Tag Archives: tâyantrungquốc

Con đường tơ lụa- Bên lầu trống nhặt khúc sáo thần

 

 

Tây An về đêm, tiếng sáo của người đàn ông bán sáo trên khu phố người Hồi đẩy tôi trượt hun hút theo ngũ âm để cảm nhận thấy bóng tối- tuyết trắng, quá khứ-hiện tại, không gian- thời gian đã nhoà dần đi những định giới vốn rất hẹp hòi của nó.

 

Nơi lữ quán tìm kẻ tri âm

Quán chật nép bóng lầu trống, một di chỉ nổi tiếng miền Tây An. Bữa tối tưởng chừng nặc nè trôi đi trên những khẩu phần ăn quá nhiều mỡ béo, chất bột lại có gia giảm bằng tiếng chửi mắng của một thực khách hậu duệ Lý Quỳ với nhà hàng đủ để một Ngưu ma vương như tôi tức xốc ngực. Định xách mấy xâu thịt nướng ra ngoài đường để hoàn tất thủ tục với dạ dày thì lại vướng một gã nhỏ thó đang hùng hục chui vào. (người Trung Quốc luôn có thói quen xấu chặn lối, chen ngang,  đi tới mà chẳng thèm để ý đến bất kỳ ai). Sau một hồi đối thoại với đám thực khách địa phương ở bàn bên cạnh, thật bất ngờ gã nhỏ thó quay những ngón tay diệu nghệ rút ra một ngón sáo rất đáng kể bởi màu mồ hôi hằn đọng trên thớ trúc. Môi dảu, miệng chúm chím, tám ngón tay khoan nhặt, nhẹ nhàng cài mở cửa gió, tiếng sáo thoát ra kỳ ảo kéo theo một giọng ca lảnh lót, chất giọng chỉ có thể tìm thấy ở miền rợ Khương, rợ Hồ bao đời mài chuốt, tỉa giũa trên đỉnh núi tuyết, trên mênh mông sa mạc hay những đồng cỏ nhạn bay rụng cánh vẫn không một bóng người. Người đàn bà hát có gương mặt hơi kiêu lạnh của một ca sỹ chỉ quen được người đời nhìn ngắm, tán tụng mà sao lời ca như ngó ý: hỡi bạn phương xa, những nẻo đi phôi pha gió tuyết, chẳng biết có khi nào tái ngộ

Tiếng hát nghe thao thiết như nàng Văn Quân lúc tàn sắc mượn khúc Bạch đầu ngâm hờn trách Tư Mã Tương Như chẳng còn lưu nhớ khúc phượng cầu hoàng tỏ tình ngày trước, quên nghĩa xưa, ham duyên mới mà sinh lòng kia khác. Trắc ẩn ấy đủ xui khiến Lý Bạch thả đôi câu thơ: Sông Cẩm chảy về Đông Bắc. Sóng xô dạt đôi chim uyên ương. Con trống đậu trên cây cung Hán. Con mái đùa trên đám cỏ thơm đất Tần. Thà cùng nhau chết vạn lần nát cả lông cánh. Chứ không chịu lìa nhau giữa mây… Hoa rụng lìa cành thẹn với rừng cũ. Dây thố ty vốn vô tình. Theo gió mặc nghiêng ngả. Ai khiến cành nữ la đến quấn quýt không dời. Hai loài cỏ ấy cùng chung một lòng. Lòng người không bằng loài cỏ…

Tiếng sáo vẫn dặt dìu theo dáng đung đưa, nghiêng ngả, xiêu diêu của gã nhỏ thó. Người đàn bà hát tiếp một tình khúc. Giọng ca vẫn lảnh lót mà sao giai điệu còn buồn hơn bài hát trước. Nghe kỹ ra nó giống như thổn thức của bao phận đàn bà chốn thành đô bi tráng này mỗi khi giã biệt người thân ra chiến trường một đi không trở lại. Đất nước họ 5000 năm là lịch sử của bao cuộc chinh chiến, tàn sát nhưng mãi mãi họ không hiểu nổi vì sao phải có chiến tranh. Vì ai, vì cái gì mà cha, chồng, con họ phơi xác ngoài nội cỏ cho sói hoang gặm xương, cho ác điểu rỉa thịt? Cũng như tiếng lòng người xưa, tiếng hát nay vỡ tan thành những mảnh sắc nhọn, lấp lánh khi đập phải bức tường cao sừng sững của lầu trống. Mấy trăm năm qua, chốn ấy, bao vương triều cả hiền vương lẫn bạo chúa đều đã thúc trống khởi binh, dồn quân ra trận với những lời hiệu triệu quốc thái, dân an?! Thực ra lầu trống chỉ tạo thêm việc làm buồn tênh cho lầu chuông mỗi năm lại gióng những tiếng sầu bi chiêu tập hồn bao sinh linh chưa kịp thăng thoát

