Hiếu Mường- người có “căn” với … Rừng

 


 


Vũ Đức Hiếu, 35 tuổi, quê Nam Định, sinh ra ở Hà Nội, lớn lên ở Hòa Bình. Sau nhiều năm chuyên cần học hành, nhọc nhằn tu nghiệp và thử đủ thứ việc ở chốn hàng phố lao xao, Hiếu lẳng lặng đi ngược về  đồng rừng Hòa Bình. Từng là thủ khoa khoa Tạo dáng Đại học Mỹ thuật công nghiệp, tốt nghiệp loại giỏi khoa Lý luận phê bình Đại học Mỹ thuật Hà Nội, có nhiều năm làm báo, vẽ tranh, đi buôn, phát triển trang trại, mở quán cà phê… cuối cùng Hiếu trở thành “ẩn sỹ”dưới chân dốc Cun. Không biết mệnh, nghiệp, đam mê hay điều gì đã xúi bẩy Hiếu phải lao vào níu giữ những hồi quang rực rỡ và cả ảo ảnh của nền văn hóa Mường? 5 năm qua, kế bên Tây Tiến- con đường nhỏ mang tên một tác phẩm thơ rất nổi tiếng của Quang Dũng, kẻ có “căn” với rừng này đã xây dựng Bảo tàng không gian Mường. Hiếu đã chọn cho mình một hướng đi quá nhọc nhằn, rất đơn độc, nhiều rủi ro. Nếu phải phác thảo chân dung của Hiếu người ta chỉ cần thể hiện  ánh mắt âm u màu sương khói miền sơn cước ngày cuối xuân. Ngay cả khi cười gương mặt ấy vẫn phảng phất buồn.  Thân phận của gã “hiệp sỹ” này không chỉ gợi cho tôi dự cảm đau đớn, xót xa về  đúng – sai, hay- dở, được- mất của những giá trị văn hóa trước mặt trái, sự cuồng nộ của phát triển chỉ hướng tới thỏa mãn tối đa các nhu cầu vật chất.

Cái tên Hiếu Mường từng là hỗn danh từ thời sinh viên liệu có cơ hội trở thành một thương hiệu văn hóa bền vững? Dưới đây chỉ là một cuộc trò chuyện của hai kẻ cùng mê đồng rừng, từng dọc ngang bốn mường cổ: Bi, Vang, Thàng, Động. Một ghi chép tư liệu về một hiện tượng rất nhỏ trong giao thoa văn hóa Việt- Mường.

 

.

1-  Cơ duyên , bản mệnh hay sự lựa chọn cá nhân đã đẩy Vũ Đức Hiếu thành Hiếu Mường?

Mỗi người một việc, một số phận.  Cũng có thể là cuộc sống đưa đẩy. Bạn bè, người thân nhắc đến điều này thì như là than vãn về một quả Nghiệp. Có người ảnh hưởng triết lý nhà Phật thì cho là Duyên. Hơi khó giải thích, cắt nghĩa nhưng có gì đó giống như số phận của các ông Mo trong cộng đồng người Mường. Biết đâu công việc, chức phận, trách nhiệm trước Bảo tàng là được những người ở thế giới bên kia lựa chọn.

 

2-  Nửa đầu TK 20, nữ Tiến sỹ người Pháp Jeanne Cuisinier (1890- 1964)đã có công trình khảo cứu NGƯỜI MƯỜNG. Những năm cuối TK 20, Trần Từ (Nguyễn Từ Chi 1925- 1995) công bố những nghiên cứu Vũ trụ luận Mường, Hoa văn mường … Đầu TK 21, có thể nhận định về sự xuất hiện của Bảo tàng như một tiếp nối cho những hành trình trở về với văn hóa Mường?

Cho đến bây giờ, NGƯỜI MƯỜNG vẫn là công trình lớn nhất nghiên cứu về văn hóa Mường. Với tất cả những ai muốn nghiên cứu Mường, Jeanne Cuisinier là người khai minh.

