Những giả thiết Macao!

Không gian Sheldon G. Adelson?

Tháng trước, tôi nhận được thư mời dự lễ khai trương khách sạn Four Seasons và kỷ niệm một năm hoạt động của Venetian, tổ hợp khách sạn, khu nghỉ mát và sòng bạc lớn nhất thế giới. Đây là hai dự án ban đầu trong dự án Cotai Strip ở Macao của Tập đoàn Lasvegas Sands.

Bốn ngày đi bộ khắp Four Seasons, Venetian và Macao tôi chụp 3854 kiểu ảnh. Lần đầu tiên sau hơn 27 năm làm báo, tôi thấy ớn sợ khi nhìn đống máy ảnh. Lần đầu tiên buộc phải nhận thấy không phải lúc nào sức lực cũng đồng hành cùng những ham muốn.

Đánh đổi cảm giác đó, lộ trình khám phá hòn đảo nhỏ bé này giúp cho tôi cảm nhận rõ nét hơn về Sheldon G. Adelson chủ tịch Las Vegas Sands, người giàu thứ ba của nước Mỹ sau Bill Gates và Warren Buffett. Và may mắn hơn nữa là tôi manh nha nhận thấy khác biệt rất lớn giữa doanh nhân Do Thái và Việt Nam.

Những dòng viết dưới đây là một vài phân tích, so sánh có cả ý nghĩ giả định để tôi tự trả lời cho câu hỏi: vì sao Sheldon G. Adelson lại là tỷ phú?

Trước hết Sheldon Adelson là một người Do Thái, một tộc người thật kỳ lạ. Người Do thái chỉ chiếm 1% dân số nhưng lại chiếm giữ 20% tài sản thế giới. Họ được ngợi ca là “Thương nhân vỹ đại số một của nhân loại”. Trong suốt 5000 năm lịch sử, mặc dù không để lại một kiến trúc nào đáng kể nhưng người Do Thái thực sự là những kiến trúc sư vỹ đại, họ giành cho nhân loại một kho tàng trí tuệ sáng tạo nguồn gốc mọi của cải.

Sinh ra ở Boston dựng nghiệp ở Las Vegas, phất lên mạnh mẽ ở Macao và sẽ tiếp tục khẳng định xu hướng đó ở Marina, Singapore… Lộ trình này của Sheldon G. Adelson như bước tiếp truyền thống của Abraham (khoảng thế kỷ 20 trước công nguyên) ông tổ của ba tôn giáo lớn (Do Thái, Cơ đốc và đạo Hồi), người Do Thái đầu tiên viết nên lịch sử sống lang thang, du cư của dân tộc mình.

Lao vào kinh doanh casino từ 19 năm qua, Sheldon G. Adelson dường như có sự phù trợ mạnh mẽ nào đó giống như Moses (TK 13 trước công nguyên) được Thiên chúa chỉ dẫn đường giúp cho dân Do Thái vượt biển Đỏ như đi trên cạn để thoát khỏi sự truy sát của Pharaon và khởi đầu cho những hành trình lớn của dân Do Thái.

Nếu bốn thế kỷ trước David Ricardo (1772-1823), một người Do Thái Hà Lan di cư sang sống ở Anh, người sáng lập trường phái cổ điển của kinh tế học hay bàn trong các tác phẩm kinh điển của minh về lợi nhuận thì hôm nay Sheldon G. Adelson lại thường xuất hiện trước công chúng trong các diễn đàn thương mại quốc tế với câu nói cửa miệng là: lợi ích.

Là một người đầy thực tế, Sheldon G. Adelson không nuôi nấng những giấc mơ quá cao xa trong khi cuộc sống riêng tư thì tồn tại chật vật, khốn đốn như Karl Marx (1818- 1883).

Cùng xuất phát điểm nghèo khó, Sheldon G. Adelson luôn có những đánh giá nhu cầu của thị trường sát đúng và đưa ra những quyết định táo bạo như cách Levi Strauss (1829- 1902) lão cự phú nổi tiếng thế giới bởi sản sinh ra những chiếc quần bò.

Albert Einstein (1879-1955) với các nghiên cứu về chuyển động Brow, thuyết bẻ cong ánh sáng hay thuyết tương đối đã tiết lộ sức mạnh vô tận của vật chất làm thay đổi nhận thức của con người về thế giới. Còn Sheldon G. Adelson bằng những dự án của mình góp phần thay đổi nhận thức cổ hủ của người phương Đông về mối quan hệ của đồng tiền và con người.