 

Ngoài phố vắng thả hồn mình theo gió

 

Mê man trong những thang âm u sầu, tôi gật gù, cánh này chắc hẳn là những kẻ tri âm lâu ngày tụ bạ đàn cầm, khác nào Bá Nha gặp Tử Kỳ, như Tiêu Sử (Tiêu Lang) và Lộng Ngọc hiện về từ cõi tiên. Tích xưa, vua Tần Mục Công thời Xuân Thu đã gả con gái Lộng Ngọc xinh đẹp cho Tiêu Sử, tặng cả lầu Phượng đài vì tiếng sáo huyền diệu của chàng. Hai vợ chồng có tài thổi sáo rủ được chim phượng trên núi cao, rừng xa về nghe. Vậy mà không, tuyệt đối không. Hỏi ra mới vỡ lẽ tay nhỏ thó lại chỉ là một người bán sáo. Tôi thực sự hối hận vì những suy nghĩ ban đầu về anh, người ham vui đã quên mình là kẻ bán sáo. Người mà một phận mệnh thiêng liêng nào đó xúi bẩy làm một việc rất nghĩa cử, bán lại cho đời, tài trợ cho những số kiếp tưởng chừng đã thoát bỏ nghèo khó vài ba khúc nhạc vui buồn. Những khúc nhạc gọi hồn quê xưa cũ mà thi thoảng, có phúc lắm tôi mới bắt gặp từ người bán sáo nghèo bên bờ hồ Tây lộng gió hay Sài Gòn những khắc đêm chơi vơi trong tiếng lá me rơi nghiêng.

Người bán sáo ra khỏi quán nhanh như khi đến. Tôi bám theo ở một khoảng cách đủ tận hưởng tiếng sáo đêm lạ lùng. Người bán sáo cùng bước chân vô tình lúc qua phải khi sang trái, lúc ghé quán gốm khi dạt hàng lụa. Đêm kânh, phố xá bắt đầu thưa vắng người qua lại, hàng quán đóng cửa, người bán sáo vẫn lang thang rồi khuất dần trong con ngõ nhỏ. Chỉ còn tiếng sáo như vẫn còn vương đâu đây. Tiếng sáo của Tử Tư một thuở thổi sáo xin ăn ở nước Ngô, chờ ngày trở lại quật mộ Sở Bình Vương trả thù cho cha, anh. Tiếng sáo của Trương Lương trên đỉnh Cối Kê từng làm mềm đi biết bao lưỡi gươm kiếm không hề biết dừng lại trước giáp sắt, những thanh đao chưa từng biết một lần mẻ vỡ trên những thân xác người… Khúc thần sáo Tây An hôm nay như mở lối cho thân xác tôi trở nên mảnh mai, rỗng không như bao phận tre trúc…

Tôi kể lại câu chuyện này cho một người bạn Huế, một nho sinh rất trẻ, từng yêu mến Phong trúc tập của danh sỹ Ngô Thế Lân. Anh bâng quơ đọc tặng tôi đôi câu thơ tựa như một dấu chấm tuyệt nhất cho bài viết này:

 

Dọc đường có cây trúc xinh

Biết đâu gió mượn lòng mình vi vu.