Trần Từ là nhà Mường học đáng kính nhất, tấm gương đáng trân trọng về lao động khoa học, một nhân cách lớn. Các công trình của Trần Từ tiếp cận sâu hơn tới những vấn đề như Vũ trụ luận, cách giải thích về “Ba tầng bốn thế giới” hay những nghi lễ, nghi thức trong các đêm Mo để gìn giữ các giá trị tinh thần, tâm linh của người Mường, hoa văn Mường…

Tôi chưa dám so sánh, đặt định bản thân với những tác giả lớn, những cột mốc lớn trong lộ trình nhận thức đúng về giá trị to lớn của một nền văn hóa vốn cùng gốc với người Việt và nếu có chia tách thì cũng chưa mấy xa

Văn hóa là một dòng chảy. Dù lớn, nhỏ, khi mùa cạn, lúc lũ về hay đất lở, núi sạt, nguồn mạch đó có thể chuyển, đổi dòng chứ không thể đứt đoạn. Nếu không phải là tôi thì cũng có một ai đó được “phân công” đảm trách. Tôi chưa dám so sánh, đặt định bản thân với những tác giả lớn, những cột mốc lớn trong lộ trình nhận thức đúng về giá trị to lớn của một nền văn hóa vốn cùng gốc với người Việt và nếu có chia tách thì cũng chưa mấy xa

 

3-  Liên quan đến sự phát triển của dự án, điều gì khiến Hiếu suy ngẫm nhiều nhất về Jeanne Cuisinier và Trần Từ?

Vào những năm 1929, sự phân chia đẳng cấp trong xã hội Mường rất rõ. Jeanne Cuisinier thường đi kiệu về các Mường. Jeanne Cuisinier chọn không gian tiếp cận Mường từ các nhà Lang, những đại biểu quý tộc, những người có địa vị cao trọng nhất. Do những biến động quá lớn về chính trị- xã hội, bây giờ đối tượng này đã biến mất. Tôi không còn cơ hội tiếp cận.

Trong khi đó Trần Từ  lại đói khổ, bệnh tật, thiếu thốn đủ thứ, không có phương tiện đi lại, không gian tiếp cận hạn hẹp trong vùng Lương Sơn, Kim Bôi, Tân Lạc, chưa có điều kiện nhìn rộng ra và so sánh những khác biệt giữa các vùng Mường Phú Thọ Thanh Hóa, Nghệ An… Trần Từ  không có con. Các tác phẩm nghiên cứu – những đứa con đích thực của ông cũng chỉ được chào đời vào dịp giỗ đầu.

 

 

4-   Những điều đó có gợi cho Bảo tàng Không gian Mường nhắm tới một con đường đi khác biệt?

Khi bắt tay xây dựng Bảo tàng Không gian Mường, tôi cũng dựa vào Jeanne Cuisinier và Trần Từ  rất nhiều. Những di sản của họ vừa là nền tảng lý luận, kiến thức, phương pháp vừa là động lực.

Tôi nỗ lực học tập phương pháp thực chứng của những nhà khoa học phương Tây như Jeanne Cuisinier. Nhưng ngược hẳn với Jeanne Cuisinier, tôi sống, tiếp cận Mường từ trong cuộc sống thực của người dân nghèo. Với Trần Từ, tôi được dạy cách tránh đi những suy diễn, cảm tính trong nhận định. Và để làm việc khoa học hơn, cần mở rộng phạm vi tiếp cận, nghiên cứu để kết nối với nhiều giá trị khác, tránh võ đoán.

Điều kiện xã hội hiên nay chắc chắn bảo đảm cho chúng tôi nhiều điều kiện và cơ hội để đến với không gian Mường hơn Trần Từ.

Tìm kiếm, sưu tầm và phục nguyên một không gian đã và đang hiện tồn là phương châm hoạt động. Ngày trước văn hóa Mường gần như là những đề tài chuyên biệt. Đối tượng tiếp cận rất chọn lọc. Bây giờ rất nhiều người ở các độ tuổi, trình độ khác nhau nhưng có nhu cầu tiếp cận Mường. Họ không có nhiều thời gian để nghiền ngẫm những vấn đề kinh viện, đọc tác phẩm kinh điển như trước đây. Bởi thế Bảo tàng hướng tới thỏa mãn nhu cầu xem, nghe, nhìn như là một dẫn dắt, gợi ý, chỉ lối.

 

 

5-  Hiếu có thể nói điều gì ngắn gọn, rất tiêu biểu của người Mường?

Jeanne Cuisinier từng nhận định rằng: người Mường mừng vì một vụ lúa được mùa, một chuyến săn bắn được nhiều thú. Thích ăn ngon. Ngày cưới, ngày sinh con là lễ hội…. Họ không biết đến những lo lắng siêu hình. Không có khả năng hưởng cái vui của lý luận trừu tượng. Nhân tình trong cái đơn sơ. Thụ động song sâu sắc….

 

6-  Người Mường có những cách nhìn nhận rất riêng về trời đất vũ trụ, nguồn gốc của dân tộc mình?