Nếu Leon Trotsky (1879- 1940), bằng tổ chức đấu tranh vũ trang giúp Lênin thực hiện thành công chóng vánh cách mạng vô sản ở nước Nga và Đông Âu thì Sheldon G. Adelson bằng đồng tiền đang làm cho ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản ở phương Đông trở một mảnh áo khoác cũ kỹ, rách nát.

Franz Kafka (1883- 1924), một người Do Thái sinh ra ở Praha đã từng đắm chìm trong tâm trạng bi quan khi viết những tác phẩm lưu danh như Hóa thân, Vụ án, Lâu đài. Cũng có không ít góc khuất đau đớn trong cuộc sống riêng tư nhưng Sheldon G. Adelson thì luôn tạo ra cho mình dáng vẻ bề ngoài bình thản.

3 năm sau khi Macao xóa bỏ độc quyền kinh doanh casino, năm 2004, Sheldon G. Adelson đã cạnh tranh mạnh mẽ với MGM, tập đoàn đang sở hữu sòng bài Wyn, để đầu tư vào ngành công nghiệp có lợi nhuận khổng lồ này. MGM là Metro-Goldwyn- Mayer của Louis B. Mayer (1885- 1957) người có ảnh hưởng lớn nhất với văn hóa Mỹ bởi công gây dựng ngành kinh doanh điện ảnh.

Và nếu Henry Kissinger (1923) với tất cả năng lực trí tuệ của mình muốn tạo ảnh hưởng tới một nền ngoài giao Mỹ trên toàn cầu thì Sheldon G. Adelson chỉ giành những tâm huyết đó vào việc thiết lập một thái độ ủng hộ tối đa của chính phủ Mỹ đối với nhà nước Israel…

Có thể là khập khiễng và liều lĩnh khi so sánh, đối chiếu hay “dùng” Sheldon G. Adelson để phản biện những người Do Thái khác từng có đóng góp thay đổi l
ch sử nhân loại. Nhưng tôi thấy cần thử tìm một cách nhìn khác để kỳ vọng hiểu đúng về một con người, một doanh nhân lớn và dân tộc của ông ta.

Đằng sau những doanh nhân đích thực đâu chỉ là một đống những con số trơ trụi trong các tài khoản.

Dây cương đỏ và con ngựa trắng

Từ góc nhìn kiến trúc, trước khi tới Venetian, tôi nghĩ rằng đó là một không gian Venice bị…nhân bản vô tính. Bản thân tôi cũng là một sản phẩm nhân bản méo mó nên tôi căm ghét điều ấy.

Toàn bộ phần mặt tiền được chép lại từng chi tiết từ Venice, Italia hồi thế kỷ 14- 15. Cũng một quảng trường San Marco với nhà thờ thánh San Marco có ảnh hưởng phong cách kiến trúc Byzantine kết hợp với lâu đài Doges mang phong cách Gothic tạo nên một phức hợp không gian hướng ra dòng kênh lớn. Tháp Campainle với hàng gạch trần nâu xậm khống chế phương đứng của không gian này. Nguyên tắc liên kết không gian, nguyên tắc phối cảnh ảo đã tạo ra các lớp hình ảnh không gian trực tiếp, trung gian và viễn cảnh, một thành công tiêu biểu của nghệ thuật quy hoạch Phục hưng. Đây là những tuyệt phẩm của mười thế hệ kiến trúc sư trong đó có những tên tuổi như Lombardo, Pietro, Tullio và Scamodi…

Tôi tự hỏi còn nguyên nhân nào khác quyết định tới kiến trúc Venetian ngoài những ấn tượng lãng mạn trong tuần trăng mật ở Venice của Sheldon G. Adelson với bà vợ thứ hai hồi năm 1991? Có lẽ thông tin này được gửi gắm tới báo chí như một chiêu tiếp thị, một phương thức tạo hình ảnh mang chút hơi thở của cảm xúc mà thôi.

Xét từ cơ hội kinh doanh, cái chính yếu mà cặp vợ chồng Do Thái này ngắm tới không phải là một hay nhiều tòa nhà mà phải là một không gian “lợi ích” khổng lồ. Sheldon G. Adelson có vẻ đặc biệt nhạy cảm khai thác yếu tố văn hóa trong kinh doanh.