 

 

 

Con đường tơ lụa- Dưới đất sâu binh mã dũng ngậm cười

 

 

 

 

Vậy là tôi đã đứng chân bên ngọn núi Ly Sơn huyền thoại, nơi Tần Thuỷ Hoàng không cưỡng lại được mệnh trời. Ngày Bính Dần tháng bảy năm 210 trước công lịch, Tần Thuỷ Hoàng trở về với cát bụi chẳng còn chút nghi vấn Lã Bất Vy có phải là cha mình, Thái Thượng hoàng, Trọng Phụ, một thừa tướng hào hoa, một nhà buôn xảo hoạt hay là một gã hoang dâm. Doanh Chính này không còn màng gì đến những bí kế, quyết sách của nhà biến pháp kỳ tài Thương Uởng. Thuỷ Hoàng đế đây đếch thèm đoái hoài bọn pháp gia, sủng thần Lý Tư nửa mệnh lẫy lừng, cuối đời khốn nạn để bọn Triệu Cao khắc chữ vào mặt, xẻo đôi mũi, chặt hai chân, đánh đến chết, cắt đầu, bêu xác ngoài thành ( thiếu kỳ nhân này Tần Thuỷ Hoàng đâu dễ thống nhất Trung Hoa). Tần vương ta cũng quái cần phân giải cho hậu thế vì sao đốt sách, đốt cái sách gì, chôn giết những loại nho sinh nào. Mấy mươi năm sau, Tây Sở Bá Vương chia đất Tàn làm ba ngôi cũng chẳng động tới giấc ngàn thu… Tạm dừng và khép nghỉ từ đây một nghiệp vương bá để rồi mở ra cho người Trung Hoa, cho nhân loại và cho một lữ khách nhạt nhẽo như tôi đây biết bao nghi vấn, thực hư của quá khứ, nhiều triết luận về Thời- Thế, về cái lý của bậc quân vương, cái lẽ của một kiếp người.

Khu mộ cổ, trời đen xám màu gươm kiếm ngâm lâu trong máu đọng.

Gió lạnh của miền hoang mạc Gobi sau khi đã vượt lách qua những nham nhở vách đá, đã ngấm tẩm những oan hồn cùng chướng khí còn vương vất hơn hai nghìn năm quanh dãy Ly Sơn để khi xộc về đến đây thì trở nên sắc lạnh như đoản kiếm Kinh Kha.

Giữa nhộn nhạo những kẻ bán tượng đất giả đồng, những khăn quấn cổ lông thú, đệm bông màu sắc sặc sỡ của người Hồi, người Mông, những người bán khoai nướng đứng sau những cái lò mang dáng dấp của chiến xa thời trung cổ vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn dáng vóc nhẫn nhục kỳ lạ của những người nông dân

Bức tượng đá tạc Tần Thuỷ Hoàng cao hơn hai mét đặt lừng lững ở cửa ra vào khu di tích binh mã dũng không gây cho tôi ấn tượng bằng những nét vẽ của cổ nhân cũng như những gì ông được Trương Nghệ Mưu, Chu Hiểu Văn, Trần Khải Ca tái hiện trong phim anh hùng, Tần tụng, Kinh Kha thích Tần vương, Tần dũng

Những người lính trong hầm mộ được buổi chiều cuối xuân chiếu sáng ảm đạm, lạnh lùng, hiu hắt trông chẳng khác là mấy những tay cành dương liễu trụi lá, trơ khốc đang cố bám víu, gắng sống cùng những vạt cỏ úa vàng, đắng miệng dê núi. Muôn năm một thứ đồ chơi cũ!

Đang lúc tìm mua vài cuốn sách bỗng có tiếng ồn ào, xủng xoảng của đám du khách địa phương kéo giật ánh mắt của tôi vào một góc phòng bán đồ lưu niệm bé tẹo. Có tới hàng chục người chen nhau để ngắm nhìn một người đàn ông chạc ngoài sáu mươi mặc áo Tôn Trung Sơn, đội mũ mềm giống như cái nồi đất ụp xụp trên đầu, đặc trưng thời đại Mao Trạch Đông. Không có người phiên dịch bên cạnh, không biết người kia là ai nhưng linh tính mách tôi phải bấm máy. Đám đông tản ra tôi mới nhìn thấy tấm biển: No photo và dừng tay. Hình như đã gặp ông ta ở đâu? à, đúng rồi cách đây 5 năm, trên đỉnh tháp truyền hình Minh Châu Thượng Hải lần đầu tiên tôi nhìn thấy ảnh ông đăng trên cuốn Những người lính của Tần Thuỷ Hoàng của giáo sư Yuan Zhongyi. Hôm đó tôi đã cầm cuốn sách trên hai tay, mặt quay về Tây miệng lẩm bẩm hẹn ngày kỳ ngộ Tây An.

