Nhân diện Hàn

 

 Ảnh

Tháng qua, thế giới như bị Hàn lưu phủ… sóng. Sau G20, Park Geun-Hye duyên dáng xuất hiện ở Bảo tàng Hermitage, Nga. Ngay đêm hôm sau, người ta lại thấy con gái Park Chung hee rực rỡ trong thời trang Hanbok và sải bước trên catwalk Hà Nội. Đồng hành với Park Geun-Hye là Park Joong-hoon gây chấn động trên màn ảnh Mỹ. Là màn hình cong LG tự tin chiếm lĩnh trung tâm châu Âu. Là đồng hồ thông minh Samsung báo hiệu thời đại mới của công nghệ ở Berrlin. Là ô tô Huyndai i10 hấp dẫn người tiêu dùng ở hội chợ Frankfurt. Là múa dân tộc quyến rũ ở Istanbul.Hong Jeong-ho của Jeju United FC đã chuyển đến thi đấu ở Bundesliga. …Sau hơn 20 năm dõi theo Hàn Quốc, lần đầu tiên tôi chợt có ý định thử phác họa chân dung đàn ông Hàn như một cơn cớ để nhận diện xứ sở này!

 

 

Ảnh

Chân dung đàn ông Hàn trên bãi đá cổ cách nay hơn 2400 năm

 

Bạn là người Hàn Quốc?

Trong những lần đi xa, từ giáo sư Oxford đến thị trưởng Emmedingen, Đức, từ nhân viên Bảo tàng kiến trúc Vauban ở Colmar, Pháp đến các cô gái Myanmar yểm bùa bởi hình vẽ thannaca trên má, từ vũ công lắc bụng trên sông Nile đến thày chùa Tibet… ai cũng lặp lại cùng một câu hỏi: Bạn là người Hàn Quốc?

Như để kiểm chứng, tôi lần giở lại bộ sưu tập ảnh từng chụp chân dung Hàn. Những tranh khắc trên bãi đá cổ Bangudae trầm tư, người thợ làng gốm Oegosan Onggi cần mẫn, Kim Woo Choong cựu Chủ tịch Tập đoàn Daewoo mệt mỏi, người thợ ngủ vùi trên xe bus ở Ulsan buổi sớm, vũ công thăng hoa cùng điệu Sangmo norich’um trên sân Hàng Đẫy …

Tôi không thấy mình có gì nhang nhác Chung Se Yung, Cha-Kyung Koo, Lee Byung Chul, Park Tae Joon… những cái tên tạo nên Huyndai, Samsung, LG, POSCO… Tôi thiếu hụt niềm tin so với những ngôi sao K pop, chẳng ngang tàng như Kim Ki duk, không tài hoa như Jang Dong gun, nào điển trai như Bae Young Joon hay có khả năng lôi cuốn như Psy…

Nhưng câu hỏi: “Bạn là người Hàn Quốc?” đã mách bảo tôi một hiện tượng xã hội học rất đáng suy ngẫm. Như một sắc màu lạ của Hàn lưu, nó đã và đang phác thảo một nhận diện mới về phương Đông.

Điều khiến tôi lưu tâm hơn cả là: Bối cảnh nào, điều gì khiến đàn ông Hàn trở nên khác biệt, nổi bật? Họ có thể thay đổi chúng ta?


chan dung (1)_resize

Nghịch lý Hàn

Tôi cơ may diện kiến Hàn Quốc trong những ngày mưa. Có một điều kỳ diệu mang tên Busan dẫn tôi men theo biển Haeundae.  Bầu trời Đông Hải lừng lững những tầng mây sũng xám. Sóng như dữ dằn hơn khi muốn nhấn chìm hay bóp nát những bờ đá. Những hàng tùng ngang tàng phớt lờ tiếng gào thét của gió. Bên bờ sóng, những cô gái Hàn, Nhật và những người già vẫn đang đung đưa theo nhịp một điệu kèn “My heart will go on” …

Chính vào thời khắc đầy biến ảo của thiên nhiên, của biển cả và ngay khi con người đắm say cùng những cảm xúc lãng mạn, Busan chợt hiện lên một phong cảnh tinh thần đặc trưng nhất của xứ sở này. Những chấm phá căn bản nhất chính là sự tương phản dữ dội của hoàn cảnh, sự khác ngược gần mức đối kháng của các giá trị, nghịch lý trở thành động lực mạnh mẽ nhất cho phát triển.