Trong các tác phẩm mo Mường, “ Đẻ đất đẻ nước”, Mo lên trời, Truyện nàng Nga Đạo hai mối, dân ca truyền khẩu  … có những câu rất mộc:

Vùng đất này ngày xưa chưa có bạc lạc

Vùng nước này ngày xưa chưa có bời lời

Trời với đất còn dính vào làm một

Chưa có sông Ly chảy qua lá bái (tranh)

Bông cơm, trái lúa đời ấy chưa nên…

 

 

7-  Kiến trúc Mường là một di sản vật chất lớn nhất của Bảo tàng. Ngôi nhà của người Mường có những gì khiến chúng ta cần lưu tâm?

Người Mường có cả một huyền thoại rất sâu sắc về việc loài rùa nhiều lần mách bảo cách dựng nhà dựng cửa:

Bốn chân tôi là bốn cột cái

Hai vỉa sườn là hai mái nhà

Xương sống nên đòn nóc, bắc kèo cái,

Xương sườn lên rui,

Lỗ đầu làm lối lên cửa chạn

Lỗ ỉa lỗ đái lối vào lối ra

Người lấy cây lau làm độ

Cây lồ cố làm đòn tay

Cây cỏ may làm lạt buộc

Người có đụn chin quà

Có nhà chin gian,

Nơi ăn chốn ở

(Chạn là đầu cầu thang nhà sàn; độ là cột; lồ cố một loại cỏ thân mềm)

Tuy nhiên, việc sử dụng cây lau làm cột đã khiến cho những kiến trúc đầu tiên không bền vững. Người Mường lại phải mất công tìm  rùa để tra hỏi thêm. Lúc này Rùa mới mách tiếp:

Chặt cây sấu làm xà

Đẵn cây lim làm cột

Lạt buộc bằng cây giang

Lợp nhà ba gian bằng cỏ bái

Rùa đã mách bảo người Mường làm nhà sàn để thích ứng với nhu cầu sống bên những dòng sông, suối, mùa mưa lũ có nhiều lũ lụt hay sạt, lở núi. Phía sau câu chuyện phải mất hai lần con người mới có bản thiết kế hoàn chỉnh, ngôi nhà, kiến trúc, không gian sống của người Mường đã phác thảo dần một triết lý. Nó cho thấy người Mường luôn có nhu cầu vật chất giản dị, gắn bó với thiên nhiên, lựa theo tự nhiên.

Cũng từ huyền thoại này mà người mường kiêng không ăn thịt rùa.

 

8-  Trong Bảo tàng có đủ nhà Lang, Ậu, Tạo, Tróc. Kết cấu gỗ không mộng có ảnh hưởng tới chất lượng công trình? Với người Mường, kiến trúc có tạo nên những thang bậc nào trong giá trị sống? Vì sao những quý tộc Mường chỉ thích nhiều nhà mà không làm kiến trúc thật lớn?

Hiện nay Bảo tàng còn lưu giữ một hiện vật quý hiếm. Đó chính là ngôi nhà Lang cột chôn sâu, có kết cấu gỗ không mộng, các xà ngang được đẽo hình lục giác và chỉ gác lên cột gốc giống như các khớp xương động vật. Dựng cột chiếm nhiều thời gian nhất trong quá trình xây cất nhà. Khi đất có biến động, ngôi nhà giao động mà không bị xô đổ hay vỡ.

Nhà của người Mường được chia thành bốn loại nhà Lang, nhà Tạo nhà Ậu, nhà Trọi để phân định đẳng cấp trong xã hội. Nhà Lang là của quý tộc, giàu sang nhất ở.

Còn người ta làm nhiều nhà không phải vì không thích hay không thể làm nhà lớn. Giản đơn đó là nơi ở dành riêng, không gian độc lập cho các thứ phi, thiếp yêu, vợ bé.

 

9-  Dọc đường từ Hà Nôi lên đây có rất nhiều quán nhậu, có giới thiệu rất nhiều về rượu Mường, nếu cần vài chén tẩy trần thì bọn hàng phố nên dừng chân ở đâu cho đỡ lố?

Đúng là có rất nhiều nhà sàn bán rượu nhưng có đúng là rượu Mường hay tửu đạo của người Mường hay không thì cần xem xét và cân nhắc kỹ.

Từ rất xa xưa, người Mường có hẳn một trường ca “Đẻ rượu cần” .