Ông là Yang Zhifa, một trong những người nông dân đầu tiên phát hiện ra hầm mộ vùi hơn 8000 tượng binh mã dũng vào năm 1976. Tôi có trong tay ba bức ảnh về ông. Bức ảnh thứ nhất in trong một cuốn sách viết về khu hầm mộ xuất bản năm 1978. Gã nhiếp ảnh nhạt nhẽo nào vội vã ghi lại gương mặt ông khá xộc xệch như bao nông dân Trung Hoa khốn khổ còn ngấm đòn cách mạng văn hoá. Bức ảnh thứ hai chụp năm 1996, Yang Zhifa đã có dáng vẻ một cán bộ ngành văn hoá, chững chạc ra phết. Và bức ảnh tôi chụp Yang Zhifa lần này  chỉ có thể  là một mệnh kiếp kỳ lạ hiển hiện trong hình hài một người đàn ông.  Bất chợt tôi thấy ớn lạnh vì câu hỏi : ông ta là ai?

Yang Zhifa ngồi đó ánh mắt vô định,  nụ cười bí ẩn hơn vạn vạn nàng Mona Lisa của Leonardo da Vinci. Chiếc áo cổ tròn ôm áp cái cổ gầy có cho biết ông là người đi theo những tư tưởng cấp tiến của nhà cách mạng dân chủ Tôn Trung Sơn? Cái mũ mềm kia giữ mối liên hệ nào của ông với Mao Trạch Đông- một Tần Thuỷ Hoàng của thế kỷ 20? Ông là con cháu nhà Tần vẫn muôn đời tận trung giữ gìn mồ mả, công nghiệp rực rỡ của tổ tông hay là bè đảng của Hạng Võ, Trương Lương cố xoá bỏ bạo tàn, vô đạo để dựng nên thể chế mới vô đạo, bạo tàn, cố đạp phá mộ phần cho bõ hận trăm họ ở nước Hàn, Triệu, Nguỵ, Yên, Sở, Tề hay chỉ là kiếm ít bạc vàng, châu báu để trả lương bổng cho binh sỹ? Yang Zhifa đó, ngậm miệng hay ngậm cười? Ông đang nghiến răng  như nhân vật Kinh Kha khi ấn mạnh đốc kiếm vào Tần Thuỷ Hoàng trong bộ phim Anh hùng của Trương Nghệ Mưu? Khi đó Kinh Kha không giết bạo vương mà chỉ ấn truyền cho Tần vương sứ mệnh thống nhất Trung Hoa, giữ gìn bình an cho trăm họ? Ông câm lặng trước một Tần vương bạo chúa từng chôn sống hơn 7 vạn dân binh xây mộ cho mình hay mỉa cười lời Mạnh Tử nói với Tương Lương vương: Ai không thích giết người thì sẽ thống nhất được thiên hạ. Ông là nông dân hay là đấng nào mà trời cao xui vén đất dày, lật bẩy lịch sử, phơi bày quá khứ? Ông là ai, người phát hiện ra kỳ quan thứ tám của nhân loại mà sao hôm nay lại ngồi lặng lẽ thế sau chữ Không chụp ảnh viết vội vàng, nguệch ngoạc trên tờ giấy các tông cũ bẩn? Hiện tại luôn giành cho quá khứ cách ứng xử cẩu thả, thô phác như vậy sao? Ông là hiện hồn của những người lính nông dân không sản, chẳng nghiệp từng bỏ thây xác nơi trận mạc? Không, oan hồn nơi trận mạc thường biến thành sao sa trong những đêm hoang lạnh. Ông là hình tượng mới của họ? Không, những người lính trong hầm mộ chỉ đứng, quỳ hoặc bị thời gian, động đất xô ngã dúi dụi rồi nằm bẹp dính trong cát đất chứ không ai ngồi lạnh tênh như ông.