Năm 1905, thật khó ngờ khi George Kennan, nhà văn Mỹ nổi tiếng, bạn thân của Tổng thống Theodore Roosevelt viết: “Triều Tiên một sản phẩm mục nát của nền văn minh phương Đông suy tàn”. Một trăm năm sau, họ hàng của Michael Breen- một ký giả người Anh có nhiều năm chuyên viết về Triều Tiên đã hỏi anh ta: Triều Tiên? Đó có phải là một phần của Việt Nam?

Nhưng với các chính trị gia lão luyện, trong một tầm nhìn Địa- chiến lược, Hàn Quốc luôn là điểm giao cắt, là tọa độ nóng bỏng khát vọng, tham vọng hay cuồng vọng của những cường quốc, đế quốc lớn mạnh nhất thế giới.

Đừng quên, năm 108 trước công lịch, nhà Hán đã lật đổ triều đại Chosun hùng mạnh. Sử sách vẫn mô tả kỹ lưỡng về vó ngựa xâm lăng của  Nguyên Mông thế kỷ 13. Vì sao từ thế kỷ 14, bao triều đại Thiên hoàng, Nhật hoàng luôn thúc quân đội vượt qua nhịp cầu Triều Tiên để xâm nhập Trung Quốc, thôn tính Mãn Châu..

Chẳng phải vô tình mà trận hải chiến đẫm máu nhất, kinh điển nhất giữa hai đế quốc Nhật- Nga lại chỉ cách Busan vài sải chim bay. Không chỉ là nỗi nhục quá lớn sau khi hạm đội Bantic bị chôn vùi ở eo biển Tsushima hồi 1905. Các cảng biển phía Đông Hàn Quốc luôn xui khiến J.Stalin cháy bỏng một khát vọng Viễn Đông. Suốt mùa đông đằng đẵng, con gấu Nga không thể ngủ vùi bên những bến cảng luôn bị đóng băng. Chưa bao giờ người Nga lại cần một cánh cửa lớn hơn luôn rộng mở ra Thái Bình Dương đến thế.

Để gượng dậy và thoát bỏ mọi mối đe dọa hay thế phận một “quốc gia bị lãng quên”, sau khi tiếng súng tạm ngưng trên vỹ tuyến 38, người Hàn đã dốc những đồng vốn quý hiếm, những khoản thuế máu đau đớn nhất, đắt giá nhất để phát triển kinh tế.

Ngay khi mỗi người dân chỉ kiếm 80 USD/năm thì hàng tỷ USD đã được ưu tiên phát triển tuyến đường cao tốc lớn nhất, nối Seoul và thủ phủ kinh tế Busan. Ngay khi quỹ nhà ở cho người dân còn nhiều khó khăn, để bắt kịp thời đại của sức mạnh biển, các cảng biển phía Đông Hàn Quốc đã mau chóng trở thành những cảng trung chuyển container có công suất lớn nhất thế giới. Các nhà máy đóng tàu lần lượt hoàn tất phần lớn hợp đồng béo bở …

Để có thể tạo dựng lên “kỳ tích sông Hàn”, trong một thời kỳ dài, Hàn Quốc đã tồn tại như thời chiến. Nhà Xanh- văn phòng Tổng thống là chỉ huy sở tiền phương, công sở là trại lính, đường phố là chiến trường, báo chí bị bịt miệng, tự do bị giam cầm, máu của rất nhiều người tiếp tục đổ xuống vì những giá trị tinh thần lãng mạn.

Để Seoul, Busan, Ulsan… rực rỡ, yên bình như hôm nay đã có những thảm họa Gwangju. Để logo các chaebol lấp lánh trên những xa lộ Mỹ, đồng hành cùng các đội bóng oách nhất nước Anh hay kiêu hãnh trong mỗi góc bếp Việt, cái giá phải trả là không hề nhỏ. Khoảng cách giàu nghèo căng hết mức có thể. Từ động lực cho một nền kinh tế xuất khẩu, không ít động thái của các tập đoàn gia đình đã trở thành hiểm họa.

Để có từng giây phút yên bình trong xã hội dân sự hôm nay, chính trường là nơi thao diễn các cuộc đảo chính, nhiều tổng thống đã nhận án tử hình, án chung thân hay tự sát…

 

Ảnh

Ký ức không hoang ảo

Như hiện ra trước mắt tôi những chàng trai Hàn tung mình, xoay tròn trên cao một cách xuất thần trong điệu nhảy dân gian Sangmo norich’um. Đó là hồi quang của những kị binh Siberya, Baikan dũng mãnh từng đến đây từ thời đồ đá mới?