Quy trình làm rượu quy định rất kỹ, ngặt nghèo. Gạo nấu rượu được chọn ra từ loại thóc: “ Đỏ bông cái sáng sáng. Vàng bông con chói chói”. Người dân lên rừng lấy rễ cây mật cú, vỏ cây mun, lá xà can, cỏ giạ lộng, gỗ cây dớn… đem giã thành bột, nặn thành bánh men. Có nơi dùng lá quế hoăc lá đào. Đàn bà là người làm men. Người Mường chia men thành hai loại: men đực, men cái. Men cái nắm bằng tay trái. Men đực nắm bằng tay phải. Trộn hoa vào giữa bánh men rồi đem hun khói. Sau đó chọn tay người rắc men lên cơm rượu. Ủ rượu vào ổ lá vo, lá ráy. Đong vào chĩnh, vò,  sau đó ủ tiếp vào ổ rơm ở góc nhà. 6 tháng lại đổi vò một lần để cất ra thứ rượu:

Rượu ngấm từng vòng

Rượu trong nước ngọt

Rượu đắng dễ nuốt

Rượu ngọt giống mật ong

Rượu hồng như mật ong đo, ong khoái.

Nấu đã mất công như thế nhưng thưởng rượu của người Mường cũng có quy chuẩn. Gặp nhau mở đầu câu chuyện xã giao thì chỉ cần vài tuần trà. Khi mang rượu ra thết đãi là đã cởi mở, thân tình. Bữa ăn thường mở đầu và kết thúc bởi chén rượu. Chén đầu tiên bao giờ cũng uống cạn để mừng thổ lang và tổ tiên. Trước khi đặt môi lên chén  thì nâng cao chén ngang trán và cúi đầu để uống. Người đàn ông có thể quên những đàn bà không được phép bỏ qua thủ tục này. Sau đó cứ mỗi lần mời uống thì chủ nhân nắm tay khách và nói: xin mời. Đưa đẩy chén say thường có hò, hát đối …

 

10-                    Bên cạnh tửu đạo, Hiếu có thể giới thiệu điều gì về đồ nhậu như một gợi ý để tiếp cận văn hóa ẩm thực của người Mường ?

Tuy chưa có nhiều công trình nghiên cứu sâu về ẩm thực Mường như với Mo, dân ca truyền khẩu, âm nhạc xéc bùa, thời trang… nhưng món ăn của người Mường là một đề tài thật hấp dẫn.

Các món ăn mang dấu tích rất rõ của mùa. Tháng 3-4 , có nhiều món ăn côn trùng như kiến, trứng kiến. Tháng 6 là mùa của các loại ốc đá, cua đá. Tháng 8- 9, có món ong, nhộng. Món ăn của người Mường chủ yếu được đồ, hấp, nướng. Gia vị chế biến món ăn phần lớn là các loại rau, lá như he, mắc khén, lồm xồm, các loại củ, quả. Có loại lá mang hương vị của cây gỗ đại thụ.

Món nhậu đáng kể phải là món da trâu hun khói nấu với là khoai môn.

Người Mường cũng có tập tục kiêng khem. Theo ghi chép của Jeanne Cuisinier  thì họ Quách ở Lạc Sơn không ăn thịt chó. Họ Đinh ở cao Phong không ăn thịt khỉ. Hộ Đinh Thế ở lạc Sơn không ăn cá bống. Họ Hà, Hoàng không ăn thị dê. Họ Bạch ở Kim Bôi không ăn thịt cuốc. Họ Phạm Thúc ở Ngọc Lạc, Thanh Hóa không ăn kỳ đà… Thói quen này xuất phát từ truyền thuyết về nguồn gốc, ý niệm về sự đầu thai của tổ tiên, nguyên tắc bảo vệ biểu tượng totem, thái độ không sử dụng uy lực với một số loài…

 

11-                    Về với  đồng rừng, thưởng thức “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui…” thú thực là còn rất mê gái Mường. Mà có gì to tát đâu, chẳng hiếu vì sao, trong các tiệc rượu hay mỗi lần theo dân bản nghe hát Xéc bùa… cứ bị hớp hồn bởi cái nẹp vải đỏ rất nhỏ ẩn khuất sau cái mép váy đen chưa phủ kín gót chân trần. Đã tốn rất nhiều phim ảnh về cái chi tiết đó. Là một họa sỹ Hiếu có nhận xét gì về váy Mường?