Chẳng bao giờ có câu hỏi cuối cùng, không thể có một lời cắt nghĩa vẹn tròn những nghi án của lịch sử. Vậy là cả đất nước Trung Hoa năm ngàn năm, một Tần Thuỷ Hoàng lẫy lừng thiên hạ cùng những người lính bằng đất nung vô danh và Yang Zhifa, một nông dân đang sống sờ sờ giữa thành đô Tây An xa xôi, với tôi mãi mãi là một dấu hỏi!

Con đường tơ lụa-Trước Nhạn tháp Đường tăng vẫn rảo bước

 

 

 

Dù là Đức Thích Ca Mâu Ni, Đại thánh tăng Huyền Trang hay bất kỳ một Phật tử nào trên giới tục con đường giác ngộ chẳng bao giờ có chặng điểm dừng nghỉ.

 

 

Tây An cố đô xưa nhất của đất nước Trung Hoa đón tôi bằng những bông tuyết cuối cùng của một mùa xuân. Đó là ân huệ hay kỳ duyên giành cho tha nhân mà một nửa đời đã mỏi mòn trôi đi vô tích sự dưói một khoẻn  trời nhiệt đới nóng sục, ngột ngạt, nhem nhuốc.

 

Cũng là một thứ nước của trời ban cho hạ giới mà sao không đanh cứng như mưa đá, không xối xả như mưa rào, bông xốp chứ không li ti như mưa phùn, khô tách chứ không ẩm ướt, nhớp nháp như sương nồm. Tuyết trắng mặc khải một khái niệm vô sắc, một trạng thái yên lặng tuyệt đối, một sự khởi phát để đi vào thế giới vô hình, vô cực. Tuyết dẫn lộ trong tôi sự phấn khích của cảm hứng khi tìm đến những vùng đất khác, những cảnh giới lạ. Tuyết bồng bềnh đưa tôi đến bên chân Đại Nhạn tháp.

 

Đại Nhạn tháp còn gọi là Từ Ân tự tháp được xây năm Vĩnh Huy thứ ba (625), thời Đường Thái Tông. Đại Nhạn tháp hiện nay đã qua trùng tu dưới thời nhà Minh, được xây bằng gạch, hình vuông, cao bảy tầng. Còn theo sách Thiên Trúc ký đã viết: “Đạt Khấu thân quốc có Già Diệp Phật Già Lan, đục núi đá dựng tháp năm tầng, tầng cuối cùng làm theo hình con chim nhạn, nên gọi là Nhạn tháp”. Trong hàng nghàn linh tháp của đất nước Trung Hoa lạ lùng, về cái sự nổi tiếng, sánh cùng Đại Nhạn tháp chỉ có thể là Tung Nhạc tự tháp xây năm 523 thời Bắc Nguỵ ở tỉnh Hà Nam, là Vân Nham tự tháp xây năm 601 đời Hậu Chu ở Tô Châu, là Tứ Môn tháp xây năm 611 ở tỉnh Sơn Đông (tháp duy nhất thời Tuỳ còn hiện tồn), là Phật cung tự Thích Ca tháp xây năm Thanh Ninh thứ hai (1056) đời Liên Đạo ở tỉnh Sơn Tây, là Diệu Ư’ng tự bạch tháp xây năm Chí Nguyên thứ tám (1271) đời Nguyên Thế Tổ ở Bắc Kinh… Có thể nổi trội, khác biệt về kích cỡ, kiểu dáng, chất liệu nhưng không linh tháp nào có thể sánh được với Nhạn tháp vì đây là một dấu ấn vỹ đại của hành trình Phật giáo đi tới phương Đông, nơi Thánh tăng Huyền Trang đã dừng chân trụ trì ở chùa này hơn hai chục năm để dịch kinh Phật sau khi đi Tây Trúc. Tiếp nối những thành tựu trong việc truyền bá Phật giáo của Già Diệp, An Thế Cao, Chi Lũ Ca Tiêm, Trúc Pháp Hộ, Cưu Ma La Thập… Huyền Trang đã dịch 520 quyển, 637 bộ sách Phật nổi bật nhất là Kinh Đại thừa, Đại Bát Nhã kinh.

