tất

Nam Hải resort

deco thư viện Nam Hải

Bút nuy vô tư

Nam Hải resort

Life Quy Nhơn

Dấu tích văn hóa phồn thực Chăm xuất sắc nhất trong kiến trúc hiện đại- Life Quy Nhơn

Tuy nhiên phần lớn các ví dụ trên chỉ mới dừng lại ở việc “vay mượn” yếu tố Chăm, các thành tố văn hóa bản địa để tạo thêm giá trị gia tăng cho không gian sống.

Vượt thoát ngưỡng đó ẩn dụ văn hóa phồn thực được cách điệu khá tốt trên những chiếc lu gốm được đặt khắp khu nghỉ sang trọng Nam Hải. Một chi tiết không lớn nhưng đủ sức làm biến đổi và nâng cao chất lượng không gian Sài Gòn- Mũi Né resort chính là vồng đất căng đầy ở mặt tiền.

Sáng tạo đáng kể nhất phải là những hoán chuyển biểu tượng Linga- Yoni thành giá trị riêng biệt trong bản thiết kế khu nghỉ Life Quy Nhơn và một góc bể bơi trên tầng 6 của khách sạn 5 sao Sheraton Nha Trang.

Ngôn ngữ thiết kế của Life Resort Quy Nhơn có thể trực cảm và khá dễ hiểu. Nhưng để cảm nhận Sheraton Nha Trang lại đòi hỏi một vốn hiểu biết khá đầy đặn về những biểu tượng Chăm. Để tổ hợp tất cả những yếu tố, chất liệu, chi tiết kết cấu, mỗi nét vẽ trang trí hay một loài cây hoa… trong một không gian lại rất cần một khả năng liên tưởng và không thể thiếu trí tưởng tượng để kết nối các thông điệp.

Tập hợp những hàng cột lớn dựng trên mặt nước không chỉ là những giải pháp kết cấu phô lộ. Cần được hiểu đó chính là ngẫu tượng phồn thực. Đó cũng chính là hình đồng dạng phối cảnh của những hàng cột lớn trong kiến trúc Mandapa phía trước Po Nagar- không gian tụ hội, nhảy múa trong các đại lễ của các vị thần.

Trang trí mặt tiền Sheraton không chỉ là đường cong hay biểu diễn chuyển động sóng. Đó là sự chuyển thể tinh tế của những trang trí mái tháp Chăm cổ xưa. Đó có thể là môi trên, là hình dạng đầy biến ảo của thủy quái Macara. Cũng có thể diễn giải nét cong đó như vạt Sampot trong trang phục của Shiva.

Và bất ngờ hơn cả lại chính là một cây hoa Đại đứng tách ra khỏi hàng cây đại phía bên kia bể bơi. Theo cổ tích Chăm, cây hoa Đại chính là hóa thân của một con hươu từng gắn bó suốt cuộc đời với một cậu bé người Chăm. Trong khi cậu bé nghèo khổ đang phiêu bạt, trầm luân con hươu vẫn chờ đợi bạn cho tới khi chết. Những cái gạc của nó chồi lên thành những cành hoa đại khẳng khiu. Tình cảm của chú hươu hóa thành hương hoa thoang thoảng, luyến nhớ. Đó là sự cộng cảm giữa người Chăm và mẹ thiên nhiên. Đó là biểu tượng tôn vinh thái độ sống đầy nhân bản của con người.
Chiến tranh có thể tàn hủy mọi thứ. Chính trị sẽ biến động khôn lường. Nhưng sẽ vẫn còn đó niềm tin về một sự trường tồn trong đời sống tinh thần, tâm linh, tình yêu thiên nhiên, tự nhiên.
Hoa đại đã bị đọc trại đi như hôm nay? Còn người Chăm thì luôn gìn giữ trong thẳm sâu tâm hồn họ, trong mỗi điêu khắc, kiến trúc một loài hoa…. Đợi.

Một góc mang nhiều dấu ấn văn hóa Chàm của Sherton Nha trang

Hoa đại in bóng hàng cột Mandapa?

Không phải hoa đại mà là hoa Đợi

Như một phóng chiếu motip trang trí trên nóc các tháp Chàm

Po Nagar

Tháp Canh Tien Quy Nhơn

Đài thờ ở Trà Kiệu Quảng Nam

Chú thích ảnh:
1- Khu du lịch Suối Lương
2- Furama
3- Ana Mandara Nha Trang
4- Life Quy Nhơn
5- Sheraton Nha Trang
6- Life Style Đà Nẵng
7- Victoria Hội AN
8- Vinpearl
9- Hội An riverside

6 responses to “Deco phồn sinh

  1. Pingback: Luom lat tin | Dahanhkhach's Blog

  2. Từ facebook:
    Le Quang Vu: Bài viết thật dày dặn, ảnh thì khỏi chê. Nhiều khi đọc những bài thế này cứ thấy tiếc tiếc vì nó cứ miệt mài tử tế, mà chắc chắn là không thể câu view :). Hay làm một cuốn sách ảnh về “những hồi quang của văn hóa Chăm” đi anh ơi, coi đó như một nghĩa cử với hôm qua, và cũng là một cách gìn giữ cho ngày mai. Liệu có quỹ văn hóa nào quan tâm hoặc liệu các resort có mua sách không nhỉ?

    Xuân Bình: Cảm ơn em! Đây chỉ là một lát cắt nhỏ, một bài khả dĩ đăng được trên báo Vi En. Cũng là để kiếm tiền cho các cháu ăn học. Thôi mình cứ làm gì cho thật tử tế. Trong triều đại nhà Hồ này đừng hy vọng gì ngay khi nó đang trong tầm tay mình.

    Trung Hieu Bui Chỉ có thể là của XB!

  3. Pingback: Deco phồn sinh » Gilaipraung

  4. Bắt đầu vụ Thiên An Môn thứ hai tại Trung Quốc trong tháng 11
    http://dobatnhi.wordpress.com/2011/10/21/dieu-gi-xay-ra-trong-thang-11/

  5. Cám ơn anh Xuân Bình, bài viết rất hay.

Bình luận về bài viết này