 

Thời trang các dân tộc miền núi thường có nhiều hoa văn, họa tiết. Váy Mường đơn giản hơn rất nhiều. Cái đẹp giản đơn nhưng tinh tế. Cạp váy từ trên ngực ôm ngang thân, được thêu rồng, phượng, hoa lá, trang trí hình học hay các đường lượn sóng. Họa tiết còn phản ánh đẳng cấp người sử dụng . Đôi khi đó còn là các biểu tượng chứa nhiều thông điệp lớn, để hiểu được thì cần phải phân tích, lý giải khá phức tạp.

Còn váy đen cạp thêm mảnh vải đỏ nhỏ bên trong mép váy là một thiết kế quá tinh tế. Sau mỗi bước chân, người ta chỉ thấp thoáng đỏ với gót chân trắng hồng. Màu đỏ áp đảo của thời trang Pà Thẻn, những chi tiết cầu kỳ của Hmoong, tinh tế của vạt áo khoác ngắn hẫng của Hà Nhì cũng không ám ảnh như mép váy Mường.

 

12-                    Tới đây, lại muốn hỏi thêm: làm thế nào để Không gian Mường cũng khiến người đời say sưa như mỗi lúc quay quần bên vò rượu cần, thăng hoa khi nghe xéc bùa và có được sức ám ảnh, hấp dẫn của một dáng người đẹp?

Có lẽ đó chính là một yêu cầu thúc bách vì sự tồn tại của Bảo tàng. Bên cạnh việc tiếp tục nâng cao chất lượng phần trưng bày giới thiệu văn hóa Mường chúng tôi sẽ mời các nghệ sỹ trong nước và quốc tế tham gia những workshop – hoạt động nghệ thuật đương đại vì cộng đồng.

13-                    Hiếu có tham gia những hoạt động này ở Malaysia? Kinh nghiệm nào có thể áp dụng?

 

Từng có những mô hình này ở Malaysia, Thái lan, Đài loan. Thú vị nhất là làng Sasaran bang Selangor, Malaysia. Nơi đã hai lần đăng cai thành công sự kiện nghệ thuật. Nghệ sĩ rất nhiều nước và vùng lãnh thổ đã tham gia sáng tác, vẽ tranh và làm sắp đặt. Họ tự túc tiền đi lại. Dân làng chu cấp nơi ở, ăn uống. Có gia đình đóng góp trăm trứng, tạ gạo. Nếu nghệ sỹ có nhu cầu đi đâu nhiều người sẵn sàng giúp đỡ miễn phí. Sự kiện thu hút sự quan tâm từ Thống đốc bang, các quan chức cao cấp về văn hóa. Doanh nhân rất tích cực tài trợ. Báo chí đặc biệt quan tâm. Với tất cả hiệu ứng trên, từ một làng chài rất nhỏ bé có hơn 2000 người sinh sống, Sasaran trở thành một điểm đến văn hóa khá nổi tiếng.

Tháng 9 năm ngoái, theo mô hình trên, Bảo tàng Không gian Mường đã tổ chức rất thành công Workshop nghệ thuật đương đại thu hút những tác phẩm mới nhất của 26 nghệ sỹ đến từ khắp đất nước. Sự kiện này đẩy Festival văn hóa Mường 2011 lên một tầm ảnh hưởng lớn hơn.

Với kinh nghiệm đó vào tháng 10 sắp tới chúng tôi sẽ khai mạc trại sáng tác quốc tế có sự tham gia của 40 nghệ sỹ trong cả nước và quốc tế.

Đây chính là cơ hội lớn để quảng bá những giá trị tinh hoa của văn hóa Mường ra thế giới. Nó thúc đẩy sự quan tâm hơn nữa của cộng đồng với các hoạt động sáng tạo, nghệ thuật. Một cơ hội để được sống, giao lưu với các nền văn hóa khác.

14-                    Phải chăng với những thay đổi đó của Bảo tàng mà sau 5 năm phát triển “Bà” giám đốc và hai con mới quyết định chia tay Hà Nội, bỏ phố về rừng để gia đình cùng đoàn tụ?

Vũ Đức Hiếu chỉ cười mà không nói năng gì. Trước khi về phố bất chợt muốn mượn ý thơ của Quang Dũng đề tặng chủ nhân Bảo tàng như một lời chia tay:

Hiếu lên Tây Tiến ngày xa ấy

Hồn ở lại đây chẳng về xuôi

 

 

 

 

 

 

2 responses to “Hiếu Mường- người có “căn” với … Rừng

  1. Pingback: Tin thứ Năm, 05-07-2012 « BA SÀM

  2. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Năm, 05-07-2012 | bahaidao2

Bình luận về bài viết này