 

Kể từ đây, theo nhà nghiên cứu Nguỵ Thừa Tư:  những dòng phái chính yếu phát triển tư tưởng triết học Trung Hoa lại là Phật học, nó vượt xa kinh học thời Lưỡng Hán, lý học thời Tống Minh  lan toả và ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt đời sống của Trung Hoa. Phật giáo với 1520 bộ, 5620 quyển đã trở thành những tác phẩm văn học vỹ đại, mang đến cho văn học Trung Hoa ý cảnh, văn thể, phương pháp dùng từ mới. Sách Phật bản hành tán kể chuyện đời Phật tạo khuôn mẫu mới cho thể thơ tự sự trường thiên. Kinh Pháp hoa gợi mở cho sáng tác tiểu thuyết đời Tấn Đường. Sử thi Ramayana Â’n Độ truyền lối cho Tây du ký. Phật giáo thúc đẩy ngôn ngữ Hán phát triển, cùng truyền thụ, tiếp thu khoa học kỹ thuật, y dược. Những bản in khắc, chùa tháp lớn nhất là của nhà Phật. Những tác phẩm hội hoạ, phong cách Văn nhân hoạ của phái Vương Duy, Tả ý hoạ thịnh hành đời Tống Nguyên, các danh hoạ Tào Bất Hứng, Cố Khải Chi, Trương Tăng Dao… đều được trưng cất, lĩnh hội từ những cốt tinh trong đời sống Phật giáo …

Đứng lặng dưới bức tượng lớn của Đại Đường Tam Tạng ngay trước cửa Đại Nhạn tháp để hồi nhớ chỉ từng ấy thôi mà như thấy mình rơi rất nhanh vào niềm thành kính mênh mang. Đường Tam Tạng tay trái khép lại trước ngực như đang lần tràng hạt, gương mặt tự tại, tay phải cầm cây tích trượng, đỉnh gậy có hình hoa sen tượng trưng cho sự giác ngộ cũng như giáo lý nhà Phật, bước chân Tam Tạng sải dài, tạo nhịp cuốn bay của tà áo cà sa. Những bông tuyết còn vương lại trên tượng gợi cho tôi nhớ lại nạn gặp yêu ma gieo tuyết, biến sông thành băng để bẫy Tam Tạng giam vào phủ Thuỷ Nguyên trên sông Thông Thiên còn ghi trong Tây du ký của Ngô Thừa Ân.  May mà có Bồ Tát bấm quẻ phát hiện thuỷ quái hại Đường Tăng nên vội đến cứu giúp chứ không Đại Thánh Tăng đã thành món trường sinh bất lão cho bọn yêu quái. Đấy chỉ là hai trong số tam mươi mốt nạn mà Đường Tam Tạng gặp phải dọc đường mười vạn tám nghìn dặm đi Tây Trúc lấy kinh.

Tôi tự hỏi không biết điêu khắc gia nào đã tạc bức tượng này? Tại sao không để Đường Tăng ngồi toạ thiền mà tiếp tục xải bước? Hay phía trước mặt một bậc thánh tăng như ngài vẫn còn đó 18 nạn chưa qua.  Đường giác ngộ còn thênh thanh hướng về Tây như đại lộ mới mở phía trước Đại Nhạn tháp tôi đã đến hôm nay. Còn nhớ Bồ Tát đã từng nói Cửa Phật có chín chín mới quy chân.

Dấu chân Phật như là một sự mô tả tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Phật, truyền tải ý tưởng về bản chất quyền năng siêu nhiên của Người. Bàn chân Phật có 108 tướng tốt. Hoa sen tượng trưng cho Tam bảo, sự giác ngộ, bánh xe chánh pháp tượng trưng cho những bài thuyết pháp của Đức Phật. Một trong 32 tướng tốt của Đức Phật là các ngón chân dài, thẳng, các móng chân nhìn thấy được. Tam bảo gồm Đức Phật, các giáo lý và các tu sỹ truyền dạy giáo lý. chữ Vạn biểu thị sự may mắn.

