Tây An- khu vườn mùa xuan

Chùa Đại Nhạn nơi Đường Tăng dịch kinh

Sầu như hồi phiêu loạn bạch tuyết- Buồn dâng bời bời theo cánh tuyết ( Cửu biệt ly-Lý Bạch)

Đến Tây An, cố đô Trung Hoa vào dịp mùa xuân, rơi cùng những bông tuyết cuối mùa mà sao tôi không thấy buồn như tâm trạng của đại thi sỹ đời Đường. Chỉ thấy tuyết đã biến cả một cố đô ẩn giấu bao biến động dữ dội lịch sử của Trung Hoa thành một khu vườn lãng mạn lạ lùng. Đúng như người Trung Hoa vẫn nói rằng “uyển tự thiên khai” – vườn là do trời tạo đặt.

Không biết có phải do quá hiếm hoi mục kích được tuyết rơi ở miền đất nhiệt đới nên tôi ngỡ ngàng trước nó hay không?

Những cơn gió mùa Đông Bắc ở miền Bắc thì ảm đạm quá. Heo may của mùa thu Hà Nội là quá đẹp nhưng lại không có hình. Những cơn mưa rào mùa hạ lại kém ở khả năng ngưng đọng. Tuyết không quá ẩm ướt như khi ta chạm vào mưa phùn mùa xuân ở quê nhà.

Chỉ trong phút chốc, chẳng có hiện tượng thời tiết nào có thể bỗng dưng biến đổi và làm đẹp không gian sống của con người đến độ kỳ thú thế này.

Không giống như truyện cổ tích, tuyết sinh ra từ những lần cô bé nghèo khó sửa soạn gường chiếu cho bà chúa Tuyết. Từ trên cao, tuyết thể hiện quyền lực siêu nhiên của nó khi choàng khoác, che phủ tất cả những gì ngưỡng thiên bằng một chất liệu màu tinh khiết. Thế giới đa sắc nhộn nhạo, ồn ào đã trở nên giản dị, đơn sắc.

Dãy núi Kỳ Liên dọc theo con đường từ Đôn Hoàng về Tây An vào mùa khác trơ khốc sỏi đá, cạn kiệt sự sống vậy mà khi có tuyết phủ người ta lại được chiêm ngưỡng một vẻ đẹp hoành tráng mà tạo hoá ban tặng.

Tuyết thực sự làm mới những bức tường thành cổ, lầu chuông, lầu trống…dấu tích kinh đô xưa của 13 triều đại Chu, tần, Hán , Đường…Tuyết làm cho bất kỳ ai nặng lòng với quá khứ cũng chẳng nghe thấy tiếng trống thúc quân ra trận hay tạm quên tiếng chuông nguyện của một thời binh đao, đạn lửa.

Các con phố cổ như phố tranh, phố người Hồi đến đại lộ lớn trước Đại Nhạn tháp đều đổi màu. Tuyết đọng ở lớp mái vảy tạo ra những đường kẻ thẳng trắng tinh, phân định rõ bảy tầng của tháp Đại Nhạn như một ước lệ về trật tự vũ trụ. Cũng là tập hợp của nước bị ngưng lạnh nhưng tuyết không đanh rắn và áp chế như băng. Những bông tuyết không lấp đầy mà rất biết lựa theo nhịp lồi lõm của mái âm dương làm thành một nét vẽ hoàn thiện hơn cho những trang trí đã quá công phu. Những chỗ được che chắn hoặc tuyết không ngưng đọng thì như được thức dậy với sắc màu tương phản mạnh mẽ. Bộc lộ rõ cá tính chính là những mảng tường hay cánh cửa được phết sơn màu son.

Tuyết đọng mà như hoa nở trắng trên mọi cành cây.

Những chốn xấu xí, xộc xệch được che đậy.

Tuyết bắt đầu tan, nước dần ngấm vào các thớ đá, sự chuyển dịch của những tông màu đen, xám, trắng khiến cho những điêu khắc nhân thần hay những con thú biểu tượng như biết động cựa. Chúng kiêu hãnh kể cho ta về bao lần chiêm ngưỡng những năng lực thay đổi kỳ thú của đất trời.

Nhưng lớn hơn những cái trực cảm là sự xuất hiện trong mỗi người một trang thái tinh thần trong sáng, ý thức được tẩy bỏ. Hình như thiên đường đã trở nên thấp hơn để cho những bước phàm trần trở nên hứng khởi, mạnh dạn khi bước vào một khoảng không gian của những ước mơ.

2 responses to “Tây An- khu vườn mùa xuan

  1. Từng ở xứ tuyết, em sợ nhất là ngày tuyết tan. Mọi cái đẹp khi đó đều thành ra bẩn thỉu hết. Thiên nhiên lúc đó là kẻ phá mộng khốn kiếp. Đẹp nhất là những bông hoa tuyết bám trên cửa kính. Thiên nhiên khi đó là một họa sỹ cực kỳ lãng mạn. Còn nhớ nhất là bốn câu thơ này, của Thu Trang:
    Mở mắt thảm lụa trắng
    Hình như tuyết đêm rơi
    Lòng còn như mơ ngủ
    Áo cưới nào đang trôi.

  2. Hai anh ơi! Giờ em mới hiểu khó thay viết về du lịch

Bình luận về bài viết này