Nếu năm 600 trước công lịch người Lydie, hàng xóm của dân Do Thái mới làm ra Tiền thì người Trung Hoa đã dùng tiền vỏ ốc để trao đổi từ hơn 1100 năm trước đó. Trong khi người phương Tây chơi bạc để mua vui thì người Hoa là tộc người máu me đỏ đen bậc nhất thế giới. Người Hoa lao vào sòng bài để thỏa mãn mơ ước làm giàu, khát vọng đế vương, họ đặt cược vào từng chiếc phỉnh mỏng toẹt cả một niềm tin từa tựa một thái độ sùng bái tôn giáo. Những ngón tay chầm chậm, run rẩy gần như là lén lút mỗi khi lật quân bài tẩy. Ẩn trong mỗi lá bài là một khoái cảm khó diễn tả.

Sau ba năm hoạt động, sòng bài Sands đầu tiên ở Macao của Lasvegas Sands đã thu hồi vốn đầu tư. Trong một năm hoạt động, Venetian đã thu hút hơn 20 triệu người đi tìm cơ may đổi đời. (So sánh một chút, bao năm qua, ngành du lịch Việt Nam vận hết nội lực, nội công cùng vận dụng tư tưởng lày, tác phong lọ cũng mới chỉ giành giật được có hơn 4,7 triệu lượt khách/2007.)

Đằng sau chân dung một doanh nhân, chắc chắn Sheldon G. Adelson là một nhà tâm lý học. Chẳng có cớ gì không làm một cái “mặt tiền” Venice, một hình ảnh châu Âu tiêu biểu với 120 nhà thờ kiểu Phục Hưng, hơn 60 tu viện, hơn 100 tháp chuông và 40 cung điện… nơi từng được Napoleon gọi tên là “căn phòng khách thanh lịch nhất ở châu Âu”. Có người phương Đông nào không một lần trong đời thốt ra thành lời ước mơ trú ngụ nhà Tây? Chỉ sau một vài giờ đi tàu cao tốc hay phà biển, Venetian đã thỏa mãn nhu cầu “tới” một phương Tây phồn vinh, hoa lệ cho tất cả những ai đến từ đại lục.

Chọn Venice, quê hương của Marco Polo- nhịp cầu đầu tiên của phương Tây tới phương Đông, người từng dọc ngang hầu hết đất nước Trung Hoa, thông điệp của Sheldon G. Adelson thật rõ ràng: Tôi quá thấu hiểu vùng đất này.

Nhìn lại quá khứ Venice, một đế quốc thương mại được hình thành bằng sức mạnh hải quân luôn nhòm ngó Constantinople một đế chế khác ở phương Đông (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) có phải Sheldon G. Adelson muốn nói rằng phương Đông là phần còn lại của một sự nghiệp toàn cầu của ông?

Xét từ góc độ kiến trúc, casino chỉ đơn giản là một cái hộp khép kín có hai cửa ra và vào thì việc chọn lấy hình ảnh Venice là một phương án lý tưởng, một bước khởi đầu hoàn hảo để biến không gian Macao thành một vương quốc cờ bạc.

Rất có thể khi chọn Venice làm biểu tượng mới cho dự án lớn nhất hiện nay của mình, Sheldon G. Adelson đã bị ám ảnh của quá khứ đau đớn của người Do Thái. Venice từng là căn cứ hậu cần của cuộc thập tự chinh lần thứ 4 hồi 1202-1204, một dấu nối giữa 8 cuộc chiến đẫm máu nhất thời Trung cổ nhằm bài Do Thái giáo và Hồi giáo.

Viết đến đây tôi bỗng nhớ tới lời của Élie một nhà tiên tri Do Thái: Sự nghèo đói và đau khổ với người Do thái giống như chiếc dây cương đỏ quàng lên con ngựa trắng”.

Còn trong một quan niệm và tâm thức của kiến trúc sư Sheldon G. Adelson hôm nay: kiến trúc chỉ là chiếc dây cương đỏ.

Cotai Strip và… Đại Nam

Xin được giới thiệu chi tiết hơn về Cotai Strip. Đến năm 2010, Las Vegas Sands sẽ đầu tư vào Cotai Strip 12 tỷ USD, xây dựng 6 cụm khách sạn và resort với 20.000 phòng lưu trú hạng sang, 280.000 m2 dành cho các gian hàng kinh doanh bán lẻ và 232.200 m2 phòng hội nghị cao cấp với hàng trăm phòng họp riêng biệt, tiện nghi…

Riêng với Venetian Macau, tổng diện tích 1 triệu m2, gồm 3.000 phòng nghỉ 110.000 m2 cho khu triển lãm, hội nghị, tầng chơi game rộng 51.000 m2, khu mua sắm rộng 74.000 m2 với 350 gian hàng. Có khu vận động Venetian 15.000 chỗ, khoảng 111.500 m2 không gian dành cho hội họp, hội nghị, triển lãm, lớn gấp hai lần Trung tâm Triển lãm Hội nghị của Hồng Kông. Khu này là phòng hội họp lớn nhất có ít cột nhất Châu Á và có thể phục vụ một buổi tiệc 5 món cho 15.000 khách. Dự án này đã tiêu tốn 2,4 tỷ USD.