Tây An- khu vườn mùa xuan

Chùa Đại Nhạn nơi Đường Tăng dịch kinh

Sầu như hồi phiêu loạn bạch tuyết- Buồn dâng bời bời theo cánh tuyết ( Cửu biệt ly-Lý Bạch)

Đến Tây An, cố đô Trung Hoa vào dịp mùa xuân, rơi cùng những bông tuyết cuối mùa mà sao tôi không thấy buồn như tâm trạng của đại thi sỹ đời Đường. Chỉ thấy tuyết đã biến cả một cố đô ẩn giấu bao biến động dữ dội lịch sử của Trung Hoa thành một khu vườn lãng mạn lạ lùng. Đúng như người Trung Hoa vẫn nói rằng “uyển tự thiên khai” – vườn là do trời tạo đặt.

Không biết có phải do quá hiếm hoi mục kích được tuyết rơi ở miền đất nhiệt đới nên tôi ngỡ ngàng trước nó hay không?

Những cơn gió mùa Đông Bắc ở miền Bắc thì ảm đạm quá. Heo may của mùa thu Hà Nội là quá đẹp nhưng lại không có hình. Những cơn mưa rào mùa hạ lại kém ở khả năng ngưng đọng. Tuyết không quá ẩm ướt như khi ta chạm vào mưa phùn mùa xuân ở quê nhà.

Chỉ trong phút chốc, chẳng có hiện tượng thời tiết nào có thể bỗng dưng biến đổi và làm đẹp không gian sống của con người đến độ kỳ thú thế này.

Không giống như truyện cổ tích, tuyết sinh ra từ những lần cô bé nghèo khó sửa soạn gường chiếu cho bà chúa Tuyết. Từ trên cao, tuyết thể hiện quyền lực siêu nhiên của nó khi choàng khoác, che phủ tất cả những gì ngưỡng thiên bằng một chất liệu màu tinh khiết. Thế giới đa sắc nhộn nhạo, ồn ào đã trở nên giản dị, đơn sắc.

Dãy núi Kỳ Liên dọc theo con đường từ Đôn Hoàng về Tây An vào mùa khác trơ khốc sỏi đá, cạn kiệt sự sống vậy mà khi có tuyết phủ người ta lại được chiêm ngưỡng một vẻ đẹp hoành tráng mà tạo hoá ban tặng.

Tuyết thực sự làm mới những bức tường thành cổ, lầu chuông, lầu trống…dấu tích kinh đô xưa của 13 triều đại Chu, tần, Hán , Đường…Tuyết làm cho bất kỳ ai nặng lòng với quá khứ cũng chẳng nghe thấy tiếng trống thúc quân ra trận hay tạm quên tiếng chuông nguyện của một thời binh đao, đạn lửa.

Các con phố cổ như phố tranh, phố người Hồi đến đại lộ lớn trước Đại Nhạn tháp đều đổi màu. Tuyết đọng ở lớp mái vảy tạo ra những đường kẻ thẳng trắng tinh, phân định rõ bảy tầng của tháp Đại Nhạn như một ước lệ về trật tự vũ trụ. Cũng là tập hợp của nước bị ngưng lạnh nhưng tuyết không đanh rắn và áp chế như băng. Những bông tuyết không lấp đầy mà rất biết lựa theo nhịp lồi lõm của mái âm dương làm thành một nét vẽ hoàn thiện hơn cho những trang trí đã quá công phu. Những chỗ được che chắn hoặc tuyết không ngưng đọng thì như được thức dậy với sắc màu tương phản mạnh mẽ. Bộc lộ rõ cá tính chính là những mảng tường hay cánh cửa được phết sơn màu son.

Tuyết đọng mà như hoa nở trắng trên mọi cành cây.

Những chốn xấu xí, xộc xệch được che đậy.

Tuyết bắt đầu tan, nước dần ngấm vào các thớ đá, sự chuyển dịch của những tông màu đen, xám, trắng khiến cho những điêu khắc nhân thần hay những con thú biểu tượng như biết động cựa. Chúng kiêu hãnh kể cho ta về bao lần chiêm ngưỡng những năng lực thay đổi kỳ thú của đất trời.

Nhưng lớn hơn những cái trực cảm là sự xuất hiện trong mỗi người một trang thái tinh thần trong sáng, ý thức được tẩy bỏ. Hình như thiên đường đã trở nên thấp hơn để cho những bước phàm trần trở nên hứng khởi, mạnh dạn khi bước vào một khoảng không gian của những ước mơ.