Vẫn còn đó gương mặt rạng ngời của đô đốc Yi Sunsin. Người anh hùng vỹ đại bậc nhất Triều Tiên đứng hiên ngang trên tàu Rùa trong những trận chiến chống xâm lăng Nhật Bản hồi thế kỷ 16.

Có lúc, nhìn chung quanh, tôi tưởng chừng không gì rõ nét hơn những gương mặt thất thần, đau khổ, mệt mỏi, tuyệt vọng trong nỗ lực cuối cùng nhằm bảo vệ vành đai Busan của bao người lính Hàn.

Cách đây chưa xa, trên một bãi biển Busan nghèo khó, chàng trai Park Tae Joon, đã ngậm ngùi, cay đắng lên phà sang xứ Phù Tang để tìm đường nuôi thân, tìm hướng dựng nghiệp. Gần nửa thế kỷ sau, ông và Tổng thống Park Chung Hee đã khởi động nhà máy chế tạo thép liên hợp Pohang, dự án có quy mô lớn nhất trong suốt 4300 năm lịch sử Triều Tiên.

Một chân dung Hàn Quốc ám ảnh nhất, gây sốc nhất với tôi chính là những khoảnh khắc Park Chung hee.

Ngày 25 tháng 11 năm 1974, khi viên đạn của sát thủ trượt đích, Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc tử nạn. “Ông nhìn chung quanh, ánh mắt long lanh, cảnh giác, nét mặt hung dữ hơn. Ông đứng thẳng lên, nhìn chằm chằm vào khán giả: “Bây giờ, tôi tiếp tục bài diễn văn” (Michael Backman, cây bút xuất sắc chuyên bình luận chính trị châu Á mô tả)

Park hung hãn đến mức chỉ vừa vặn là một con người. Ông ta tàn nhẫn cùng cực và truyền vào người Hàn Quốc cái nhu cầu phải hy sinh.

Còn nhớ năm 1961, trước 20.000 sinh viên đại học Seoul, Park tuyên bố: “Toàn dân Hàn Quốc phải thắt lưng buộc bụng trong vòng 5 năm, phải cắn răng làm việc nếu muốn được sống còn. Trong vòng 10 năm, chúng ta tạo được một nền kinh tế đứng đầu ở Đông Á, và sau 20 năm, chúng ta sẽ trở thành cường quốc kinh tế trên thế giới. Hôm nay, có thể một số đồng bào bất đồng ý kiến với tôi. Nhưng xin những đồng bào ấy hiểu cho rằng Tổ quốc quan trọng hơn quyền lợi cá nhân. Tôi không muốn mỵ dân. Tôi sẽ cương quyết ban hành một chính sách khắc khổ. Tôi sẽ bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ một đồng. Tôi sẵn lòng chết cho lý tưởng đã đề ra”.

Năm 1979, Park đã vĩnh viễn ra đi sau lần mưu sát tiếp theo. Sau 18 năm cầm quyền, Park có công không nhỏ khi tạo cho ngân quỹ Hàn có hàng nghìn tỷ USD. Nhưng khi “mãn nhiệm”, tài sản của Park chỉ gói gọn chừng 10.000 USD.

 

Ảnh

Han!

Tôi đặt chân dung Kim Woo Choong đang tranh thủ ngủ vùi trước lễ khai trương Daewoo- Hanel ở phía Bắc Hà Nội năm 1995 bên cảnh bức ảnh Busan biển mưa.  Sau những cuồng phong của khủng hoảng, thương hiệu Daewoo ( Đại Vũ) có thể biến mất. Ai đó có thể lãng quên người từng sáng lập một tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc nhưng tôi sẽ luôn nhớ tác giả cuốn sách rất nổi tiếng một thời: “Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm”.

 Vượt qua mô tả ngoại hình, ngoại vật hay trực cảm, trong từng câu chữ, hành vi, nét mặt, điệu bộ, Kim Woo Choong cũng giống như những người đàn ông Hàn khác. Họ luôn khiến tôi liên tưởng đến một chữ HAN. Vâng, nếu chỉ chiết tự thôi thì đó là một lời nguyền cay nghiệt, một ý chí khó tin, một khát vọng không dễ đổi thay! Điều này, điển nghĩa này, thông điệp này đang dần thay đổi từng nét chữ của cá nhân tôi. Chân dung đàn ông Hàn là thế?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

24-9-2013
(Bài đăng trên TT&VH Đàn Ông tháng 10-2013)

Bình luận về bài viết này