Tôi buộc phải có một so sánh nhỏ giữa Đại Nam của Bình Dương với Cotai Strip bởi vì ở đâu cũng thấy người ta nói rằng dự án này có vẻ muốn trở thành một công trình dời non lấp núi, lưu danh hậu thế.

Về chiết tự, Đại Nam thì quá hoành tráng còn Cotai Strip chỉ là tên ghép của hai hòn đảo Taipa và Coloane (Thủy Tự và Lộ Hoàn). Đại Nam thì chềnh ềnh chiếm chỗ đất khoảng 216 ha rộng hơn gấp đôi diện tích sử dụng của Venetian. Tôi không biết nhà đầu tư sẽ quăng vào đây bao nhiêu tiền, chỉ biết một nguyên tắc duy nhất của họ là xây cái gì cũng phải to hơn… Trung Quốc?!?!

Tại sao lại phải đớn hèn như thế? Ngẫm cho kỹ đi, khu du lịch văn hóa Đại Nam hay là sản phẩm của một thứ tinh thần đại nhược tiểu, đại mặc cảm, đại tự ti, đại nệ cổ, đại khoe hàng…

Đứng về phía các kiến trúc sư tôi xin được đặt ra một câu hỏi: nhà đầu tư Việt Nam, các anh là ai?

7 responses to “Những giả thiết Macao!

  1. THằng em dại càng ngày càng khá đấy nhỉ. Có lẽ bởi dân Do Thái chỉ chiếm 1% dân số thế giới, nên tổng số trí tuệ mà Thượng đế ban cho dân tộc này bị chia ra ít, còn các dân tộc khác thì dân số nhiều quá, khiến cho phần trăm ấy phải share thành nhiều phần. Do đó trí tuệ có phần ít hơn so với mỗi ngời dân Do Thái…Thế thôi. Hì

  2. Đọc bài viết của chú, cháu học được rất nhiều. Cháu cảm ơn chú 🙂

  3. chuyện đầu tư ở các nước phát triển khó mà dễ. Khó vì mọi thứ có vẻ đã ở đỉnh cao, ít chỗ cho những con đường mới. Dễ vì mọi thứ (từ vốn, công nghệ, nhân lực,…) đều sẵn sàng để trợ giúp cho những tài năng vượt lên nhanh chóng.
    Nhà đầu tư nước ta có tính cơ hội nhiều (điểm mặt những người giàu VN là thấy ngay). Do quen nhắm những mục tiêu ngắn hạn, họ sẽ bộc lộ ngay yếu kém khi hướng tới những dự án lớn và lâu dài. Mà xã hội cũng không thể hỗ trợ họ tốt như mong đợi (khó tiếp cận vốn, khó gặp người giỏi và có trách nhiệm, mất quá nhiều thời gian cho những chuyện vớ vẩn, …) Đầu tư ở VN coi dễ mà khó !
    P/S: bạn có biết KDL Đại Nam do một KTS tuổi 20 làm tổng thiết kế và giám sát ? GĐ (con chủ nhân) cũng là một thanh niên tuổi 20 ? Nhân sự cho Đại Nam là cả một bài toán nan giải cho đến hàng chục năm sau… Du lịch là một lĩnh vực đa ngành và cao cấp, đầu tư không chỉ một vài thế hệ là đủ; mà VN thì mới lẫm chẫm tập đi !

  4. Bác Bình càng ngày càng lên tay, hỉ? Còn Bác duythiện thì khắc họa chân dung nhà đầu tư VN quá đúng.

  5. Đúng là người Do Thái giỏi thật nhất là trong các lĩnh vực khoa học – kinh tế. Có lẽ vì vậy mà chính phủ Hoa Kỳ thường bầu chọn người Mỹ gốc Do Thái “lèo lái” đầu tàu nền KT thế giới (FED) từ : Paul Volcker đến Alan Greenspan rồi nay là Ben Bernanke.

  6. chú là một nhà báo giỏi

Gửi phản hồi cho Xuân Bình Hủy trả lời